Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, tồn tại

Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành tại hội nghị sơ kết công tác tháng 7 và triển khai nhiệm vụ tháng 8-2022 diễn ra ngày 5-8.

Tiến độ giải ngân còn chậm

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành đã tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế; đồng thời đề ra nhiều giải pháp cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của tháng 8 và cả năm 2022, đặc biệt là khẩn trương tháo gỡ “nút thắt” ở khâu giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trên địa bàn. Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho hay: Đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh mới chỉ đạt 26,7%. Nguyên nhân là do một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh có vốn đầu tư lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí chưa được giải ngân hoặc đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Nguyễn

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Quế dẫn chứng: Công trình xây dựng chốt chiến đấu dân quân thường trực các xã biên giới giai đoạn 2021-2022 đang thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán, hiện mới giải ngân gần 2,7 tỷ đồng so với kế hoạch vốn năm 2022 là hơn 25 tỷ đồng. Với Dự án nút giao thông Phù Đổng, chủ đầu tư đang triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên chưa giải ngân phần vốn 43 tỷ đồng của kế hoạch năm 2022; Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông tỷ lệ giải ngân chỉ gần 0,6%. Dự án đầu tư phát triển rừng bền vững Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và nâng cao năng lực phòng cháy-chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm và năng lực quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh hiện đang lập thiết kế, bản vẽ thi công; 3 dự án của Sở Khoa học và Công nghệ chỉ mới được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất nên chưa có giá trị giải ngân. Đặc biệt, Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông chỉ mới giải ngân hơn 20,5 tỷ đồng so với kế hoạch vốn năm 2022 là 141 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 14,5%). Công trình này đang thi công nhưng mặt bằng vẫn chưa được bàn giao hết, hiện còn 0,8 km ở khu vực thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh).

Ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Sở Tài chính-cũng cho rằng: “Hiện nay, nguồn thu tiền sử dụng đất của tỉnh còn âm đến 149 tỷ đồng, giờ tiếp tục ứng nữa thì không có nguồn. Nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính quy định rõ nguồn tiền xổ số kiến thiết và nguồn thu tiền sử dụng đất phải căn cứ vào dự toán phê duyệt và tiến độ thu. Nếu không có khả năng thu thì phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Tạm ứng mà cuối năm không có nguồn hoàn thì sẽ vi phạm quy định Luật Ngân sách nhà nước”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế-cho biết: Biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron trong các tuần gần đây có dấu hiệu tăng cao, từ 10 đến 15 ca mỗi ngày. Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường và có nguy cơ bùng phát trở lại. Thêm vào đó, bệnh sốt xuất huyết cũng đang bùng phát và lây lan mạnh. Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế đã phát hiện 511 ổ dịch tại 120 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thị xã, thành phố với 2.414 ca mắc (1 trường hợp tử vong), tăng gấp 8,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Tuấn đề xuất các giải pháp tăng cường tiêm vắc xin phòng-chống Covid-19 mũi 3 và mũi 4 cho người trên 18 tuổi. Ảnh: Minh Nguyễn

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Tuấn đề xuất các giải pháp tăng cường tiêm vắc xin phòng-chống Covid-19 mũi 3 và mũi 4 cho người trên 18 tuổi. Ảnh: Minh Nguyễn

Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đạt tiến độ yêu cầu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho hay: Hiện người dân có tâm lý chủ quan, cho rằng tiêm 2 mũi là đủ, không chịu tiêm mũi 3, mũi 4. Thậm chí, một bộ phận người dân né tránh, không muốn tiêm mũi tiếp theo vì ngại tác dụng phụ sau khi tiêm. “Chúng tôi đang vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng cách tuyên truyền, vận động người dân tiêm đầy đủ các mũi; đồng thời, tổ chức tổ tiêm chủng lưu động triển khai đến tận cơ sở, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin”-ông Tuấn nêu giải pháp.
Đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu

Đề cập đến giải pháp phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết, Sở đang chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp phòng trừ bệnh khảm lá mì, rệp sáp trên cây cà phê; tăng cường tiêm vắc xin viêm da nổi cục trên đàn bò. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản; cấp mã số vùng trồng; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn; triển khai xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu chanh dây phục vụ công nghiệp chế biến.

