Khẩn trương thu hoạch lúa xuân

Vụ xuân năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết bất thường, mưa nhiều, thời gian nắng ít hơn so với những năm trước. Theo dự báo, nhiều diện tích lúa xuân năm nay giảm năng suất so với năm trước.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ xuân 2020, toàn tỉnh đã gieo cấy 19.225 ha lúa, đạt 102,3% kế hoạch. Sản xuất vụ xuân năm nay gặp nhiều khó khăn, trời âm u, mưa nhiều, nên cây lúa, cây màu sinh trưởng chậm; sâu bệnh phát sinh mạnh, nhất là bệnh đạo ôn, đốm sọc, bạc lá, chuột, rầy... Giai đoạn lúa làm đòng vào giữa tháng 4, do không khí lạnh tràn về, nhiệt độ xuống dưới 20 độ C, ảnh hưởng đến phân hóa đòng của một số giống lúa mẫn cảm với nhiệt độ thấp, gây hiện tượng lép đầu bông.

Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) thu hoạch lúa xuân.

Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) thu hoạch lúa xuân.

Bà Lương Thị Phượng, tổ 6, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) năm nay gieo cấy hơn 5 sào lúa bằng giống Khang dân. Những năm trước, 5 sào lúa của gia đình bà cho thu hơn 1,1 tấn thóc, nhưng năm nay, mặc dù chưa thu hoạch, nhưng do thời tiết nắng nóng, diện tích lúa lép đầu bông chiếm trên 60%. Bà Phượng cho biết, chưa năm nào gia đình bà bị ảnh hưởng nặng nề như năm nay.

Qua kiểm tra đồng ruộng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại một số nơi cho thấy, vụ xuân năm nay lúa rất dễ bị rụng, nếu không thu hoạch sớm và nhanh thì tỷ lệ hao hụt do rơi rụng sẽ rất lớn. Sở đã có văn bản đôn đốc các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa vụ đông xuân theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Ngành khuyến cáo bà con nông dân khi thấy có trên 70% số hạt lúa trên bông chín thì thu hoạch ngay nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão có thể tiếp tục xảy ra, ngoài ra nếu để lúa chín quá thì khi gặt tỷ lệ rơi rụng sẽ càng nhiều, thiệt hại càng cao.

Tại huyện Chiêm Hóa, tranh thủ thời tiết nắng ráo, từ ngày 18-5, bà con nông dân đã tranh thủ xuống đồng thu hoạch lúa xuân. Những xã Kiên Đài, Bình Phú, Linh Phú… thu hoạch chậm hơn do số giờ nắng ít hơn. Ông Ma Công Duyệt, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, qua kiểm tra nhanh tại một số xã, hiện tượng mất mùa diễn ra tại một số diện tích do ảnh hưởng của bệnh đạo ôn, thời tiết. Tại những trà lúa sớm, trỗ vào trong tháng 4 trùng với thời điểm thời tiết giao mùa có những đợt dông, lốc, kèm theo mưa đá nên khả năng năng suất, sản lượng lúa sẽ không được như mong muốn. Ở trà sau, thời tiết nắng nóng kéo dài đúng thời điểm lúa trỗ cũng ảnh hưởng đến khả năng đậu phấn, dẫn đến năng suất không được như mong đợi. Mặc dù chưa tính toán cụ thể, nhưng qua kiểm tra thực tế, năng suất, sản lượng lúa vụ xuân năm nay sẽ giảm hơn so với những năm trước.

Bắt đầu từ ngày 20-5, tại nhiều xã của huyện Lâm Bình, bà con nông dân cũng tranh thủ xuống đồng thu hoạch lúa xuân. Ông Trần Văn Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình cho biết, một số xã chủ động phòng chống sâu bệnh hại sớm, hiệu quả, năng suất lúa không bị ảnh hưởng nhiều như Thượng Lâm, Khuôn Hà, Bình An. Tuy nhiên, hiện tượng lép đầu, kết hạt kém cũng đã xảy ra tại một số diện tích lúa trên địa bàn huyện.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Tuyên Quang, từ ngày 21-5, mưa to và dông tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều địa phương trong tỉnh, ngoài việc khẩn trương thu hoạch nhanh lúa xuân trong điều kiện thời tiết nắng ráo, các địa phương cũng rà soát diện tích lúa bị lép hạt, lép đầu bông, kết hạt kém để có phương án bù đắp trong những vụ sản xuất tiếp theo.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/khan-truong-thu-hoach-lua-xuan-132489.html