Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ trước thềm năm học mới

Cùng với chính quyền địa phương, nhiều trường học nằm ở khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai đang gấp rút khắc phục hậu quả...

Hình ảnh từ trên cao ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên sau khi bị lũ quét. Ảnh: VPTB

Hình ảnh từ trên cao ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên sau khi bị lũ quét. Ảnh: VPTB

Quyết tâm bám trường, lớp

Cô Kiều Thị Minh Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) cho biết, tính đến ngày 31/7, toàn địa bàn xã Nam Phương Tiến và một số xã lân cận đang ngập trong nước. Học sinh chưa thể đến trường, mọi hoạt động sinh hoạt của người dân đều phải di chuyển bằng thuyền.

Với đặc điểm địa hình của địa phương, nước vào nhanh nhưng rút chậm, mực nước ở sân trường vẫn cao đến quá đầu gối người lớn. Theo kinh nghiệm từ những năm trước, để nước rút hết có thể mất khoảng hai tuần. Khi đó, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới như dọn dẹp khuôn viên trường lớp, rà soát bổ sung cơ sở vật chất mới có thể tiến hành. Nếu đủ điều kiện an toàn, huyện có văn bản chỉ đạo thì các trường mới tập trung học sinh.

Năm học 2024 - 2025, nhà trường có 10 lớp, mỗi lớp khoảng 25 - 26 học sinh. Giáo viên chủ yếu từ các địa phương khác về đây công tác, khoảng cách từ nhà các thầy cô tới trường từ 6 - 10km. Thời điểm này, các thầy cô trong ban giám hiệu vẫn đến trực trường. Bàn ghế đã được di chuyển hết lên tầng 2, tường bao cũng như tường lớp học tầng 1 có dấu hiệu bị bong tróc do ngập nước. Nhiều cây xanh, cây bóng mát bị ảnh hưởng và sắp tới phải trồng mới.

“Thực hiện chỉ đạo từ UBND huyện và Phòng GD&ĐT Chương Mỹ, nhà trường phối hợp với Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện để tuyên truyền phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ tới cán bộ giáo viên, học sinh, phụ huynh và người dân trên tinh thần nước rút tới đâu, dọn dẹp tới đó để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nơi nào nước rút sẽ tiến hành khử khuẩn bằng dung dịch Cloramin-B”, cô Hoa chia sẻ thêm.

Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, đến 7 giờ ngày 31/7, mưa lũ làm ngập 6,1km đê thuộc địa bàn 10 xã; 103 cầu, cống, đập bị hư hỏng. Trên địa bàn huyện còn 20 thôn, xóm bị ngập từ 0,5 - 2m. Trong đó, khoảng 7.410 nhân khẩu bị ngập cần phải cứu trợ, 4.329 trường hợp cần phải sơ tán. Huyện Chương Mỹ đã huy động 4.721 người và 200 phương tiện tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong đó, các lực lượng đã sử dụng 6.028m3 đất cát, 52.000 bao tải, vận hành 58 máy bơm tại 20 trạm để tiêu úng.

 Các thầy cô cùng người dân tập trung dọn dẹp sau khi nước rút tại Trường THCS xã Mường Pồn. Ảnh: VPTB

Các thầy cô cùng người dân tập trung dọn dẹp sau khi nước rút tại Trường THCS xã Mường Pồn. Ảnh: VPTB

Tại huyện Quốc Oai, ông Nguyễn Khắc Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT cho hay, các ban ngành chức năng của địa phương đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng ngập úng ở một số xã trên địa bàn. Với các trường học trên toàn huyện được lệnh chưa tập trung học sinh trở lại trường. Dự kiến sau một tuần nữa, khi đảm bảo an toàn các điều kiện thì các trường mới thông báo tới phụ huynh lịch tập trung học sinh đến trường.

Thông tin từ UBND huyện Quốc Oai, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và rìa Bắc rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao, từ ngày 22 - 29/7 trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa là 479 mm. Thời điểm ngập úng cao nhất toàn huyện là 504 hộ, 2.385 nhân khẩu. Trong đó, xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu có 121 hộ, 658 nhân khẩu; thôn 2 xã Phú Cát 56 hộ với 239 nhân khẩu; thôn Thông Đạt, xã Liệp Tuyết 171 hộ, 765 nhân khẩu…

Từ khi xảy ra tình trạng ngập úng, chính quyền địa phương đã áp dụng phương châm “4 tại chỗ” bao gồm lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và thực phẩm tại chỗ. Các điều kiện sinh hoạt cơ bản như lương thực, thực phẩm, nước uống, nước sinh hoạt vẫn đảm bảo. Sau khi nước rút, huyện sẽ bố trí tổ y tế dự phòng tổ chức vệ sinh khử khuẩn môi trường, đảm bảo nguồn nước, thuốc men cho người dân, nhất là các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa ngập.

