Khẩn trương tìm kiếm người mất tích và khắc phục thiệt hại
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do mưa lớn, triều cường tại xã An Hòa Hải (huyện Tuy An). Ảnh: ANH NGỌC
Chiều 31/3, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Sở NN-PTNT… đi kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do mưa lớn, triều cường tại huyện Tuy An.
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, từ 19 giờ ngày 30/3 đến 16 giờ 30 ngày 31/3, thời tiết khu vực tỉnh Phú Yên có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 55-240mm. Do ảnh hưởng mưa lớn, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; triều cường, sóng to làm nhiều tàu cá bị chìm, nhiều lồng bè nuôi thủy sản bị thiệt hại…
Tính đến chiều ngày 31/3, vẫn còn 2 người ở huyện Tuy An mất tích (Trần Văn Thiện, sinh năm 2008, thôn Xóm Cát, xã An Hòa Hải, bị lốc xoáy khi đang ở trên thuyền khu vực thôn Xóm Cát; Nguyễn Sam, sinh năm 1982, thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải, ra khu vực nuôi tôm hùm bị lốc xoáy ở khu vực thôn Nhơn Hội). Có 12 nhà bị sập, tốc mái; khoảng 12.435ha lúa vụ đông xuân bị ngập nước, ngã đổ; khoảng 260ha hoa màu bị ngã đổ.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh gây gió to, sóng mạnh trên biển (gió cấp 6-7) gây thiệt hại về tàu thuyền đang neo đậu tại các địa phương ven biển. Có 91 tàu thuyền bị chìm (Tuy An: 33 chiếc, TX Sông Cầu: 23 chiếc, TP Tuy Hòa: 30 chiếc, TX Đông Hòa: 5 chiếc). Về nuôi trồng thủy sản, có 2.000 lồng với 600.000 con tôm hùm ươm (xã An Hòa Hải); 450 lồng với 190.000 con tôm hùm ươm (xã An Ninh Đông) bị hư hỏng, trôi dạt vào bờ. Kênh mương bị ngã đổ, sạt lở đất đá với khối lượng khoảng 960m3, hơn 2.000m3 đường giao thông huyện, xã bị sạt lở, cuốn trôi...
Sau khi kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, cho biết: Theo thống kê ban đầu, tình hình thiệt hại do mưa lớn, triều cường trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Đến chiều nay (31/3), vẫn còn 2 người ở huyện Tuy An bị mất tích trên biển, hàng chục tàu cá bị sóng biển đánh chìm, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại rất nặng. UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Tuy An phối hợp với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tục tìm kiếm những người mất tích. Các sở, ngành và địa phương khẩn trương triển khai lực lượng hỗ trợ giúp dân khắc phục hậu quả do thiên tai, sớm kiểm tra, thống kê tình hình thiệt hại, giúp người dân vùng bị thiên tai sớm ổn định cuộc sống. Tỉnh sẽ làm việc với các ngân hàng để có chính sách hỗ trợ khoanh nợ, dãn nợ, tái cho vay đối với những trường hợp bị thiệt hại. Về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải tính toán, có giải pháp hợp lý, nhất là sắp xếp các khu vực nuôi trồng thủy sản đáp ứng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.