Khẩn trương lập bệnh viện dã chiến vùng tại Cần Thơ

BV dã chiến vùng tại Cần Thơ có quy mô 800 giường, không chỉ để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của thành phố này, mà còn điều trị cho bệnh nhân khu vực Tây Nam Bộ, nhằm sẵn sàng đối phó khi có các ca bệnh nặng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đoàn công tác làm việc với UBND TP. Cần Thơ. Ảnh: VGP/Khánh Phương

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đoàn công tác làm việc với UBND TP. Cần Thơ. Ảnh: VGP/Khánh Phương

Tại buổi làm việc về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Cần Thơ vào chiều 26/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, phải khẩn trương thiết lập BV dã chiến vùng tại Cần Thơ với quy mô 800 giường. BV không chỉ phục vụ nhu cầu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của thành phố này, mà còn để điều trị cho bệnh nhân khu vực Tây Nam Bộ, nhằm sẵn sàng đối phó khi có các ca bệnh nặng.

Vấn đề đáng quan ngại hiện nay đối với khu vực Tây Nam Bộ, trong đó có Cần Thơ, đó là nếu xuất hiện ca bệnh lây nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, các địa phương sẽ phản ứng lúng túng trong cách ly, điều trị, vì lâu nay các ca bệnh ở khu vực này chủ yếu là ca nhập cảnh, được phát hiện trong các khu cách ly.

Chính vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh, BV Chợ Rẫy phối hợp với BVĐK Trung ương Cần Thơ triển khai ngay việc thiết lập BV dã chiến vùng tại Cần Thơ trên tinh thần càng nhanh càng tốt, với quy mô tăng dần để sẵn sàng ứng phó với tình huống có dịch. Khi đó, bệnh nhân nặng sẽ không phải chuyển lên BV Chợ Rẫy điều trị. Người đứng đầu ngành y tế cũng giao BV Chợ Rẫy phối hợp ngay với các địa phương như An Giang, Đồng Tháp… trao đổi và hỗ trợ về kỹ thuật trong việc thiết lập các BV dã chiến tại các địa phương này; đề nghị Cần Thơ quan tâm đến việc xây dựng BV Dã chiến.

Nhấn mạnh việc thiết lập phòng hồi sức tích cực (ICU) trong BV dã chiến vùng là rất cần thiết, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu BV Chợ Rẫy phối hợp với các đơn vị liên quan thiết lập phòng ICU này, có tính toán đến khả năng mở rộng.

Trước đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo BV Chợ Rẫy xây dựng BV dã chiến tại Hà Tiên (Kiên Giang) và BV này sắp đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, với đặc thù của khu vực có nguy cơ cao, BV dã chiến vùng tại Cần Thơ sẽ là tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 cao nhất, phải xử lý được các ca bệnh nặng, nguy cấp và thực hiện công tác chỉ đạo điều trị cho các địa phương khác. "BV dã chiến vùng này sẽ là 'cánh tay nối dài' của Bộ Y tế, của BV Chợ Rẫy trong điều trị", PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo về việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam. Đây là nguy cơ hiện hữu và dịch lần sau thường tàn khốc hơn lần trước. Nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam ở khu vực Tây Nam Bộ rất lớn. Một bộ phận người dân vẫn lơ là, mất cảnh giác với việc phòng chống lây nhiễm COVID-19, không tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt không đeo khẩu trang, khử khuẩn. Nếu để xảy ra dịch tại khu vực này sẽ ảnh hưởng mọi mặt từ an sinh, xã hội đến phát triển kinh tế.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Cần Thơ rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch; cần khoanh vùng và xét nghiệm trên diện rộng, nhưng phong tỏa trên diện hẹp... Để làm được điều này thì năng lực chuyên môn và hậu cần phải chuẩn bị sẵn. Cần Thơ phải xác định không chỉ làm tốt chống dịch ở địa phương, mà còn phải hỗ trợ các tỉnh khác trong khu vực. Bên cạnh đó, thành phố cần tập trung nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm. Dịch COVID-19 lây nhiễm thầm lặng, khi phát hiện thì đã lan rộng. Do đó càng phát hiện sớm, càng cách ly khoanh vùng sớm, càng giảm thiểu được thiệt hại của dịch bệnh với kinh tế xã hội.

Cần Thơ cũng phải chuẩn bị kịch bản về cơ sở cách ly. “Bài học đắt giá trong phòng chống dịch là nếu chúng ta cách ly cùng một thời điểm nhiều người, trong một khu vực thì nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly là không tránh khỏi. Chuẩn bị cách ly tập trung từ tuyến phường, xã, nhưng phải đảm bảo đúng quy định. Phải hành động nhanh, quyết liệt và kiểm soát tốt tình hình dịch tại địa phương để kiểm soát tốt lây nhiễm trong cộng đồng", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Cần Thơ và các địa phương kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch COVID-19 và coi như đang có dịch, đồng thời coi công tác phòng chống dịch COVID-19 là một nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm kiểm soát và khống chế nếu dịch xảy ra.

Nhân dịp này, Bộ Y tế đã trao tặng ngành y tế Cần Thơ 2 máy thở cao cấp Bennet 840; 61 máy thở VFS410; 20 máy thở Eliciae MV20; 300.000 khẩu trang y tế; 2.000 khẩu trang và 3.000 bộ quần áo chống dịch.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/khan-truong-lap-benh-vien-da-chien-vung-tai-can-tho/429309.vgp