 Người dân phải di chuyển bằng thuyền do ngập úng tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: TG

Người dân phải di chuyển bằng thuyền do ngập úng tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: TG

Cần sự đồng hành, sẻ chia

Là địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Điện Biên, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên đang khẩn trương khắc phục hậu quả do lũ quét. Trước đó, vào đêm 24/7 rạng sáng ngày 25/7 trên địa bàn xã Mường Pồn xảy ra lũ quét làm 1 học sinh Trường THCS Mường Pồn tử vong; 2 em khác mất tích (1 học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Mường Pồn; 1 học sinh Trường Mầm non số 2 xã Mường Pồn).

Thầy Hà Văn Minh - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Mường Pồn cho biết, gia đình và các ban ngành, chính quyền địa phương vẫn tích cực tìm kiếm học sinh bị mất tích do lũ quét.

Nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác khắc phục hậu quả mưa lũ theo hướng dẫn từ UBND huyện Điện Biên. Trong đó, chú trọng việc đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường.

Cũng theo thầy Minh, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ còn nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế; việc sửa chữa, xây dựng lại các hạng mục bị hư hỏng đòi hỏi nhiều thời gian và kinh phí. Vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình di chuyển đến trường cũng là thách thức lớn. Để khắc phục những khó khăn này, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chung tay của cộng đồng và quan tâm của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

Ông Quàng Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) cho hay, chính quyền địa phương đã kiểm tra, dự phòng các tình huống thiên tai có thể xảy ra tại trường và điểm trường trên địa bàn xã. Trường Mầm non số 2 và Trường Tiểu học số 2 xã Mường Pồn vừa được trưng dụng làm khu ở tạm của người dân. Sắp tới, xã bố trí người dân vào ở tạm tại nhà văn hóa của các bản và trả lại cơ sở vật chất cho trường học.

“Sở Y tế Điện Biên đã thành lập các tổ trực tiếp về địa phương để xử lý vệ sinh môi trường sau khi nước rút; phun khử khuẩn phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết; hướng dẫn nhân dân cách xử lý nguồn nước đảm bảo an toàn vệ sinh trước khi sử dụng. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kể cả nguồn thực phẩm được hỗ trợ từ nhà hảo tâm để đảm bảo sức khỏe. Học sinh ở 5 trường/điểm trường chỉ đi học trở lại nếu đủ điều kiện an toàn và UBND huyện cho phép”, ông Tiến nói.

Theo số liệu từ Sở GD&ĐT Điện Biên, tính đến nay, Trường THCS xã Mường Pồn bị đổ 50m tường rào, sập 1 nhà kho và hư hỏng 1 téc nước 2.000l, khu nhà bán trú bị sạt khoảng 300m3 đất. Trường Tiểu học số 2 xã Mường Pồn bị đổ 40m tường rào. Trường Mầm non xã Mường Pồn (điểm trường Pá Chả) bị rạn, nứt tường bao khoảng 100m tường rào…

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Sở GD&ĐT Điện Biên đã kịp thời chỉ đạo các phòng GD&ĐT, trường học khẩn trương thăm hỏi động viên, khắc phục thiệt hại (gồm sửa chữa các thiệt hại nhỏ, dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, cắm biển cảnh báo nguy hiểm…) đảm bảo các điều kiện để tổ chức hoạt động của trường học.

Ngày 30/7, đại diện Sở GD&ĐT Điện Biên đã đến thăm, tặng quà các gia đình có học sinh bị thiệt mạng và mất tích do lũ quét ở xã Mường Pồn. Tại UBND xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, ông Cù Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên đại diện đoàn công tác đã trao tặng 3 suất quà (mỗi suất trị giá 10 triệu đồng) dành cho 3 gia đình có con bị tử vong, mất tích do lũ quét xảy ra vào đêm 24, rạng sáng 25/7.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên; UBND các huyện/ thị xã/ thành phố trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, người dân; hạn chế thiệt hại thiết bị, tài sản, chủ động phòng chống dịch bệnh khi chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khan-truong-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-truoc-them-nam-hoc-moi-post693970.html