Khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm tại hồ bản Bon

Nguồn nước sinh hoạt dẫn từ hồ bản Bon, xã Mường Bon về bản Quỳnh Châu, xã Mường Bằng (Mai Sơn) hiện bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do khu vực đầu nguồn có hoạt động sơ chế cà phê quả tươi, xả thải trực tiếp ra suối. Điều này đã làm 33 hộ dân bản Quỳnh Châu bị mất nước sinh hoạt. Từ thông tin trên, chúng tôi về bản Quỳnh Châu để tìm hiểu thêm về sự việc.

Hồ bản Bon, xã Mường Bon (Mai Sơn) bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Hồ bản Bon, xã Mường Bon (Mai Sơn) bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Đoạn đường từ khu công nghiệp Mai Sơn vào bản Quỳnh Châu xuống cấp khá nghiêm trọng, mặt đường lồi lõm và có nhiều rãnh nước, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Vào đến bản, người đầu tiên chúng tôi gặp và trò chuyện là anh Vừ A Di. Khi được hỏi về chất lượng nước sinh hoạt được dẫn từ hồ bản Bon về, anh Di bảo: Nước có màu đen thẫm và mùi hôi rất khó chịu. Vì vậy, mấy hôm trước, huyện đã chỉ đạo không cho dẫn nguồn nước này về bản để sinh hoạt nữa. Hiện, chúng tôi đang sử dụng nguồn nước mưa dự trữ, nhưng chắc cũng không được lâu, vì hầu hết nguồn nước dự trữ của các gia đình không còn nhiều. Nói rồi, anh Di đưa chúng tôi ra nơi để thùng chứa nước dẫn từ hồ bản Bon về từ mấy hôm trước nhưng không sử dụng được. Bằng cảm quan, chúng tôi nhận thấy, nước có mùi hôi như mùi của nước cống rãnh.

Cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Mai Sơn

Cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Mai Sơn

kiểm tra tình hình ô nhiễm tại hồ bản Bon, xã Mường Bon (Mai Sơn).

Khi biết lý do chúng tôi về bản, mấy người dân gần nhà anh Di cũng sang tham góp câu chuyện. Ai cũng băn khoăn, lo lắng vì không biết đến bao giờ mới có nước trở lại. Họ cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa chế biến cà phê là lại xảy ra tình trạng này. Cũng có năm, thời gian mất nước kéo dài, nguồn nước dự trữ hết, các gia đình phải mua nước do tư thương mang từ nơi khác vào bán với giá 100.000 đồng/m³. Cũng nói về việc nguồn nước ở hồ bản Bon bị ô nhiễm, đồng chí Giàng A Thào, Bí thư Chi bộ bản Quỳnh Châu, cho biết: Hiện nay, 33 hộ dân trong bản bị ảnh hưởng bởi nguồn nước này. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành khẩn trương xác định nguyên nhân và có biện pháp khắc phục, giúp bà con ổn định cuộc sống.

Cơ sở chế biến cà phê gây ô nhiễm môi trường tại bản Hời, xã Chiềng Mung (Mai Sơn).

Cơ sở chế biến cà phê gây ô nhiễm môi trường tại bản Hời, xã Chiềng Mung (Mai Sơn).

Để được “thực mục sở thị” nguồn nước tại hồ bản Bon, chúng tôi quay trở lại Tiểu khu Nà Sản (xã Chiềng Mung), theo con đường đất hơn 4 km từ quốc lộ 6 vào hồ. Ngoài sức tưởng tượng, nước hồ xanh đen, bốc mùi hôi thối, cá trong hồ đã bị chết nổi trên mặt hồ. Trao đổi với anh Nông Quốc Toán, người dân bản Bon đang chăm đàn gia súc gần hồ. Anh Toán nói: Năm nào nước hồ cũng bị ô nhiễm, nhưng năm nay tình trạng ô nhiễm nặng hơn gấp 3-4 lần các năm trước. Chúng tôi rất lo lắng và không rõ nguyên nhân tại sao. Quả thật, đứng trên bờ hồ, phóng tầm mắt nhìn hồ nước mênh mông một màu xanh đen, bốc hôi thối, thật lo lắng cho sức khỏe của người dân trong khu vực này.

