Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Mưa lớn kéo dài liên tục trong những ngày qua đã gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt của một số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp đã khẩn trương huy động lực lượng tập trung giúp bà con khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Trong các ngày từ 17 đến 18-8, Đại Từ là địa phương xảy ra nhiều đợt mưa to và gây thiệt hại nặng nhất tỉnh. Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất đá vào 4 hộ dân ở các xã: Văn Yên, Phú Xuyên và thị trấn Hùng Sơn. Ngoài ra, mưa lớn cũng khiến 15 ngôi nhà xã Tiên Hội và thị trấn Hùng Sơn bị ngập úng cục bộ; một số tuyến đường giao thông bị sạt lở gây chia cắt tại các xã: Quân Chu, Phú Lạc, La Bằng, Na Mao… Cầu dân sinh xóm Lưu Quang 1, xã Minh Tiến bị sập hoàn toàn; khoảng 130ha lúa và hoa màu của người dân trên địa bàn huyện bị ngập úng cục bộ… Ước tính thiệt hại trên 1,3 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hầu Văn Sơn, ở xóm 3, xã Phú Xuyên vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại: Đêm 18-8, trận mưa lớn đã khiến khoảng 10m3 đất đá từ trên núi sạt lở vào ngôi nhà của gia đình tôi. Ngay trong đêm, lực lượng dân quân tự vệ của xã đã kịp thời đến hỗ trợ gia đình di chuyển đến nơi an toàn. Mặc dù hiện nay mưa đã ngớt nhưng chúng tôi chưa thể quay trở lại ngôi nhà của mình vì nguy cơ sạt lở vẫn có thể tiếp tục xảy ra. Mong muốn lớn nhất của gia đình tôi lúc này là sớm được Nhà nước hỗ trợ để tái định cư đến chỗ ở mới an toàn hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng dân quân tự vệ và các đoàn thể tại địa phương, tính đến ngày 19-8, 15 hộ dân bị ngập nước đã dọn dẹp xong nhà cửa để quay trở lại sinh hoạt bình thường. Đối với những diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng, ngay sau khi nước rút, người dân đã chủ động thu dọn rác, đất đá bồi lấp để cấy dặm, cấy bổ sung vào những diện tích lúa đã chết hoặc bị nước cuốn trôi.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, do nước lũ rút ngay trong ngày nên hầu hết những diện tích bị ngập úng sẽ không bị ảnh hưởng lớn đến năng suất. Còn đối với những tuyến đường giao thông bị sạt lở, hiện nay, các địa phương đang huy động lực lượng tại chỗ dọn dẹp khối lượng đất đá sạt lở để đảm bảo giao thông thông suốt cho người dân.
Cùng với việc tập trung khắc phục hậu quả của thiên tai, hiện nay, huyện Đại Từ cũng đang tích cực triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với mưa lớn có thể xảy ra trong những ngày tới. Thực tế, mối lo lớn nhất đối với huyện trong mùa mưa bão năm nay là nguy cơ mất an toàn tại các điểm mỏ khai thác khoáng sản. Đơn cử như tại tại khu vực chân bãi thải mỏ than Minh Tiến của Công ty CP Yên Phước tiếp tục xảy ra hiện tượng sạt trượt đất đá, rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Na Mao cho biết: Trước tình hình trên, chúng tôi đã đi kiểm tra thực tế và di dời khẩn cấp 5 hộ dân sống ở cạnh bãi thải đến nơi an toàn. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra tại 2 chốt cảnh báo nguy hiểm, không cho người dân qua lại xung quanh khu vực mỏ than để đề phòng đất đá sạt lở. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời.
Còn ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ thì cho biết: Theo dự báo, trong những ngày tới, trên địa bàn huyện có khả năng tiếp tục xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng, vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người dân, chúng tôi đã tiến hành di dời khẩn cấp 28 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân chủ động theo dõi, nắm bắt diễn biến thời tiết để sẵn sàng ứng phó trước những tình huống xấu do thiên tai có thể gây ra. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện và các xã, thị trấn sẽ duy trì chế độ trực 24/24 giờ để kịp thời ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết.
Tại huyện Định Hóa, mưa lớn trong những ngày qua cũng làm ngập úng gần 30ha lúa, thiệt hại 12ha ao nuôi trồng thủy sản. Mố cầu tràn Đồng Vinh, xã Điềm Mặc cũng đã bị cuốn trôi.
Còn tại T.X Phổ Yên, trong đợt mưa này, mặc dù không bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp nhưng có một nạn nhân bị tử vong do đuối nước khi đi qua ngầm tràn suối Vân Dương, xã Hồng Tiến. Cũng tại ngầm tràn này, 1 lái xe taxi và 1 người đi xe máy khi qua ngầm vào buổi tối, không quan sát được lượng nước cũng đã bị lũ cuốn trôi. Rất may là có người dân địa phương kịp thời ứng cứu nên 2 thanh niên không bị nguy hiểm đến tính mạng.
Anh Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã trực tiếp có mặt tại hiện trường, huy động lực lượng giúp nạn nhân tìm lại phương tiện. Để đảm bảo an toàn trong những đợt mưa tiếp theo, chúng tôi cũng yêu cầu UBND xã Hồng Tiến cần cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm tràn khi nước lũ dâng cao.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, hầu như 9 huyện, thành, thị trong tỉnh, địa phương nào trong tỉnh cũng có ngầm tràn qua suối với tổng số là 399 ngầm. Mỗi khi có mưa to, nước ngập sâu rất nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông qua ngầm tràn. Còn nhớ, năm 2017, 4 người trong một gia đình qua ngầm tràn xã Linh Thông (Định Hóa) cũng đã bị tử vong do đuối nước. Chính vì vậy, cùng với tập trung khắc phục hậu quả thiên tai và sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất thường có thể xảy ra thì việc cắm biển cảnh báo nguy hiểm và bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm tràn không cho người dân qua lại khi nước ngập sâu là giải pháp cần được chính quyền các địa phương chú trọng triển khai để đảm bảo an toàn tính mạng người dân trong mùa mưa bão.