Khẩn trương phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò

Thời gian qua, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu, bò đã phát sinh và lây lan tại nhiều xã, thị trấn thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông với tổng số trâu, bò mắc bệnh là 259 con. Hiện tại, các địa phương và cơ quan chuyên môn đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm khống chế, không để dịch bệnh lây lan.

Cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm bệnh lở mồm long móng trâu bò tại xã Húc, huyện Hướng Hóa - Ảnh: L.A

Cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm bệnh lở mồm long móng trâu bò tại xã Húc, huyện Hướng Hóa - Ảnh: L.A

Bò dự án cấp cho dân bị nhiễm bệnh

Ngày 29/7, UBND xã Húc, huyện Hướng Hóa tiếp nhận 53 con bò từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Số bò này được cấp cho các thôn, gồm: Thôn Ván - Ri 19 con, thôn Ta Núc 11 con, thôn Ta Cu 12 con, thôn Ho Le 7 con, thôn Ta Ri 2 là 4 con. Nơi xuất bò là xã Hóa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đơn vị cung cấp là Công ty TNHH giống cây trồng vật nuôi Tân Thành. Số bò trên đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh Quảng Bình kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật số 0975/CN-KDDV ngày 29/7.

Đến này 31/7, bò bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh LMLM như: lở loét miệng, kẽ móng chân; hở viền móng, đi lại khó khăn. Theo thông tin từ chủ hộ, chỉ một ngày sau khi tiếp nhận, đã phát hiện bò có hiện tượng đi lại khó khăn, miệng chảy nước bọt nên đã báo chính quyền địa phương. Kết quả xét nghiệm cho thấy, con bò vừa cấp cho bà Hồ Thị Ta Pưng tại thôn Ta Cu dương tính với vi rút LMLM Serotype O.

Ngày 16/8, UBND huyện Hướng Hóa có quyết định công bố dịch bệnh LMLM trâu, bò trên địa bàn xã Húc kể từ ngày 5/8 cho đến khi có công bố hết dịch. Trong đó, vùng dịch là xã Húc; vùng uy hiếp là các xã Hướng Lộc, Ba Tầng, Tân Hợp và thị trấn Khe Sanh; vùng đệm gồm các xã A Dơi, Lìa, Thuận, Tân Lập, Tân Liên, Hướng Tân, Hướng Linh. Tính đến 17 giờ ngày 24/8, tại xã Húc đã có 43 con trâu, bò bị bệnh ở 4 thôn; trong đó có 1 con chết; số bò đã điều trị lành triệu chứng là 27 con.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Tính đến 17 giờ ngày 23/8, trên địa bàn tỉnh có 5 xã, thị trấn của 2 huyện: Hướng Hóa (4 xã, thị trấn) và Đakrông (1 xã) xảy ra bệnh LMLM chưa qua 21 ngày. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 241 con gồm: 179 bò, 62 trâu; chết, chôn hủy 8 con, gồm: 6 bò, 2 trâu; số con đã lành triệu chứng là 42 con. Cụ thể, tại huyện Hướng Hóa, ngoài xã Húc, dịch bệnh LMLM còn phát sinh tại các xã Thuận, Tân Long và thị trấn Lao Bảo với tổng số bò bệnh là 32 con, chết 2 con; đã chữa lành triệu chứng 1 con.

Đặc biệt, tại huyện Đakrông, ngày 17/8, sau khi nhận được thông tin có bò bệnh tại xã Ba Lòng, Chi cục CN&TY đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các thôn có thông tin dịch bệnh và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, mẫu bệnh phẩm lấy tại con bò của hộ ông Nguyễn Tiến Dũng, thôn Hà Lương, xã Ba Lòng dương tính với vi rút LMLM Serotype O.