Trong khi đó, ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nêu những giải pháp tháo gỡ vướng mắc ở lĩnh vực giáo dục: “Sớm nhìn nhận vấn đề thiếu biên chế giáo viên nên khi tuyển sinh vào lớp 10, chúng tôi đã chỉ đạo các trường THPT đẩy sĩ số học sinh trên mỗi lớp (lớp 11, 12) lên đúng 45 em, thậm chí 48 học sinh. Cùng lúc, chúng tôi tiếp tục thực hiện việc sáp nhập trường, điểm trường nhằm khắc phục tình trạng thiếu biên chế giáo viên ở bậc THCS, tiểu học và mầm non. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp cùng Sở Nội vụ làm việc với các phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc sáp nhập trường lớp, giải quyết biên chế giáo viên nhằm đảm bảo số lượng giáo viên tối thiểu cho năm học mới”.

Còn theo ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: Trước tình trạng sản lượng hàng hóa xuất khẩu lớn nhưng không kê khai nộp thuế tại địa phương mà nộp thuế ở những nơi khác, Sở đang làm việc với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đề nghị cung cấp phương pháp tính giá trị thuế xuất-nhập khẩu, tìm cách mang nguồn thu về cho tỉnh. Cùng với đó, Sở cũng tích cực phối hợp với đơn vị liên quan để nghiệm thu các công trình điện gió đi vào hoạt động, chờ khi Chính phủ ban hành giá bán điện sẽ có được nguồn thu cao. Mặt khác, Sở mời gọi các doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia trưng bày sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nguyên, hội chợ triển lãm các sản phẩm nông thôn tiêu biểu của 15 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên do Bộ Công thương tổ chức…

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án; nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn trong thời gian đến. Ảnh: Minh Nguyễn

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án; nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn trong thời gian đến. Ảnh: Minh Nguyễn


Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các sở, ngành rà soát tất cả các nhiệm vụ còn lại của năm 2022 theo từng ngành, lĩnh vực để phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại, đề xuất giải pháp khắc phục. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản; rà soát lại các nguồn vốn, khả năng thu các nguồn vốn để đề xuất điều chỉnh theo thẩm quyền từng cấp; điều chỉnh nội bộ các công trình; thành lập các tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, rà soát những vướng mắc để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn. “Tôi đề nghị các ngành khẩn trương rà soát các nguồn thu ngân sách, đặc biệt là nguồn thu tiền sử dụng đất để điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo tất cả các công trình xây dựng cơ bản không bị ách tắc, giải ngân theo đúng tiến độ”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan rà soát lại tất cả các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, dự án nào không có khả năng triển khai thực hiện thì thu hồi theo quy định; gấp rút hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư mới nhưng phải đảm bảo quy trình chặt chẽ, chính xác, nhất là các dự án ảnh hưởng đến môi trường; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trồng rừng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát về giá các mặt hàng nhằm bình ổn thị trường; xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hiện chương trình nông thôn mới theo giai đoạn mới; chuẩn bị công tác gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực nội vụ, văn hóa-xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành rà soát, có kế hoạch để nâng cao chỉ số SIPAS, PAPI; kiểm tra công tác luân chuyển cán bộ trong nội bộ các ngành và điều chỉnh, sắp xếp bộ máy phù hợp. Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với Sở Nội vụ, các địa phương tập trung sắp xếp lại trường lớp và đội ngũ giáo viên trên cơ sở chỉ tiêu bổ sung biên chế nhằm chuẩn bị chu đáo cho việc khai giảng năm học mới. Đối với công tác phòng-chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4; tăng cường công tác phòng dịch sốt xuất huyết và xây dựng kế hoạch phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập. Ngoài ra, các sở, ngành cần chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Festival Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh lần thứ 2 năm 2022; tăng cường công tác đảm bảo an ninh biên giới, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông...

MINH NGUYỄN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8301/202208/khan-truong-thao-go-vuong-mac-ton-tai-5786132/