Khẩn trương thực hiện phòng, trừ bệnh đốm sọc vi khuẩn hại lúa xuân

Từ đầu tháng 4 đến nay, do ảnh hưởng của các khối không khí lạnh gây ra các đợt mưa rào và dông kéo dài làm lá lúa bị dập vi khuẩn xâm nhập gây ra bệnh đốm sọc vi khuẩn. Hiện nay, bệnh đang lan nhanh trên khắp các trà chính và trà muộn đe dọa đến năng suất, sản lượng lúa.

Bệnh đốm sọc vi khuẩn đã xuất hiện rải rác khắp các cánh đồng các xã Hùng Đức, Đức Ninh, Thái Hòa (Hàm Yên). Ông Hoàng Văn Thưởng, thôn Thị, xã Hùng Đức cho biết, sau những trận mưa giông xảy ra vừa qua, lúa của gia đình đã bị ảnh hưởng nặng, lá lúa xuất hiện những vết sọc rồi dần ngả ố vàng, bệnh lan rất nhanh. Ông Thưởng lo ngại lúa đang trong giai đoạn đòng già chuẩn bị trỗ, thời tiết mưa liên tiếp như hiện nay, gia đình không phun được thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn người dân xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) nhận biết bệnh đốm sọc vi khuẩn.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn người dân xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) nhận biết bệnh đốm sọc vi khuẩn.

Tại cuộc điều tra sâu, bệnh trên cánh đồng 2 xã Tân Long (Yên Sơn) và Tràng Đà (TP Tuyên Quang) của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, bệnh đốm sọc vi khuẩn xuất hiện và có dấu hiệu lan rộng. Tuy nhiên, do bệnh không phổ biến dễ nhầm lẫn với bệnh vàng lá sinh lý khiến bà con lúng túng trong phát hiện phòng trừ. Ông Nguyễn Minh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long (Yên Sơn) cho biết, xã đã yêu cầu cán bộ khuyến nông và bà con nông dân thăm đồng, theo dõi diễn biến bệnh trên lúa và tranh thủ thời tiết tạnh ráo là phun trừ, tránh phun thuốc khi thời tiết vừa mưa xong hoặc sắp mưa không diệt được nấm bệnh còn gây ô nhiễm môi trường.

Bà Trần Thị Lịch, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, bệnh đốm sọc vi khuẩn biểu hiện ban đầu trên cây lúa xuất hiện những sọc dọc theo gân lá, dài từ 0,5 - 1,5 cm, khi bệnh nặng, lá lúa bị tổn thương, có màu vàng đỏ, khô, rách, xơ xác. Lá lúa, đặc biệt là lá đòng bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến quá trình nuôi đòng, trổ bông. Hiện tại các huyện Hàm Yên, Sơn Dương, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang đã ghi nhận tỷ lệ bệnh hại phổ biến 1 - 3 %, nơi cao 5 - 10%, cục bộ có diện tích nhiễm nặng lên đến 30 - 50% số lá, trên các giống nhiễm: Tạp giao, Hương ưu 98, Bắc thơm số 7... Căn cứ vào dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, cuối tháng 4 đầu tháng 5 tới thời tiết tiếp tục xảy ra các trận mưa dông lớn, đây là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm khuẩn phát sinh gây hại, đặc biệt là đối với bệnh đốm sọc vi khuẩn.

Để bảo vệ lúa xuân, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh đã yêu cầu Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố khẩn trương phân công cán bộ bám sát cơ sở, tăng cường phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, theo dõi diễn biến phát sinh sâu, bệnh hại, trọng tâm là bệnh đốm sọc vi khuẩn, đạo ôn cổ bông. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ dịch hại kịp thời và hiệu quả. Ngay khi phát hiện bệnh đốm sọc vi khuẩn xâm nhiễm cần giữ nước trên ruộng từ 2 - 3 cm, ngừng bón phân hóa học, phân bón qua lá, các chất kích thích sinh trưởng. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc Sasa 20WP, Avalon

8 WP, Anti-xo 200 WP, Xantocin 40 WP... và các thuốc khác có cùng hoạt chất đã được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam để phun trừ. Khi phun thuốc phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng, nếu bệnh nặng phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5 đến 7 ngày.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/khan-truong-thuc-hien-phong-tru-benh-dom-soc-vi-khuan-hai-lua-xuan-131515.html