Khẩn trương phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
Trong các ngày từ 7/9/2020 đến nay, tại huyện Vĩnh Linh đã xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu, bò ở xã Hiền Thành và bệnh cúm gia cầm H5N6 trên đàn gia cầm ở xã Vĩnh Lâm. Trước tình hình này, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lâm Võ Văn Long cho biết, ngày 7/9/2020, UBND xã nhận được tin báo của người dân về dịch bệnh trên 5 đàn gia cầm của 5 hộ chăn nuôi tại thôn Tiên Mỹ 2, với tổng đàn 3.205 con (gồm vịt 3.100 con, gà 80 con, ngan 25 con), tại thời điểm kiểm tra đã chết 1.235 con gia cầm các loại. UBND xã đã khẩn trương báo cáo với Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) huyện Vĩnh Linh, Chi cục CN&TY để lấy mẫu kiểm tra. Đến ngày 11/9/2020, sau khi có kết quả dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N6 đối với đàn vịt của hộ ông Nguyễn Văn Thắng và bà Nguyễn Thị Định, UBND xã đã phối hợp với với Trạm CN&TY tổ chức tiêu hủy toàn bộ 1.850 con gia cầm còn lại của 5 hộ trên; tổ chức phun tiêu độc khử trùng toàn bộ thôn Tiên Mỹ 2. Đồng thời, để chủ động phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, UBND xã đã tiếp nhận 30.000 liều vắc xin H5N1 và triển khai tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn xã. “Đến thời điểm này dịch bệnh cúm gia cầm H5N6 trên địa bàn xã cơ bản đã được quản lý, không còn xuất hiện ổ dịch mới”, ông Long thông tin.
Theo báo cáo của Trạm CN&TY huyện Vĩnh Linh, hiện nay ngoài dịch bệnh cúm gia cầm tại xã Vĩnh Lâm thì còn xuất hiện bệnh LMLM trên đàn trâu bò tại xã Hiền Thành. Cụ thể, đối với bệnh LMLM, đến thời điểm này đã có 42 con trâu, 39 con bò của 38 hộ dân thuộc các thôn Liêm Công Đông và Tân Trại Thượng, xã Hiền Thành mắc bệnh, trong đó có 1 con đã chết, có 59 con đã điều trị khỏi bệnh. Qua điều tra tình hình dịch bệnh bước đầu nhận định trâu, bò bị bệnh từ ngày 25 - 27/8/2020; dịch tự phát tại chỗ do tỉ lệ tiêm phòng thấp, chỉ đạt hơn 50% tổng đàn; người chăn nuôi không chấp hành việc tiêm phòng cho trâu, bò theo quy định và hiện nay đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ sau tiêm phòng vắc xin vụ xuân 2020. Còn tại xã Vĩnh Lâm, qua điều tra tình hình dịch tễ đàn gia cầm đã bị bệnh từ ngày 22/8/2020 nhưng các hộ chăn nuôi không báo cơ quan chức năng mà tự mua thuốc điều trị. Nguyên nhân là do người chăn nuôi không thực hiện việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm định kỳ và tiêm bổ sung nuôi mới; mua con giống không rõ nguồn gốc qua các thương lái bán rong không qua kiểm dịch; thời tiết diễn biến bất lợi đối với vật nuôi.
