Khẩn trương triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng

Hàng năm, cứ vào các tháng mùa khô, Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng tích cực triển khai công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng, nhằm đảm bảo diện tích rừng tại các địa phương an toàn trước tình hình nắng nóng diễn ra gay gắt. Việc PCCC rừng không chỉ bảo vệ sự phát triển của rừng mà còn đảm bảo sự sống, sinh trưởng của các loài động vật, thực vật, các loài thủy sản sinh sống trong rừng.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hơn 10.658ha, trong đó, rừng phòng hộ ven biển trên 6.912ha, rừng đặc dụng 269ha và rừng sản xuất hơn 3.476ha, cùng với đó, độ che phủ của rừng là 2,7%. Với diện tích rừng lớn như trên, để bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm đã phân chia khu vực rừng theo từng địa phương và bố trí lực lượng trực thuộc đơn vị, để thuận tiện cho công tác quản lý rừng, nhất là đảm bảo việc tuần tra, kiểm soát thường xuyên các cánh rừng, tránh việc rừng bị lấn chiếm bất hợp pháp cũng như phát hiện, xử lý kịp thời khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy.

Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập PCCC rừng. Ảnh: TL

Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập PCCC rừng. Ảnh: TL

Để tìm hiểu về công tác PCCC rừng của ngành kiểm lâm trong các tháng mùa khô, chúng tôi đến Phân trường Thạnh Trị có diện tích hơn 565ha, với các loại cây: tràm, keo... thuộc xã Long Bình, TX. Ngã Năm (Sóc Trăng). Giám đốc Phân trường Nguyễn Thanh Danh chia sẻ: “Thảm thực vật ở phân trường chủ yếu là sậy, đậu ma, năn… vào mùa khô thiếu nước, đa số thực bì đều chết khô; cành lá rụng được tích lũy càng nhiều, trạng thái phân hủy không hoàn toàn trong điều kiện khô hạn là nguồn vật liệu dễ cháy. Nhận định về nguy cơ cháy rừng trong tháng mùa khô, phân trường đã triển khai phương án PCCC rừng bằng việc duy trì chế độ trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô hanh, kiểm soát, hạn chế người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, nhằm phát hiện kịp thời điểm cháy. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân khi vào rừng trong việc sử dụng nguồn nhiệt, lửa và phối hợp địa phương kiểm tra PCCC rừng tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao và bố trí lực lượng, phương tiện tại các điểm canh gác và luôn trong tư thế sẵn sàng dập nhanh đám cháy phát sinh…”.

Còn tại Phân trường Phú Lợi, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) có diện tích rừng hơn 227ha, với nguồn lợi tự nhiên trong rừng khá nhiều như: cá, tôm, chim, ong rừng… nên công tác PCCC rừng không chỉ bảo vệ tốt diện tích cây rừng mà còn bảo vệ nguồn lợi nêu trên. Ông Hà Thanh Cao Trường - Giám đốc phân trường thông tin: “Thường trong các tháng mùa khô, nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp dẫn đến nguy cơ cháy rừng xảy ra là rất cao. Do đó, để giảm thiểu các vụ cháy rừng, lực lượng tham gia bảo vệ rừng và nhân dân chủ động trong công tác phòng, ngừa là chính, đồng thời đơn vị triển khai canh gác, bảo vệ an toàn khu vực rừng và tuyên truyền người dân sinh sống gần rừng nâng cao ý thức PCCC rừng mùa khô”.

Ông Đỗ Xuân Dần - Giám đốc Phân trường Mỹ Phước 2, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) thông tin: “Phân trường có diện tích rừng tràm, keo hơn 796ha, với diện tích rừng khá lớn nên công tác bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô được đơn vị bám sát thực hiện chỉ đạo của cấp trên cũng như chủ động các biện pháp PCCC rừng, nhằm bảo vệ an toàn diện tích rừng và động, thực vật sinh sống trong rừng. Qua đó, để PCCC rừng mùa khô hiệu quả, đơn vị tuyên truyền nâng cao ý thức người dân sinh sống khu vực gần rừng về PCCC rừng và triển khai các phương án hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bắt lửa của vật liệu cháy”.

Chia sẻ cùng chúng tôi trong việc PCCC rừng các tháng mùa khô năm 2022, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng Võ Minh Thiên cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã xây dựng phương án PCCC rừng và chỉ đạo các phân trường tiến hành việc rà soát, xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, nhằm chủ động kiểm soát tình hình, nhanh nhất khi có tình huống cháy xảy ra; chủ động xử lý thực bì, đốt trước có kiểm soát, làm giảm vật liệu gây cháy ở các khu vực rừng dễ cháy, tạo kênh mương thông thoáng; tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, hướng dẫn, kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt đồng, rẫy. Kiểm tra, sửa chữa các trang thiết bị, phương tiện PCCC rừng trong tình trạng sẵn sàng ứng cứu…”.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/khan-truong-trien-khai-cong-tac-phong-chay-chua-chay-rung-55739.html