Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ và sạt lở đất

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua Bắc Bộ kết hợp hội tụ gió trên cao cho nên khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Dự báo, hôm nay (15-8), mưa dông mở rộng ra Bắc Bộ, riêng vùng núi phía bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 40 đến 80 mm/12 giờ, có nơi hơn 100 mm/12 giờ). Cảnh báo, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Tại Trung Bộ, do ảnh hưởng của đới gió tây nam gây hiệu ứng phơn cho nên có nắng nóng, có nơi có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 37oC, có nơi hơn 38oC. Ðợt nắng nóng này còn kéo dài nhiều ngày tới.

* Ngày 14-8, Ðoàn công tác của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT) kiểm tra công tác khắc phục sự cố tại Nhà máy thủy điện Ðăk Kar. Tại buổi làm việc, Ðoàn đề nghị nhà máy thủy điện rà soát lại hồ chứa phía thượng nguồn để bảo đảm an toàn khi mưa lũ. Trước đó, Ðoàn kiểm tra của Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn làm việc với tỉnh Ðác Nông về công tác PCTT từ đầu năm đến nay và một số vấn đề liên quan an toàn hồ đập thủy điện sau đợt mưa lũ vừa qua. Tại buổi làm việc, Ðoàn đề nghị tỉnh cần rà soát, đánh giá tổng thể lại mức độ an toàn của các hồ đập thủy điện, thủy lợi để lên phương án xử lý phù hợp; cần xây dựng bản đồ cảnh báo rủi ro, thiên tai…

Ðoàn Giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa đi kiểm tra, khảo sát công tác PCTT tại huyện Sa Pa (Lào Cai). Theo UBND huyện Sa Pa, khó khăn hiện nay là nguồn lực đầu tư còn hạn chế cho nên nhiều điểm dân cư ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét chưa thể di chuyển.

* Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho biết, hồ chứa thủy điện Ðăk Kar ở tỉnh Ðác Nông đã giảm và đang tiếp tục xả đến ngưỡng tràn. Ngoài ra, các hồ khu vực Tây Nguyên ở mức trung bình đạt từ 57 đến 81% dung tích thiết kế, trong đó tỉnh Kon Tum 69%, Ðác Nông 59%, Gia Lai 51%, Ðác Lắc 57% và Lâm Ðồng 81%.

* Ðến ngày 14-8, sự cố sạt lở đèo Con Ó trên tỉnh lộ 725 (Lâm Ðồng) vẫn chưa thể khắc phục xong. Cơ quan chức năng đang nỗ lực khắc phục sự cố để thông tuyến. Ðợt mưa lũ vừa qua, đèo Con Ó bị sạt lở 11 điểm lớn, nhỏ với tổng chiều dài khoảng 2 km. Những ngày vừa qua, tại tỉnh Kon Tum có mưa liên tục khiến tỉnh lộ 675 nối TP Kon Tum với huyện Sa Thầy bị sạt lở, có nguy cơ bị chia cắt, tiềm ẩn tai nạn giao thông đối với người đi đường.

* Hiện nay, tỉnh Ðồng Tháp còn hơn 6.290 hộ ven bờ sông có nguy cơ sạt lở, cần di dời đến nơi ở an toàn. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng lập phương án ứng phó cho từng khu vực đang sạt lở; vận động và hỗ trợ các hộ dân trong khu vực sạt lở nguy hiểm di dời nhà đến nơi an toàn.

* Trên địa bàn quận Ô Môn (TP Cần Thơ), hiện có 36 điểm đã sạt lở bờ sông với tổng chiều dài hơn 4.000 m. Ðến nay, quận đã gia cố được 16 điểm và hiện còn 20 điểm chưa được gia cố. Trong bảy tháng đầu năm, trên địa bàn xảy ra bốn điểm sạt lở với tổng chiều dài 130 m làm hư hại 16 nhà dân và 30 m đường giao thông, ước thiệt hại hơn 500 triệu đồng.

* Hiện nay ở tỉnh Quảng Trị, nước mặn đã lấn sâu vào các sông hơn 20 km, nặng nhất là khu vực sông Hiếu, sông Bến Hải, làm khoảng 1.100 ha lúa nhiễm mặn. Ngoài ra, tỉnh còn khoảng 2.500 ha lúa bị thiếu nước tưới.

* Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong tuần qua, sâu keo mùa thu xuất hiện, gây hại với diện tích 14.306 ha ngô, trong đó nhiễm nặng 3.288 ha, chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Theo dự báo, sâu keo mùa thu tiếp tục phát sinh gây hại các vùng trồng ngô trong cả nước.

* Vụ xuân 2019, sâu keo mùa thu xuất hiện và gây hại trên hầu hết các vùng trồng ngô ở Hà Giang với diện tích nhiễm 5.778 ha, ở Gia Lai, sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô với diện tích hơn 5.000 ha, trong đó, hơn 1.000 ha nhiễm nặng. Ðến nay, bà con nông dân đã phun thuốc phòng trừ trên diện tích 4.500 ha. Còn tại Ðác Lắc, sâu keo mùa thu xuất hiện từ tháng 5, đến nay đã lan ra 3.000 ha ngô vụ hè thu. Do chưa có thuốc đặc trị, lây lan nhanh nên người dân khó khăn trong diệt trừ loại sâu này.

* Còn tại Bắc Ninh, qua khảo sát từ đầu vụ đến nay có hơn 3.700 ha lúa mùa bị sâu, bệnh gây hại.

* Từ khoảng 10 giờ 30 phút đến 15 giờ ngày 14-8, tại rừng giáp ranh giữa phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò và hai xã Nghi Khánh, Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) xảy ra cháy. Diện tích bị thiệt hại khoảng 1,5 ha rừng thông và keo.

Tích cực dập dịch tả lợn châu Phi

Tại Nghệ An, đến nay dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 18 huyện, thành phố, thị xã với số lợn tiêu hủy hơn 10 nghìn con.

Tại Vĩnh Long, DTLCP đang gây thiệt hại đến ngành nông nghiệp và người chăn nuôi. Toàn tỉnh có khoảng 370 nghìn con lợn, hiện đã tiêu hủy khoảng 6% con nhiễm bệnh. Tỉnh khuyến cáo, người chăn nuôi không nên vội vã tái đàn, tránh thiệt hại do dịch lây lan.

Hiện nay, DTLCP đã xuất hiện tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Long An với số lợn bệnh và tiêu hủy gần 12.800 con. Tại tỉnh Sóc Trăng, DTLCP đang xảy ra tại 93 xã thuộc 11 huyện, thị, thành phố với số lợn bị bệnh phải tiêu hủy là 24.318 con. Mặc dù cơ quan chức năng đã tuyên truyền cách phòng, chống, xử lý nhưng người dân vẫn vứt lợn chết xuống kênh, rạch cho nên dịch lây lan nhanh.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41214902-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-va-sat-lo-dat.html