Khẩn trương tìm biện pháp 'gỡ khó' cho các bệnh viện
Vừa bước qua khỏi 'cuộc chiến khốc liệt' với đại dịch Covid-19, các bác sĩ, thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế trên cả nước lại tiếp tục phải gồng mình đối mặt với những khó khăn, vướng mắc về trong quy định về mua sắm, cơ chế tài chính… đang khiến tình trạng thiếu thuốc, máy móc, trang thiết bị y tế diễn ra ở nhiều bệnh viện trên khắp cả nước. Tình trạng này diễn ra nhiều tháng nay khiến người bệnh hoang mang, lo lắng...
Thiệt thòi cho bệnh nhân
Bà Nguyễn Thị Sâm (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) có con trai bị tai nạn lao động bị gãy chân đã nhập viện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhưng bà đang lo lắng không biết bao giờ con mình mới được phẫu thuật bởi thông tin từ ngày 1-3, bệnh viện hạn chế mổ phiên để ưu tiên mổ cấp cứu, chỉ chỉ định xét nghiệm khi thực sự cần thiết, do thiếu vật tư, hóa chất… Mẹ con bà Sâm chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp bệnh nhân đang phải lo lắng bất an bởi tình trạng thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế điều trị tại nhiều bệnh viện trên cả nước đã kéo dài nhiều tháng nay.
Không chỉ bệnh nhân lo lắng, thấp thỏm, việc bệnh viện hạn chế mổ phiên vì thiếu vật tư, hóa chất cũng khiến bác sĩ tâm tư. Một bác sĩ phẫu thuật chia sẻ “buồn vì bệnh viện phải hạn chế mổ theo kế hoạch để dồn vật tư y tế cho các bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu”. GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, năm 2022, gần 80.000 ca mổ được thực hiện tại bệnh viện, trung bình mỗi ngày bác sĩ thực hiện hơn 200 ca phẫu thuật. Nhưng vì thiếu thuốc, thiếu thiết bị, vật tư y tế, bắt đầu từ 1-3, bệnh viện vẫn nhận bệnh nhân bình thường nhưng chỉ ưu tiên cho mổ cấp cứu, bắt đầu hạn chế sử dụng hóa chất. Bác sĩ lâm sàng sẽ đánh giá đúng tình trạng cấp cứu của người bệnh, để hồi sức, mổ cấp cứu theo quy định. Đồng thời cân nhắc ra chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các khoa xét nghiệm trước khi ra chỉ định. “Đây thực sự thiệt thòi cho bệnh nhân nhưng bệnh viện cũng không có cách nào khác để giải quyết”, GS, TS Trần Bình Giang chia sẻ.
PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tình cảnh của bệnh viện hiện nay khiến người bệnh phải chịu những thiệt thòi lớn. Với các bệnh viện tuyến dưới, khi hết vật tư, thiết bị họ có thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, tuyến cuối. Nhưng với bệnh viện tuyến cuối, bắt buộc phải tiếp nhận người bệnh, không thể chuyển bệnh nhân đi đâu được. Mặc dù là hết sức khó khăn nhưng bệnh viện vẫn duy trì những dịch vụ xét nghiệm cơ bản và các loại thuốc thiết yếu. Viện phải dừng nhiều xét nghiệm chuyên sâu, chuyên khoa, hạn chế chỉ định trường hợp chưa thật cần thiết để dành cho bệnh nhân nặng, cấp cứu. Tuy nhiên, nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ khiến các thiết bị không còn sức tải.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), đại diện bệnh viện cho biết, bệnh viện đang cố gắng cầm cự, chưa phải dừng hoạt động hay dừng mổ cấp cứu nhưng thêm nếu khó khăn kéo dài cũng không biết cầm cự được đến khi nào. Ở Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trung bình mỗi ngày, tiếp nhận từ 500 đến 600 lượt khám nhưng cũng vì thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế nên bệnh viện tạm dừng một số xét nghiệm nhỏ lẻ, cố gắng chữa cháy tạm thời, song cần sớm có hướng tháo gỡ để giải quyết triệt để, không để người bệnh thiệt thòi.
Nhiều bệnh viện tuyến cuối trên cả nước đang thiếu vật tư y tế, hóa chất, thuốc điều trị do gặp vướng mắc bởi các quy định hiện hành. Tình trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cấp thiết vào cuộc xây dựng, sửa đổi và ban hành các thông tư, nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý chuẩn giúp các bệnh viện sớm tháo gỡ khó khăn.
Cần cơ chế mở
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã rất tích cực cùng với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ có nhiều giải pháp tháo gỡ, đặc biệt liên quan đến vật tư, trang thiết bị y tế. Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ báo cáo với Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc đã hết hạn. Tính đến ngày 1-3, Bộ Y tế đã gia hạn hơn 9.000 giấy phép lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế. Các thuốc đã được gia hạn và cấp số đăng ký ở những lần trước vẫn tiếp tục được lưu hành.
Ngày 2-3, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8-11-2021 về quản lý trang thiết bị y tế.
Ngày 3-3 Chính phủ cũng đang họp để sửa và tiếp tục kéo dài thời gian hiệu lực của Nghị quyết 144/NQ-CP về đảm bảo trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, các bất cập liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc và thanh toán BHYT sẽ được giải quyết. Trong đó tập trung giải quyết vướng mắc về giá. "Trước đây, yêu cầu phải có 3 báo giá, nhưng có những mặt hàng không đủ 3 báo giá là hàng độc quyền nên chúng tôi đề nghị sửa theo hướng chấp nhận có những trường hợp chỉ có 1 hoặc 2 báo giá để lựa chọn", Thứ trưởng Lê Đức Luận thông tin.
Làm rõ thêm, Thứ trưởng Lê Đức Luận cho biết, với trang thiết bị y tế cùng cấu hình, tính năng giống nhau nhưng xuất xứ, nhà cung cấp khác nhau thì giá khác nhau, nếu chúng ta cứ lấy giá thấp nhất thì có thể sẽ không đảm bảo chất lượng vì vậy Bộ Y tế đang trình theo hướng Hội đồng khoa học của cơ sở y tế sẽ lựa chọn loại nào phù hợp với yêu cầu sử dụng chứ không thể lúc nào chúng ta cũng lấy giá thấp nhất. Cũng theo Thứ trưởng Lê Đức Luận, Bộ Y tế đã cùng với các bộ, ngành tích cực tham mưu Chính phủ sửa và ban hành các quy định, đặc biệt là Nghị định 98 và Nghị quyết 144, qua đó sẽ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, từ đó các cơ sở y tế sẽ khắc phục được khó khăn hiện nay.
Thứ trưởng Lê Đức Luận cũng nêu rõ, ngay sau khi các văn bản này được ban hành thì các đơn vị có thể đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị, trang thiết bị y tế, hóa chất để đảm bảo các nhu cầu khám chữa bệnh.