Khẩn trương hiện thực hóa mục tiêu bằng các giải pháp cụ thể

Tiếp nối các hội thảo nhằm cung cấp thông tin cho Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021, tại Hội thảo 'Quy hoạch điện VIII - Những vấn đề đặt ra và giải pháp', nhiều chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng hiện thực hóa những mục tiêu được Quy hoạch điện VIII đưa ra, nhất là về phát triển nguồn điện tái tạo bằng các giải pháp cụ thể.

Ưu tiên phát triển nguồn điện tái tạo

Gần 4 năm từ lúc khởi thảo xây dựng, sau nhiều lần Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương phê duyệt, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt. Điểm mới ở Quy hoạch này so với trước đây là ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học-công nghệ của thế giới. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương Vũ Ngọc Trung phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Bình

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương Vũ Ngọc Trung phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Bình

Về mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII hướng tới cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050; bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng của Việt Nam thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Đối với chuyển đổi năng lượng công bằng, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Mục tiêu nguồn năng lượng tái tạo chiếm khoảng 31 - 39% trong hệ thống, tương đương 5.000-10.000MW vào năm 2030. Tỷ lệ này có thể tăng lên 47% cùng các điều kiện cam kết theo tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Tỷ trọng nguồn điện này trong hệ thống dự kiến tăng lên 67,5 - 71,5% vào năm 2050.

Cũng theo Quy hoạch này, dự kiến đến 2030, sẽ hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng, như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000MW.

Trong tham luận gửi đến Hội thảo, ĐBQH khóa XII, XIII, TS. Trần Du Lịch hoan nghênh Quy hoạch điện VIII đã chấm đứt hoạt động các nhà máy điện than có thời gian hoạt động 40 năm, chuyển đổi các nhà máy điện than sau 20 hoạt động sang điện sinh khối, amoniac... Trong đó, giải pháp khuyến khích phát triển điện mái nhà, điện sinh khối theo mô hình “tự sản, tự tiêu” để giảm tải hệ thống được TS. Trần Du Lịch đánh giá cao và lưu ý “cần ban hành sớm chính sách rõ ràng, minh bạch về mô hình này”.

Cần tính toán căn cơ

Để đạt được các mục tiêu trên, tại Quy hoạch VIII xác định, nước ta sẽ cần gần 135 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới điện truyền tải đến năm 2030. Nhu cầu vốn cho phát triển điện (nguồn, lưới) tăng lên 399 - 523 tỷ USD vào năm 2050, trong đó hơn 90% dành cho xây mới các nguồn điện, còn lại là lưới truyền tải. Để huy động nguồn vốn cho ngành điện, Quy hoạch điện VIII xác định, Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền.

Tán thành quan điểm này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, cần sớm đưa ra chính sách hiệu quả để thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt với năng lượng tái tạo, sinh khối. Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư lưới điện truyền tải; thủy điện tích năng, pin lưu trữ cùng một số dự án khác đang thực hiện dở dang. TS. Trần Du Lịch cũng khuyến nghị, vai trò của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là mở đường, dẫn dắt, hỗ trợ để thu hút đầu tư tư nhân; hạn chế việc đầu tư nguồn điện, mà có thể thu hút đầu tư tư nhân.

Đồng thuận với quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương Vũ Ngọc Trung cho rằng, nhằm thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII, ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, cần chú ý đến kêu gọi thêm khu vực kinh tế, doanh nghiệp tư nhân tham gia bằng cách tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện.

Kinh phí để thực hiện Quy hoạch phải được sử dụng đúng mục đích, đối tượng, hạng mục đầu tư, tránh dàn trải, không hiệu quả. Để triển khai được nhiệm vụ này, việc thực hiện Quy hoạch điện VIII phải phù hợp với Quy hoạch Quốc gia, quy hoạch tỉnh, ngành và bảo đảm kinh tế môi trường. Quy hoạch nên tập trung vào các giải pháp, những vấn đề lớn trong bối cảnh mới.

Đề cập đến việc tạo điều kiện thực hiện các dự án điện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy nêu quan điểm: Qua thời gian thực hiện phát triển các dự án điện, giải phóng mặt bằng là vấn đề khó khăn nhất vì thủ tục chuyển đổi đất, cấp đất. Do vậy, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và quy định về đất đai, đặc biệt quy định về loại đất, cách thức xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất, trong đó giá thị trường của đất cần được đánh giá theo giá thị trường sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời, ông Nguyễn Văn Vy đề xuất cơ chế sử dụng đất có thể thực hiện theo các hình thức kết hợp phát triển các dự án năng lượng tái tạo với sản xuất nông nghiệp. Chủ đầu tư không phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo thuê đất của các hộ nông dân để thực hiện dự án, giá thuê đất được điều chỉnh theo thỏa thuận của 2 bên. Người nông dân vẫn thực hiện sản xuất nông nghiệp, nhưng không được làm ảnh hưởng đến vận hành của nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo.

Các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo do Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Bộ Công thương tổ chức cũng lưu ý, Quy hoạch điện VIII đã tuân thủ lộ trình hướng tới NET-ZERO vào năm 2050, tuy nhiên các mục tiêu đặt ra đến 2030 chỉ còn hơn 6 năm. Do vậy, nếu chậm ban hành các chính sách đồng bộ để thu hút đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo và thiếu quyết tâm để hướng tới "đoạn tuyệt" với điện than, các chuyên gia lo ngại giữa quy hoạch và thực thi "sẽ có khoảng cách”.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/khan-truong-hien-thuc-hoa-muc-tieu-bang-cac-giai-phap-cu-the-i330521/