Khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy nghiêm trọng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội)
Vụ cháy thương tâm vừa xảy ra tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy vào rạng sáng 24/5 làm 14 người chết, ba người bị thương tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về an toàn phòng cháy, nhất là đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh.
Hiện nay các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang nỗ lực cứu chữa người bị nạn; thăm hỏi, động viên thân nhân và gia đình bị ảnh hưởng, khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy.
Vào hồi 0 giờ 46 phút ngày 24/5, Tổng đài 114, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố nhận được tin báo cháy nhà dân tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Ngay khi nhận được tin báo, Công an thành phố đã điều động 50 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, lực lượng Cảnh sát 113 Công an quận Cầu Giấy, Công an phường Trung Hòa khẩn trương đến hiện trường phối hợp các lực lượng khác của chính quyền và người dân địa phương tổ chức chữa cháy.
Đến 0 giờ 52 phút cùng ngày, các đơn vị đã tiếp cận hiện trường, triển khai chữa cháy, ngăn cháy lan, cùng các mũi trinh sát tìm kiếm, cứu người bị nạn. Thời điểm này, đám cháy đã bùng lên, thiêu rụi nhiều xe máy, xe đạp điện, xe đạp tại khu vực sân, khói và khí độc bao trùm toàn bộ khu vực cháy. Các lực lượng đã phá khóa cổng chính, phá cửa sổ, tiếp cận bên trong, kịp thời cứu được bảy người mắc kẹt, trong đó có ba người bị thương được đưa đi cấp cứu. Đến 1 giờ 26 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Hậu quả vụ cháy làm 14 người chết.
Theo quan sát, ngôi nhà bị cháy nằm sâu trong ngõ nhỏ, cách đường Trung Kính khoảng 200m, giữa khu dân cư đông đúc, chỉ có một đường ra vào duy nhất ở lối cổng, không có lối thoát nạn thứ hai. Ngôi nhà bị cháy gồm hai dãy nhà, một dãy nhà cao hai tầng, một tum thoáng; một dãy nhà cao ba tầng, có hành lang hở phía trước. Hai dãy nhà bố trí đối diện nhau, ở giữa là khoảng không. Diện tích xây dựng hai dãy nhà khoảng 150 m2 trên tổng diện tích khu đất xây dựng hơn 200 m2, phần diện tích còn lại khoảng 55 m2 là sân chung, bố trí để xe. Đám cháy đã thiêu rụi các phương tiện xe máy, xe đạp, xe đạp điện để tại khu vực sân. Phần khung thép, mái tôn lợp ở sân sập đổ; nhiều đồ vật biến dạng.
Nhiều người dân sinh sống ở gần cho biết, ngôi nhà xây dựng đã lâu theo dạng nhà ở riêng lẻ, được chủ nhà sửa chữa, cải tạo thành 13 phòng ở, trong đó 10 phòng cho thuê ở trọ, chủ nhà ở ba phòng. Mặc dù hai dãy nhà xây dựng cách nhau, có khoảng sân rộng ở giữa để tạo không gian chung, nhưng sân được lợp tôn kín. Đáng chú ý, chủ nhà dành nhiều diện tích tầng một để làm cửa hàng sửa chữa xe đạp điện, xe máy điện, cho nên thường xuyên chật kín các phương tiện cũ hỏng, phụ tùng thay thế, máy móc.
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội), tổng số thành viên trong gia đình chủ nhà bảy người và 17 người đăng ký thuê ở trọ. Thành viên gia đình đã tham gia lớp tuyên truyền, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ do khu dân cư, tổ dân phố tổ chức. Ngôi nhà được trang bị bình chữa cháy bố trí tại sân và hành lang các tầng. Ngõ 43 phố Trung Kính đã thành lập điểm chữa cháy công cộng cách ngôi nhà xảy ra cháy khoảng 30m.
Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo các phòng, ban, ngành, Ủy ban nhân dân phường Trung Hòa thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có người bị nạn với mức hỗ trợ 55 triệu đồng/người chết, 33 triệu đồng/người bị thương (từ nguồn ngân sách thành phố và quận). Ngoài ra, quận Cầu Giấy hỗ trợ thân nhân người chết với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/trường hợp và hỗ trợ người bị thương đang điều trị tại các cơ sở y tế mỗi người 5 triệu đồng từ nguồn vận động các tổ chức, cá nhân.
Thời gian qua, nhất là từ sau vụ cháy tại chung cư mi-ni ở số nhà 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân làm 56 người chết, 37 người bị thương đêm 12/9/2023, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy, nổ. Trong bốn tháng đầu năm 2024, trên địa thành phố xảy ra 387 vụ cháy, trong đó có ba vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 66 vụ cháy ở mức độ trung bình, 318 vụ cháy nhỏ, làm ba người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 3,3 tỷ đồng. Nhiều vụ việc đã được chữa cháy kịp thời theo phương châm bốn tại chỗ. Các lực lượng chức năng đã kéo giảm 939 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy hoạt động từ sau khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực, chiếm tỷ lệ hơn 27%.
Qua rà soát cho thấy, trên địa bàn thành phố có hơn 72.280 cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, gồm gần 1.430 nhà chung cư, 398 chung cư mi-ni, gần 31.240 nhà trọ và hơn 39.210 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra 100% cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy 1.213 trường hợp với tổng số tiền hơn 6 tỷ 500 triệu đồng; tạm đình chỉ 351 cơ sở, đình chỉ hoạt động 118 cơ sở.
Nhận thức về an toàn cháy, nổ của người dân nâng cao. Nhiều chủ cơ sở, chủ hộ gia đình đã bổ sung các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cho công trình. Điển hình đối với chung cư mi-ni, chủ đầu tư đã thi công đóng kín buồng thang bộ 26 công trình, bổ sung giải pháp ngăn cháy khu vực để xe và khu vực thang bộ tại 211 công trình; bổ sung các giải pháp ngăn cháy lan như chèn, bịt trục kỹ thuật thông tầng, trục kỹ thuật điện, giếng trời đối với 77 công trình...
Tuy nhiên, theo đại diện Công an thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố vẫn còn hơn 2.160 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy hoạt động. Đáng chú ý, đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ còn hơn 16.730 công trình không bảo đảm quy định về giao thông phục vụ chữa cháy; hơn 9.700 công trình không bảo đảm về nguồn nước phục vụ chữa cháy; 19.420 công trình không bảo đảm về giải pháp ngăn cháy lan; hơn 19.880 công trình không bảo đảm về giải pháp thoát nạn; gần 8.190 công trình vi phạm về điện.
Đối với công trình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, còn hơn 2.080 công trình không bảo đảm về giao thông phục vụ chữa cháy; 1.475 công trình không bảo đảm về nguồn nước phục vụ chữa cháy; 12.980 công trình không bảo đảm về giải pháp thoát nạn; gần 8.720 công trình có tồn tại, vi phạm về điện...
Công tác phòng chống cháy, nổ trên địa bàn Hà Nội mặc dù có nhiều chuyển biến, nhưng còn hết sức phức tạp. Việc tổ chức thực hiện các kế hoạch phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn nhiều hạn chế; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa được thực hiện nghiêm túc. Vì thế, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương vào cuộc tích cực hơn, khắc phục các vi phạm; xử lý nghiêm các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, không khắc phục các vi phạm an toàn cháy, nổ. Các đơn vị cần tăng cường giáo dục, hình thành kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nâng cao nhận thức an toàn cháy, nổ cho người dân, hạn chế các vụ cháy đáng tiếc xảy ra.