Khẩn trương gỡ vướng trong công tác đăng ký đất đai

Người dân xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại UBND xã. Ảnh: ANH NGỌC

Tại hội nghị đánh giá công tác đăng ký đất đai, tình hình hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai, các đại biểu tham dự đã nêu ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong công tác này. UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương khắc phục.

Tồn đọng hơn 32.000 hồ sơ

Từ tháng 7/2016 (thời điểm Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở TN&MT chính thức đi vào hoạt động) đến nay, UBND cấp xã đã kiểm tra, xác nhận và chuyển đến các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai gần 50.020 hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gần 40.955 hồ sơ, còn tồn tại các chi nhánh chưa giải quyết là 2.550 hồ sơ, trả về UBND cấp xã để bổ sung hơn 6.515 hồ sơ. Mặc dù tỉ lệ cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh đạt 102,16% so với kế hoạch của UBND tỉnh, nhưng so với số thửa cần kê khai đăng ký đất đai theo hiện trạng thì tỉ lệ còn thấp, chỉ đạt 47,83%; nhiều hồ sơ còn tồn tại UBND cấp xã chưa giải quyết (khoảng 29.535 hồ sơ) và nhiều đơn đăng ký hộ gia đình chưa kê khai (khoảng 11.770 đơn).

Tại TP Tuy Hòa, đến nay, tỉ lệ cấp GCNQSDĐ trên địa bàn thành phố đạt khoảng 67,8% so với kế hoạch tỉnh giao và đạt khoảng 20,4% so với số thửa cần kê khai theo hiện trạng; nhiều hồ sơ còn tồn tại UBND cấp xã chưa giải quyết (gần 2.830 hồ sơ) và gần 9.570 đơn đăng ký hộ gia đình chưa kê khai. “Các hồ sơ tồn chưa giải quyết đa phần có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, cần thời gian để thẩm tra, xác minh, nhưng quy định chỉ 20 ngày làm việc là chưa đảm bảo, gây áp lực cho địa phương”, ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa nói.

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện còn khoảng 4.235 thửa đất chưa kê khai đăng ký đất đai bắt buộc. Nhiều trường hợp sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch nên việc thẩm tra, xác minh gặp khó khăn và kéo dài. Ở Đồng Xuân hiện còn hơn 12.000ha đất lâm nghiệp do tỉnh thu hồi đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ nhưng địa phương chưa thể giao đất cho dân vì thiếu kinh phí đo đạc.

Theo ông Nguyễn An Phú, Phó Giám đốc Sở TN&MT, đa phần bản đồ địa chính có biến động đất đai lớn, nhiều thửa đất phát sinh mới do chuyển nhượng, tặng cho bằng giấy viết tay nhưng chưa được cập nhật chỉnh lý; thông tin người sử dụng đất kê khai không đầy đủ phải bổ sung nên kéo dài thời gian. Trong khi đó, công chức địa chính cấp xã đa phần chỉ có một người, ngoài việc tham mưu hồ sơ đăng ký đất đai còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nên quá tải. Ngoài ra, lãnh đạo UBND cấp xã thiếu kiểm tra, giám sát nên chất lượng hồ sơ chưa đảm bảo, còn nhiều sai sót; công tác kiểm tra, giám sát của UBND cấp huyện chưa quyết liệt và chưa có giải pháp đẩy nhanh tiến độ kê khai đăng ký đất đai.

Khắc phục tồn tại

Ông Đặng Ngọc Anh, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Sở TN&MT đang chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh khẩn trương giải quyết dứt điểm số hồ sơ còn tồn đọng, trường hợp trễ hẹn phải thông báo hoặc gửi thư xin lỗi theo quy định. Các đơn vị chủ động phối hợp với các phòng TN&MT, cơ quan quản lý xây dựng, chi cục thuế và UBND cấp xã trong quá trình giải quyết hồ sơ; thực hiện đăng ký đất đai, cập nhật hồ sơ địa chính đúng quy định. Sở TN&MT sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp về công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp GCNQSDĐ của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị đánh giá công tác đăng ký đất đai, tình hình hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai, đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương sớm tham mưu UBND tỉnh tổ chức lại mô hình hoạt động Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp. Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo cũng chỉ đạo Sở TN&MT tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, quy chế phối hợp trong công tác cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động để các cơ quan liên quan phối hợp giải quyết hồ sơ đúng theo quy định. Sở TN&MT tăng cường công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp GCNQSDĐ của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ tại các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình giải quyết đối với những hồ sơ trễ hẹn không có lý do chính đáng.

Liên quan đến mô hình hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp, ông Bùi Trọng Lân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Theo kế hoạch của Sở TN&MT, số người làm việc tại Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp là 228 người, hiện có 190 người nhưng số lao động hợp đồng là rất nhiều, Sở Nội vụ đề nghị Sở TN&MT tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển theo Nghị định 115 của Chính phủ nhằm đảm bảo yêu cầu làm việc. Nếu có nhu cầu phát sinh, Giám đốc Sở TN&MT chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh xây dựng lại đề án Vị trí việc làm để đảm bảo yêu cầu làm việc và tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển theo đề án.

Các huyện, thị xã, thành phố và Văn phòng Đăng ký đất đai cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình giải quyết số hồ sơ đăng ký đất đai còn tồn đọng. Sở TN&MT tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ tại các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình giải quyết đối với những hồ sơ trễ hẹn không có lý do chính đáng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/299754/khan-truong-go-vuong-trong-cong-tac-dang-ky-dat-dai.html