Khẩn trương thu mua sắn ngập úng cho nông dân
Do ảnh hưởng mưa lớn từ cơn bão số 5 vừa qua, hàng chục héc ta sắn ở vùng thấp trũng của huyện Cam Lộ bị ngập úng. Để tránh thiệt hại, nông dân buộc phải thu hoạch sắn non để bán khiến sản lượng tăng đột biến, gây tình trạng ứ đọng sắn rất lớn. Trước tình hình đó, nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ sắn nguyên liệu, Nhà máy Tinh bột sắn An Thái đóng tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ đã có nhiều chính sách ưu tiên trong việc thu mua cũng như hoạt động hết công suất để tiêu thụ sắn cho nông dân.
Theo thống kê, năm 2021 trên địa bàn huyện Cam Lộ trồng hơn 750 ha sắn, nay chuẩn bị bước vào thu hoạch. Trong đợt mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 5 giữa tháng 9 vừa qua đã làm cho gần 200 ha sắn ở các xã thấp trũng như Cam Thủy, Cam Hiếu, Cam Tuyền… của huyện Cam Lộ bị ngập úng cần được thu hoạch ngay.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lục ở thôn Cam Vũ 2, xã Cam Thủy có 0,5 ha sắn đang chuẩn bị thu hoạch. Trong đó, 0,25 ha bị ngập úng nặng, sắn hư hỏng và bị thối buộc gia đình ông phải huy động nhân lực và thuê thêm người để nhanh chóng thu hoạch. “Thu hoạch sắn non nên sản lượng ít hơn, độ bột cũng thấp hơn. Nhưng nếu không thu hoạch thì coi như mất trắng, vì sắn đã bị ngập úng nay thỉnh thoảng lại có nắng sẽ thối hết. Cũng may thu hoạch xong thì có Nhà máy Tinh bột sắn An Thái nhập mua, nên dù không lãi gia đình cũng thu được chi phí đầu tư ban đầu”, ông Lục chia sẻ.
Để kịp thời thu mua sắn cho nông dân, đồng thời tránh tình trạng ùn tắc trong việc nhập hàng, Nhà máy Tinh bột sắn An Thái đã thành lập bộ phận nông vụ có nhiệm vụ liên hệ với các đại lý để nắm lượng xe đến nhập mỗi ngày, sau đó cho đăng ký theo số thứ tự để vào nhà máy. Đồng thời, bố trí cán bộ ngay ở cổng ra vào hướng dẫn làm thủ tục kiểm tra y tế phòng COVID-19, phân luồng xe ra vào để nhập sắn nhanh chóng, tiện lợi. “Mặc dù gia đình phải thu hoạch sắn non do ngập úng nhưng phía nhà máy vẫn nhập với giá thị trường, tính theo hàm lượng bột. Nếu sắn này mà nhà máy không thu mua thì chắc gia đình phải vứt đi vì sắn non lại ngập nước, dùng làm thức ăn chăn nuôi cũng khó. Vào nhập sắn ở đây, chúng tôi được ưu tiên nhập trước với thủ tục nhanh gọn”, anh Trần Viết Khoa ở xã Cam Thủy nói thêm.
Hiện nay, mỗi ngày Nhà máy Tinh bột sắn An Thái thu mua khoảng 500 tấn sắn củ tươi cho nông dân trên địa bàn các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, Đakrông và một số vùng ngoại tỉnh… Sắn được thu mua với giá từ 1.700 đồng - 2.600 đồng/ kg (tùy theo hàm lượng tinh bột). Trước tình trạng lượng sắn tăng đột biến, nhà máy phải hoạt động hết công suất, công nhân phải chia thành 3 ca để máy vận hành 24/24 giờ. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nông dân, nhà máy ưu tiên nhập sắn ở những vùng bị ngập nặng trước, đối với diện tích sắn còn lại chưa bị ảnh hưởng do mưa lớn, nhà máy khuyến cáo chưa nên thu hoạch để tránh tồn đọng tại nhà máy…
Theo Giám đốc Nhà máy Tinh bột sắn An Thái Võ Quốc Minh, để kịp thời thu mua sắn, nhất là lượng sắn bị ngập úng của người dân, năm nay nhà máy chủ động mở vụ sớm hơn mọi năm. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhà máy đã lên phương án chi tiết vừa đảm bảo công tác phòng, chống COVID-19, vừa duy trì sản xuất hiệu quả.
“Cụ thể, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống phun khử khuẩn tự động trên bàn cân đối với xe ra vào nhập sắn; chuẩn bị hơn 1.000 bộ kít xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2, trang bị dụng cụ bảo hộ cho công nhân, xây dựng khu vực ăn nghỉ tại nhà máy cho nhân viên đến từ thành phố Đông Hà; tại các khu vực giao dịch lắp hệ thống phòng làm việc có kính chắn, phân rõ làn đi, đảm bảo khoảng cách và yêu cầu phòng dịch. Đối với các xe ở địa phương ngoại tỉnh đến nhập, chúng tôi sẽ kiểm tra nghiêm ngặt dịch tễ, sau đó phát đồ bảo hộ, phun khử khuẩn trước khi nhập hàng, hạn chế tối đa tiếp xúc gần giữa khách hàng và nhân viên nhà máy. Mặc dù sắn thu hoạch ở vùng ngập úng có nhiều tạp chất, hàm lượng tinh bột chỉ 16 - 17% độ bột thấp hơn một nửa so với hàm lượng tinh bột sắn bình thường, quá trình chế biến tốn chi phí song nhà máy vẫn duy trì việc thu mua đảm bảo tiêu thụ hết lượng sắn cho nông dân”, ông Võ Quốc Minh thông tin thêm.
Hiện nay, nhiều diện tích sắn nguyên liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ chuẩn bị đến vụ thu hoạch, riêng đối với diện tích bị ảnh hưởng ngập úng cần nhanh chóng thu sớm, tránh thiệt hại cho nông dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch diện tích sắn bị ngập, đồng thời làm việc với Nhà máy Tinh bột sắn An Thái tạo mọi điều kiện thu mua lượng sắn ngập úng cho người dân với giá cả hợp lý, tránh tình trạng tư thương ép giá. Song song với việc sản xuất, nhà máy cần xây dựng các kịch bản xử lý tình huống khi có sự cố phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Với sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà máy Tinh bột sắn An Thái, nông dân trên địa bàn huyện Cam Lộ nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung đã phần nào yên tâm hơn khi sắn nguyên liệu làm ra được thu mua, bao tiêu với giá cả hợp lý, kể cả trong điều kiện bất lợi của thời tiết và dịch bệnh như hiện nay.