Khẩn trương hạ tải trọng đỉnh đồi có nguy cơ sạt lở cao
Hiện nay nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở đất ảnh hưởng tới tài sản và tính mạng của các hộ dân đang được một số địa phương tính toán để hạ tải trọng đất đỉnh đồi mái dốc theo chủ trương, chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Hơn hai tháng sau 2 vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại xã Đạ K’nàng làm người 3 tử vong vào trung tuần tháng 7/2024, chính quyền huyện Đam Rông đã khẩn trương cho rà soát từng vị trí đồi núi các hộ dân sinh sống phía dưới có nguy cơ sạt trượt để có phương án giảm thiểu rủi ro.
Tiến hành biện pháp trên quyết liệt nhất có lẽ là trên địa bàn xã Đạ K’nàng. Ông Nguyễn Bá Nhân - Chủ tịch UBND xã cho biết, qua rà soát địa phương có ít nhất 20 điểm, tương đương ảnh hưởng khoảng 20 hộ dân nằm trong danh sách phải hạ tải trọng đồi núi dốc. Trong đó hầu hết các vị trí người dân đã bạt mái dốc trước đây để tạo mặt bằng làm nhà ở, tạo ra mái đất có độ dốc lớn, không được gia cố hay giật cấp để hạ tải trọng trên đỉnh mái nên dẫn đến dễ xảy ra tình trạng sạt lở khối đất trên đỉnh khi có mưa lớn, mưa kéo dài.
Bắt đầu thực hiện từ cuối tháng 7, hiện nay hàng trăm khối đất đã được người dân cùng sự hỗ trợ của chính quyền xã vận chuyển ra khỏi khu vực nguy cơ sạt trượt, sau đó giật cấp đỉnh đồi thấp xuống trung bình từ 3 tới 6 m, thực hiện các biện pháp gia cố khác.
“Chúng tôi đã thực hiện hạ tải đồi mái dốc bằng phương pháp giật cấp bờ taluy xong 17 điểm, còn 2 điểm hai hộ gia đình đang làm, một điểm do khối lượng đất hạ tải rất lớn các phòng, ban của huyện đã lên phương án, sẽ tiến hành triển khai trong những ngày tới” - ông Nhân thông tin.
Theo kết quả rà soát, trên địa bàn huyện có 47 điểm có nguy cơ sạt lở, trong đó 8 điểm có nguy cơ sạt lở cao với 146 hộ dân nguy cơ bị ảnh hưởng và tới thời điểm này cơ bản các điểm trên đã được chính quyền địa phương vận động người dân hạ cấp bờ taluy, giảm thiểu tối đa tình trạng đất ngậm nước gây ra sạt trượt đất.
Trước đó nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Đam Rông thường chọn sinh sống bám theo dọc các trục đường giao thông. Nhiều vị trí đường thường có mái taluy âm và dương cao nên tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng khi xảy ra sạt lở đất. Đây là thực tế đã tồn tại không chỉ trên địa bàn huyện Đam Rông mà xảy ra tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
Tương tự trên địa bàn huyện Đức Trọng thống kê có 34 điểm có nguy cơ sạt lở, sụt lún và lũ quét, tập trung chủ yếu tại các xã Đa Quyn, Hiệp Thạnh, Bình Thạnh và thị trấn Liên Nghĩa… Riêng tại địa bàn thôn Bắc Hội, xã Bình Thạnh hiện có 3 vị trí là khu vực mỏ đá Trọng Minh, khu vực gần Công ty Bình Điền (thôn Bắc Hội), khu vực 35 ha thuộc lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý có nguy cơ sạt lở, sạt trượt, cây ngã, ảnh hưởng trên 10 hộ dân đang sinh sống phía dưới.
Hiện tại huyện Đức Trọng đang rà soát từng vị trí cụ thể để xây dựng phương án hạ tải trọng đất đỉnh đồi, mái dốc. Đây là giải pháp lâu dài địa phương đang triển khai để giảm bớt sạt lở, tránh tình trạng đến thời điểm mưa lớn, chính quyền địa phương phải yêu cầu người dân phải di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Thống kê hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 510 vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt, trong đó có nhiều điểm taluy cao, nguy cơ ảnh hướng tới tính mạng và tài sản của người dân trong điều kiện thời tiết cực đoan.
Theo đánh giá, bên cạnh nguyên nhân khách quan do yếu tố thời tiết, địa chất đặc trưng đồi núi cao, nền đất yếu,... thì hoạt động xây dựng, san gạt, đào đắp tạo mặt bằng xây dựng để xây dựng công trình của tổ chức, cá nhân tại các vị trí, khu vực sườn dốc, taluy âm/dương cao, có nguy cơ sạt trượt cũng là một trong nguyên nhân gây sạt lở, trượt, nứt đất và gây tác động đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Về giải pháp thực hiện hạ tải trọng đất đỉnh đồi, mái dốc nhằm giảm thiểu nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định việc đào, hạ tải trọng đất trên đỉnh đồi, mái dốc hoặc tận thu, thu hồi khối lượng khoáng sản dôi dư từ dự án này để sử dụng cho dự án khác.
Tuy nhiên trước thực tế cần có biện pháp cấp bách phòng, chống sạt lở đất, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn quản lý, tùy theo tình hình thực tế để xây dựng, phê duyệt phương án cụ thể cho từng vị trí, địa điểm để thực hiện trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân, tổ chức bị ảnh hưởng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để thực hiện giải pháp hạ tải trọng đỉnh đồi có nguy cơ sạt trượt thì trước mắt đối với khối lượng đất đá dôi trong quá trình thực hiện thì trong phương án xử lý, khắc phục, các địa phương cần xác định vị trí tập kết và tổ chức quản lý, bảo vệ cho đến khi có ý kiến xử lý của cơ quan có thẩm quyền để tránh thất thoát ngân sách Nhà nước. Trong trường hợp đánh giá đất, đá dôi dư không đạt tiêu chuẩn để làm vật liệu xây dựng, san lấp thì có thể chọn vị trí thích hợp để xây dựng phương án đổ thải theo quy định.