Khẩn trương khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa bão

Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lớn sau bão, nhiều diện tích lúa mùa, hoa màu và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đã bị ngã đổ, dập nát... Hiện, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tập trung hướng dẫn nông dân khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu úng, dựng lúa bị đổ, phục hồi diện tích rau màu... nhằm giảm thiểu thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất.

Người dân xã Yên Phong (Yên Mô) buộc lại lúa bị đổ sau mưa bão. Ảnh: Anh Tuấn

Người dân xã Yên Phong (Yên Mô) buộc lại lúa bị đổ sau mưa bão. Ảnh: Anh Tuấn

Sau bão số 3, toàn bộ 5 sào lúa của gia đình ông Trần Văn Ba (xóm Quán, xã Yên Phong, huyện Yên Mô) bị đổ. Ngay khi bão tan, gia đình ông Ba đã huy động nhân lực ra đồng buộc, dựng lúa bị đổ; khơi thông dòng chảy, rút cạn nước, tránh thóc mọc mầm ngay trên ruộng. Ông Ba cho biết: 3 thành viên trong gia đình tôi phải làm việc cật lực trong 2 ngày mới dựng xong 5 sào lúa này. Do lúa mới chín được khoảng 30% nên vẫn phải đợi khoảng 10 ngày nữa mới cho máy vào thu hoạch được.

Đồng chí Nguyễn Thị Len, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Do ảnh hưởng của mưa bão, Yên Mô có 100 ha lúa bị ngã đổ, chúng tôi đã hướng dẫn các hộ dựng, buộc lại diện tích này, đồng thời cho thu hoạch những phần lúa đã chín. Diện tích lúa còn lại đang trong giai đoạn trỗ rộ, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang phối hợp với các xã, thị trấn, Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện kiểm tra, rà soát những diện tích bị ngập từ ½ cây lúa trở lên thì nhanh chóng bơm tiêu, đảm bảo cây lúa trỗ đòng không bị nghẽn nước. Đối với một số diện tích rau màu, hướng dẫn bà con khơi thông, tạo rãnh thoát nước, tháo cạn nước ruộng, xới xáo nhẹ mặt luống, vun gốc, đợi khi cây phục hồi thì chăm bón để các cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi.

Tại huyện Nho Quan, gió bão cộng với mưa lớn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Theo báo cáo nhanh của UBND huyện, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lớn sau bão, gần 370 ha lúa Mùa của huyện đã bị đổ lướt, 30 ha cây màu bị ngập, dập nát; gần 250 ha cây ăn quả và hơn 100 cây xanh bị gẫy, đổ; 0,6 ha ao nuôi thủy sản bị tràn bờ và một số chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái. Thời điểm này, tại một số cánh đồng ở các xã Xích Thổ, Văn Phong, Yên Quang... người dân nhanh chóng xuống đồng dựng lại diện tích lúa bị đổ, thu hoạch nông sản, vệ sinh đồng ruộng, chăm sóc cây trồng, bơm tiêu thoát nước.

Đang ngồi đợi máy gặt thu hoạch 9 sào lúa Mùa, chị Phạm Thị Huyền chia sẻ: Mưa bão, ruộng ngập, đưa máy gặt vào thu hoạch cũng khó. Tuy nhiên giữa mùa mưa bão như thế này thì phương châm là "xanh nhà hơn già đồng", chúng tôi vẫn phải cố gắng khắc phục, nhanh chóng đưa lúa về nhà mới yên tâm được. Với hơn 300 cây trà hoa vàng và bưởi da xanh nhiều năm tuổi bị đổ, nghiêng, gẫy cành đúng thời điểm ra hoa, kết trái, gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất của Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia (xã Gia Lâm).

Ông Phạm Tiến Duật, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Để nhanh chóng khôi phục, những ngày này, Công ty huy động tối đa nhân lực chằng chống, dựng lại các cây bị ngã đổ. Bên cạnh đó, tiến hành cắt tỉa cành, lá và có những biện pháp chăm sóc phù hợp. Tuy nhiên, năng suất của cây chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không chỉ trong năm nay mà kéo dài sang cả năm sau nữa.

Hiện tại, toàn tỉnh có trên 31 nghìn ha lúa, trên 3.400 ha cây rau màu vụ Mùa. Ngoài ra, còn có hơn 100 ha cây vụ Đông sớm gồm lạc và ngô, rau các loại chủ yếu ở huyện Yên Mô, Nho Quan.

Số liệu tổng hợp sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT từ các địa phương, sau bão số 3, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 500 ha lúa bị đổ, hơn 100 ha rau màu bị dập nát, 11 ha rừng bị đổ, lướt, gần 50 ha ao hồ, lúa cá bị tràn bờ và nhiều cây ăn quả, cây bóng mát bị gãy, đổ. Chủ động khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, ngành Nông nghiệp đề nghị UBND các huyện, thành phố và yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất sau mưa bão. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các diện tích lúa Mùa đang trong giai đoạn ôm đòng đến trỗ, phải ưu tiên tiêu úng, tuyệt đối không để các diện tích này bị ngập nếu không sẽ gây nghẽn nước, thối đòng.

Đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch, tập trung thu hoạch theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" nhằm giải phóng đất để gieo trồng cây vụ Đông. Đối với diện tích lúa bị đổ ngã cần buộc dựng lúa, lưu ý dùng dây buộc túm 3-5 khóm với nhau thành hình chân kiềng để cho cây đứng theo chiều nghiêng của cây, không dựng ngược về phía sau, tránh hiện tượng gãy gốc. Đồng thời, chủ động kiểm tra, phát hiện sớm các đối tượng dịch hại, đặc biệt là sự bùng phát của sâu bệnh hại như rầy nâu, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn... sau bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Đối với cây rau màu, nhanh chóng thu hoạch diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch; diện tích chưa đến thời kỳ thu hoạch cần khơi thông dòng chảy, rãnh thoát nước trên ruộng; sau khi nước rút, vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo, xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK…

Đối với vườn cây ăn quả ngập úng, khẩn trương đào rãnh, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước ra khỏi rãnh, hố trong vườn cây; với những vườn cây đã rút nước cần xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới; thu dọn cành gãy đổ, bón phân, chăm sóc giúp cây nhanh hồi phục; khi bộ rễ cây đã phục hồi, tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân hữu cơ khoáng, phun phân bón lá (hạn chế sử dụng phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây. Được biết, đến nay, toàn bộ diện tích lúa bị đổ trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được bó dựng. Tuy nhiên, theo dự báo, trong những ngày tới, có thể tiếp tục xảy ra mưa giông, lũ trên các sông lên cao. Vì vậy, các địa phương cần bám sát diễn biến của thời tiết, chủ động bơm rút nước đệm; đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa Mùa, chuẩn bị đủ số lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại ngay khi thời tiết thuận lợi, bảo đảm cung cấp cho thị trường lúc giáp vụ.

Tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự chủ động của người dân, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được phục hồi.

Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khan-truong-khoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-sau-mua-bao/d20240911220910619.htm