Qua điều tra dịch tễ bước đầu nhận định đàn trâu bò của các hộ dân ở thôn Đá Nổi, xã Ba Lòng chăn thả chung và có tiếp xúc với đàn trâu của xã Triệu Nguyên. Tìm hiểu thông tin từ người dân xã Triệu Nguyên thì đàn trâu của xã chăn thả ở khu vực đồi 365 giáp ranh với vùng Cùa, huyện Cam Lộ, trâu có biểu hiện mắc bệnh với các biểu hiện: chảy nước bọt, niêm mạc miệng có các nốt loét, kẽ móng chân viêm loét, đi lại khó khăn cách đây khoảng 15 ngày và đã được điều trị lành triệu chứng.

Ngày 21/8, UBND huyện Đakrông đã công bố dịch LMLM tại xã Ba Lòng. Tính đến 17 giờ ngày 23/8, dịch bệnh LMLM đã có tại 4 thôn, 49 hộ chăn nuôi của xã Ba Lòng với 152 con, gồm: 54 trâu, 98 bò mắc bệnh; số gia súc chết, tiêu hủy là 5 con.

Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Nguyễn Trung Hậu thông tin, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã kiểm soát tốt bệnh LMLM gia súc.

Qua kiểm tra và điều tra dịch tễ, bước đầu nhận định nguyên nhân làm xảy ra dịch tại xã Húc, huyện Hướng Hóa là do người chăn nuôi nhận con giống được hỗ trợ chưa chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn như nhốt chung bò mới nhập với bò hiện có của gia đình; chăn thả trâu, bò bệnh với trâu bò chưa mắc bệnh đã làm bệnh lây lan sang cho trâu bò tại địa phương. Tại các xã, thị trấn còn lại do gia súc hết miễn dịch nên bệnh tự phát.

Theo ông Hậu, với tính chất lây lan nhanh của bệnh LMLM và đàn trâu, bò tại địa phương chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM; việc người chăn nuôi chậm báo cáo dịch, không nuôi nhốt bò bệnh, không thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc khử trùng nên trong thời gian tới nguy cơ dịch có thể tiếp tục phát sinh tại các địa phương khác.

Đặc biệt là dịch bệnh không chỉ xảy ra trên đàn trâu bò mà còn có thể lây lan sang đàn lợn, dê nếu không thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng chống, nhất là công tác tiêm phòng cho đàn trâu, bò đạt để tạo miễn dịch chủ động bảo hộ toàn đàn.

Triển khai quyết liệt nhiều giải pháp

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc cho biết, ngay khi có thông tin về dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục CN&TY kịp thời kiểm tra, xác minh, lấy mẫu gửi xét nghiệm và cùng với các địa phương có dịch triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Thống kê, kiểm tra đàn gia súc trên địa bàn. Nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển gia súc ra vào vùng dịch.

Thông báo cho người dân trong xã biết tình hình dịch bệnh để tham gia các hoạt động phòng chống. Tiêu hủy trâu bò bệnh; cách ly gia súc bệnh, chăm sóc điều trị theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Cấp hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, bãi chăn thả gia súc; xanh methylen để chữa trị triệu chứng.

Cử cán bộ về địa bàn kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện các biện pháp chống dịch; chỉ đạo nhân viên thú y các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm bệnh để triển khai ngay các biện pháp khoanh vùng, bao vây không để lây lan ra diện rộng.

Tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn trâu bò tại xã một số xã gồm: xã Húc đã tiêm phòng được 395 con; xã Hướng Phùng đã tiêm phòng được 379 con, xã Thuận đã tiêm phòng được 94 con.

“Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi đồng bộ, hiệu quả, nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét hỗ trợ cho tỉnh từ nguồn dự trữ quốc gia gồm: 27.000 liều vắc xin LMLM type O và A; 2.000 lít hóa chất Benkocid và 2.000 lít hóa chất Via-Iodine”, ông Quốc cho biết thêm.

Mới đây, tại chuyến kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM tại huyện Hướng Hóa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng yêu cầu các huyện Hướng Hóa và Đakrông tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài.

Khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin bao vây ổ dịch; quyết tâm khống chế bệnh LMLM trong thời gian nhanh nhất để ổn định tình hình chăn nuôi và phát triển sản xuất trên địa bàn.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/khan-truong-phong-chong-dich-benh-lo-mom-long-mong-tren-trau-bo-187872.htm