Khẩn trương thu hoạch lúa mùa, dành đất sản xuất vụ đông

Sau những ngày mưa kéo dài cuối tháng 9, hiện nông dân các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa nhằm hạn chế ảnh hưởng của mưa úng.

Nông dân xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần hoàn thành nhanh việc thu hoạch lúa vụ mùa.

Nông dân xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần hoàn thành nhanh việc thu hoạch lúa vụ mùa.

Tại huyện Lạc Thủy - một trong những địa phương hoàn thành thu hoạch lúa sớm nhất tỉnh hàng năm, nông dân các xã, thị trấn đang gấp rút thu hoạch những diện tích lúa cuối cùng. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Năm nào huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thu hoạch lúa mùa theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng”. Sau khi kết thúc đợt mưa kéo dài, nông dân trong huyện tiếp tục tập trung thu hoạch lúa mùa, hiện đã thu hoạch xong trên 90% diện tích. Dù vừa qua trên địa bàn có mưa lớn kéo dài nhưng rất may diện tích lúa không bị ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Năng suất lúa vụ này ước đạt 58 tạ/ha, cao hơn so với năm 2022 (năm 2022 đạt 56 tạ/ha).

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các xã, thị trấn của huyện Cao Phong khẩn trương xuống đồng gặt lúa để kịp giải phóng đất, chuẩn bị gieo trồng vụ tiếp theo. Toàn huyện đã thu hoạch trên 80% diện tích lúa mùa, dự kiến đến ngày 15/10 sẽ hoàn thành thu hoạch diện tích lúa trà muộn. Ông Bùi Văn Tiến, xóm Thiều Nong, xã Thu Phong cho biết: Tranh thủ thời tiết nắng ráo, gia đình tôi ra đồng từ sớm để thu lúa mùa, đề phòng thời tiết mưa úng. Đồng thời, gia đình cũng tích cực chuẩn bị giống, phân bón, dành đất để gieo trồng cây màu vụ đông.

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được 21.898 ha lúa. Thời điểm này, một số địa phương đã thu hoạch xong phần lớn diện tích để việc làm đất và gieo trồng vụ đông - xuân tới đảm bảo kế hoạch đề ra như: huyện Lạc Thủy và Yên Thủy thu hoạch xong trên 90% diện tích; huyện Kim Bôi thu hoạch khoảng 88%... Tính trong toàn tỉnh đã có trên 80% diện tích lúa được thu hoạch. Để tăng cường chỉ đạo thu hoạch vụ mùa, hè - thu và thúc đẩy sản xuất vụ đông năm 2023 đảm bảo kế hoạch đề ra, Sở NN&PTNT đã ban hành Công văn số 2756/SNN-TTBVTV, ngày 03/10/2023. Theo đó đề nghị các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt một số giải pháp như: Khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa đã đủ độ chín theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Huy động tối đa máy gặt đập liên hợp trên địa bàn để thu hoạch nhanh gọn, giải phóng đất phục vụ sản xuất cây màu vụ đông.

Nhằm thúc đẩy sản xuất vụ đông, các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế về quỹ đất, thời vụ gieo trồng của từng loại cây, tập quán canh tác để xây dựng kế hoạch sản xuất hiệu quả; chú trọng mở rộng diện tích và đa dạng các loại cây trồng nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất. Những diện tích đã thu hoạch xong cần tranh thủ làm đất ngay, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa để đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất. Tăng cường thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất; quản lý tốt vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) phục vụ sản xuất; xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng...

Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Vụ mùa năm nay, có những thời điểm sâu bệnh diễn biến khá căng thẳng với một số đối tượng sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu. Ở hầu hết các huyện cấy lúa trà sớm thì mức độ ảnh hưởng của sâu bệnh nhẹ. Một số địa bàn cấy lúa trà muộn có những điểm cháy rầy theo từng chòm nhưng không lan thành dịch, hoặc lan diện rộng theo cả thửa ruộng, cánh đồng. Đây cũng là tín hiệu để cảnh báo ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương trong năm 2024, bởi quy luật phát sinh của đối tượng rầy thường kéo dài 3 - 4 vụ. Do đó cần rút kinh nghiệm trong công tác dự tính, dự báo, chỉ đạo phòng trừ trong các vụ lúa năm 2024. Bên cạnh đó, để sản xuất vụ đông thuận lợi, các địa phương cần khuyến cáo nông dân không đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Có thể tận dụng rơm rạ để làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông, sử dụng làm vật liệu che phủ cho cây trồng vụ đông để hạn chế sự thoát hơi nước...

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/182580/khan-truong-thu-hoach-lua-mua,-danh-dat-san-xuat-vu-dong.htm