Trạm trưởng Trạm CN&TY huyện Vĩnh Linh Trần Văn Bình cho hay, để phòng, chống dịch bệnh, hạn chế lây lan ra diện rộng, trạm đã cấp 30.000 liều vắc xin cúm gia cầm H5N1 để tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn xã Vĩnh Lâm. Cấp 100 lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng toàn bộ vùng dịch, đặc biệt là tại các hộ có gia cầm bệnh liên tục trong vòng 7 ngày; tổ chức tiêu độc toàn xã Vĩnh Lâm và các vùng xung quanh bằng hóa chất, vôi bột. Đối với bệnh LMLM, đã cấp 950 liều vắc xin LMLM type O&A để tiêm phòng khẩn cấp bao vây phòng chống dịch cho đàn trâu, bò trên địa bàn xã Hiền Thành; cấp hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại. Ông Bình cho biết thêm, UBND huyện Vĩnh Linh cũng đã có quyết định công bố dịch bệnh cúm gia cầm H5N6 tại xã Vĩnh Lâm. Theo quyết định này, vùng uy hiếp bao gồm các địa phương trong phạm vi bán kính 3 km xung quanh ổ dịch; vùng đệm gồm các địa phương trong phạm vi bán kính 10 km xung quanh ổ dịch. Trong thời gian có dịch, UBND huyện Vĩnh Linh giao trách nhiệm cho Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trạm CN&TY cùng các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp quyết liệt, tập trung nguồn lực để nhanh chóng khống chế, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Yêu cầu các địa phương có dịch tăng cường kiểm soát chặt chẽ, không để gia cầm và sản phẩm từ gia cầm vận chuyển ra, vào vùng dịch; các địa phương chưa có dịch phải chủ động và tăng cường công tác phòng, chống dịch; giám sát chặt chẽ dịch bệnh để hạn chế nguồn bệnh vào địa bàn, đồng thời xử lý kịp thời nếu có dịch bệnh xảy ra.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền thông tin, đây là ổ dịch cúm gia cầm H5N6 đầu tiên tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh và là ổ dịch cúm gia cầm H5N6 đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị tính từ tháng 5/2017 đến nay. Để tránh dịch bệnh bùng phát và lây lan diện rộng, ông Hiền đề nghị huyện Vĩnh Linh chỉ đạo xã Vĩnh Lâm và các xã có nguy cơ cao gấp rút kiện toàn ban chỉ đạo chống dịch; tổ chức lực lượng sẵn sàng phối hợp với cơ quan chuyên môn tham gia chống dịch và tiêu hủy gia cầm phát bệnh sau tiêm phòng. Hoàn thành sớm việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm H5N1 cho đàn gia cầm tại vùng dịch và các vùng có nguy cơ cao. Thành lập các chốt kiểm dịch tại khu vực có dịch nhằm kiểm soát việc vận chuyển mua bán gia cầm; tăng cường tiêu độc khử trùng tại vùng dịch và các xã lân cận; hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào vùng dịch và nghiêm cấm không đưa thức ăn gia cầm từ vùng dịch đi tiêu thụ nơi khác. Đồng thời, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hệ thống giám sát và báo cáo dịch bệnh, thực hiện “phát hiện sớm, báo cáo nhanh, xử lý kịp thời” để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Về phía người chăn nuôi cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch như không mua gia cầm giống trôi nổi không rõ nguồn gốc; gia cầm mua từ tỉnh khác về nuôi phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y cấp và phải nuôi cách ly tối thiểu 14 ngày mới cho nhập đàn nuôi tại địa phương; kê khai đăng ký chăn nuôi với UBND xã, phường, thị trấn để được theo dõi, hỗ trợ; chấp hành đúng lịch tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và các loại vắc xin khác theo khuyến cáo của cơ quan thú y nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm với các loại dịch bệnh nguy hiểm; vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại từ 1 - 2 lần/tuần. Khi gia cầm mắc bệnh chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để được kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân mắc bệnh. Tổ chức tiêu hủy gia cầm mắc bệnh chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y, tuyệt đối không được vứt xác gia cầm chết ra môi trường. Đối với bệnh LMLM cần tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh. Tập trung triển khai tiêm phòng vụ thu, trong đó với vắc xin LMLM cần đạt tỉ lệ trên 80% tổng đàn trâu bò để đạt tỉ lệ miễn dịch bảo hộ. Ngoài ra, các địa phương cần triển khai thực hiện tốt tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 2 năm 2020, chú trọng tại các ổ dịch cũ, khu vực sau ngập lụt, địa bàn có nguy cơ cao; khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm. “Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục CN&TY cung ứng đầy đủ vắc xin, vật tư, hóa chất; chuẩn bị lực lượng sẵn sàng phòng chống dịch. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ tại các chợ, cơ sở giết mổ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông Hiền cho biết thêm.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=151729