Người dân bản Quỳnh Châu, xã Mường Bằng (Mai Sơn) thiếu nước sinh hoạt do ô nhiễm môi trường.

Người dân bản Quỳnh Châu, xã Mường Bằng (Mai Sơn) thiếu nước sinh hoạt do ô nhiễm môi trường.

Tìm hiểu được biết, ngày 7/10 vừa qua, nhận được tin báo về tình hình ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt dẫn từ hồ bản Bon về bản Quỳnh Châu, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Mai Sơn đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác minh nguồn gây ô nhiễm. Đoàn đã rà soát khu vực đầu nguồn và phát hiện 3 hộ dân bản Hời, xã Chiềng Mung có hoạt động sơ chế cà phê quả tươi, xả thải trực tiếp ra suối. Theo đó, đã tạm giữ 2 thiết bị liên quan đến hoạt động sơ chế nông sản của 2 hộ gia đình. Đồng thời, lấy 2 mẫu nước để quan trắc mức độ ô nhiễm, xác minh nguyên nhân gây nên ô nhiễm (hiện chưa có kết quả quan trắc).

Cán bộ Phòng TN&MT huyện Mai Sơn kiểm tra nước thải từ chế biến cà phê tại bản Hời, xã Chiềng Mung.

Cán bộ Phòng TN&MT huyện Mai Sơn kiểm tra nước thải từ chế biến cà phê tại bản Hời, xã Chiềng Mung.

Cũng từ thông tin này, chúng tôi tiếp tục về bản Hời gặp chị Nguyễn Thị Hiền, một trong 2 hộ bị tạm giữ thiết bị liên quan đến chế biến cà phê. Không giấu việc làm sai của mình, chị Hiền nói: Cơ sở chế biến cà phê của gia đình đã vận hành được 3 năm nay, với sản lượng khoảng 200 tấn quả cà phê tươi/vụ. Những năm trước, nước thải được xả vào hồ chứa 250 m² do gia đình thuê đất xây dựng. Nhưng năm nay, chủ đất không cho thuê nữa, trong khi đó, số cà phê thu mua để chế biến sợ để lâu sẽ bị hỏng, nên “đành liều”. Được cán bộ phòng Tài nguyên & Môi trường huyện tuyên truyền, giải thích, chúng tôi đã nhận ra hành vi sai phạm và cam kết sẽ không tái phạm trong thời gian tới.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê, bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn huyện, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, từ đó giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, có nhiệm vụ phối hợp với Thường trực UBND các xã có hoạt động sơ chế cà phê quả tươi, tiến hành rà soát số hộ đầu tư máy móc thực hiện sơ chế và có khả năng sơ chế niên vụ 2020-2021. Trên cơ sở đó, tuyên truyền, vận động và ký cam kết với các hộ dân thực hiện đúng pháp luật về môi trường trong chế biến nông sản, cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, các cơ sở sơ chế quy mô hộ gia đình sử dụng máy móc tự chế để sơ chế cà phê quả tươi nên rất khó xác định quy mô, công suất của cơ sở, cũng như giá trị tài sản của hộ để xác định hành vi vi phạm và cưỡng chế thực hiện. Hơn nữa, trên địa bàn có nhiều hang karst, nên việc xác định chủ thể gây ô nhiễm nguồn nước cũng không dễ dàng.

Người dân bản Quỳnh Châu nói riêng và nhân dân trên địa bàn có cơ sở chế biến nông sản nói chung đều rất mong tình trạng ô nhiễm sớm được giải quyết để ổn định đời sống và sản xuất. Song, thiết nghĩ, để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do chế biến nông sản hằng năm, điều quan trọng nhất lại chính là ý thức của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường.

Hồng Luận - Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/khan-truong-khac-phuc-tinh-trang-o-nhiem-tai-ho-ban-bon-34565