Khẩn trương khôi phục đàn lợn nái

Việc khôi phục đàn lợn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn gặp nhiều khó khăn. Một trong những giải pháp giúp đẩy nhanh việc tái đàn là khẩn trương khôi phục đàn lợn nái, ưu tiên sản xuất con giống.

Để khôi phục đàn lợn thì ưu tiên trước hết là sản xuất nguồn giống tại chỗ

Để khôi phục đàn lợn thì ưu tiên trước hết là sản xuất nguồn giống tại chỗ

Người dân chủ động

Năm 2019, ông Nguyễn Đức Đoàn ở khu dân cư Vũ Thượng, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) cũng bị DTLCP tàn phá nặng nề. Dịch bệnh đã làm hơn 100 con lợn thịt và lợn nái của trang trại phải tiêu hủy. Vì vậy sau một thời gian dài chăn nuôi ổn định, không phát sinh dịch bệnh, đến đầu năm 2020, ông mới khôi phục trang trại. Ông nhập 10 con lợn nái ông bà và 30 nái hậu bị của một tập đoàn chăn nuôi lớn. Dự kiến, đến cuối năm nay trang trại sẽ phục hồi lại quy mô như trước với 40 con nái và 300 lợn thịt.

Xác định khôi phục đàn lợn thì việc trước mắt phải tập trung sản xuất con giống, anh Nguyễn Trọng Phú ở thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) đã dốc hết vốn liếng để mua 20 con nái ngoại. Đến nay, toàn bộ đàn lợn nái đã bắt đầu sinh sản, quy mô chuồng trại cũng dần được phục hồi như trước. Theo anh Phú, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên việc nhập con giống ở các cơ sở bên ngoài khó bảo đảm chất lượng. Đây có thể là nguồn lây lan dịch bệnh cho toàn bộ trang trại, gây thiệt hại lớn, chưa kể giá lợn giống vẫn luôn ở mức cao và khó mua. Về lâu dài thì khôi phục đàn lợn nái chính là hướng đi kinh tế và hiệu quả nhất.

Năm 2019, bệnh DTLCP đã làm gần 330.000 con lợn phải tiêu hủy, các hộ chăn nuôi thiệt hại gần 900 tỷ đồng. Khoảng 50.000 con lợn nái bị tiêu hủy, chiếm khoảng 50% tổng đàn nái trong toàn tỉnh. Do lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian qua nhiều cơ sở chăn nuôi không cho phối giống hoặc hạn chế phối giống dẫn đến thiếu hụt nguồn cung lợn giống phục vụ nhu cầu tái đàn. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu để phục vụ việc duy trì đàn lợn của doanh nghiệp, hạn chế bán con giống ra ngoài thị trường cũng là nguyên nhân gây thiếu hụt nguồn cung. Hiện giá lợn giống vẫn ở mức cao khoảng 3 triệu đồng/con. Trước thực trạng trên, cùng với chủ động phòng chống dịch bệnh thì việc sản xuất giống là ưu tiên số một.

Chính quyền, doanh nghiệp hỗ trợ

Toàn tỉnh hiện có 350.000 con lợn, trong đó có khoảng 40.000 con lợn nái

Toàn tỉnh hiện có 350.000 con lợn, trong đó có khoảng 40.000 con lợn nái

Thị xã Kinh Môn đang là địa phương duy nhất trong tỉnh có chính sách riêng để hỗ trợ tái đàn lợn. Theo đó, mỗi cơ sở chăn nuôi được hỗ trợ 1 lần với mức 3 triệu đồng/con lợn nái hậu bị, tối đa không quá 60 triệu đồng. Các cơ sở này phải đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí về kinh tế trang trại bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Đàn lợn nái hậu bị được nhập từ các cơ sở cung ứng giống đủ điều kiện theo quy định, có nguồn gốc, lý lịch rõ ràng, hợp pháp... Việc hỗ trợ sẽ kéo dài đến hết năm 2020.

Là một trong những hộ chăn nuôi sẽ nhận được hỗ trợ, anh Nguyễn Văn Nam ở thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng (Kinh Môn) phấn khởi cho rằng chính sách hỗ trợ này rất kịp thời và hợp lý. Bởi đầu tư con giống cần nguồn kinh phí lớn, trong khi đó nhiều hộ lại gặp khó khăn về vốn. Để mở rộng quy mô trang trại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, mới đây anh Nam nhập thêm 10 con lợn nái với giá từ 11,5-13 triệu đồng/con.

Cùng với đó, Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc tỉnh cũng đã khẩn trương khôi phục lại sản xuất sau thời gian dài bị gián đoạn do bệnh DTLCP. Hiện cơ sở này đang có 91 con lợn đực giống và 70 con nái. Mỗi tháng, cơ sở cung cấp hơn 15.000 liều tinh lợn, 50 - 60 con nái hậu bị để giúp các hộ chăn nuôi trong tỉnh tái đàn. Công ty hỗ trợ 100% giá trị liều tinh cho các hộ chăn nuôi có từ 10 con nái trở xuống. Công tác hỗ trợ phối giống nhân tạo giúp thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất giống, kịp thời cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi tái đàn của người dân trong tỉnh.

Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết hiện tổng đàn lợn toàn tỉnh là 350.000 con, trong đó có khoảng 40.000 lợn nái. Đến cuối năm, tỉnh phấn đấu nâng tổng đàn lợn lên khoảng 400.000 con, trong đó có 41.000 con lợn nái. Để tháo gỡ khó khăn về con giống, các cơ sở sản xuất giống cần tăng tổng đàn nái cụ kỵ, ông bà. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện về quỹ đất để các trang trại, HTX tăng đàn, tái đàn trong thời gian ngắn nhất; đẩy mạnh phát triển đàn lợn nái, tạo nguồn giống chất lượng cao cho thị trường.

NGỌC TRẦN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/khan-truong-khoi-phuc-dan-lon-nai-149268