Khẩn trương triển khai phương án ứng phó bão số 8
Theo bản tin dự báo của Đài khí tượng thủy văn Ninh Bình, hồi 7h ngày 13/10 vị trí tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc, 113,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260 km về phía Bắc Đông Bắc, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 280 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 350 km tính từ tâm bão.
Do chịu ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 8 kết hợp với không khí lạnh, từ chiều 13/10 đến sáng ngày 16/10 khu vực tỉnh Ninh Bình có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. Tổng lượng mưa dự báo phổ biến từ 80- 150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt, mưa lớn tập trung trong ngày 14/10.
Để chủ động ứng phó hạn chế thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, các ngành chức năng, địa phương đang triển khai kịp thời, quyết liệt các biện pháp ứng phó.
Đại diện Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp&PTNT) cho biết: Hiện tại Công ty TNHH KTCT Thủy lợi đang thực hiện vận hành 37 máy/11 trạm bơm, 21 cống dưới đê để tiêu kiệt nước đệm trong hệ thống và các vùng trũng thấp.
Về hệ thống các hồ chứa, đã tiến hành xả 11 cống thuộc đập dâng Thác La, 1 cống thuộc hồ Đồng Chương, 4 cống thuộc hồ Yên Thắng (tràn Thượng Phường: 2, tràn Tiên Dương: 2), 1 cống thuộc hồ Yên Đồng… qua đó hạ thấp mực nước.
Chi cục cũng phân công cán bộ chuyên môn thường trực, trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, dự báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và nắm bắt tình hình mưa, úng ngập để chủ động vận hành các công trình thủy lợi, hồ đập, ứng phó và xử lý kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Vận hành Trạm bơm Bạch Cừ để tiêu thoát nước đệm . Ảnh: Trường Giang
Còn theo tổng hợp từ Sở Nông nghiệp & PTNT, tính đến ngày 13/10, các địa phương trong toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 20.500/31.830 ha lúa mùa (đạt 64,5% diện tích). Diện tích cây vụ đông đã trồng là trên 2.055 ha.
Để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương vận động nông dân huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu, đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng, để cứu rau màu vùng bị ngập.
Đối với diện tích lúa bị đổ ngã, cần khẩn trương tháo cạn nước mặt ruộng, dựng lúa lên, buộc túm từ 3 - 5 khóm để tránh hạt lúa nảy mầm trên bông. Với diện tích rau màu, cần tạm dừng xuống giống khi thời tiết còn chưa thuận lợi.
Riêng khối lượng lúa mới thu hoạch, chưa kịp phơi, bà con có thể đưa đi sấy hoặc trãi ra nền nhà, thường xuyên đảo lúa cho khô mặt và có thể tăng cường quạt điện cho lúa nhanh khô vỏ, hạn chế đến mức thấp nhất việc lúa nảy mầm, hư hỏng.
Tại vùng ven biển Kim Sơn, Đồn Biên phòng Kim Sơn đã phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển và các lực lượng chức năng kêu gọi 135 phương tiện với 435 thuyền viên; 408/433 lao động tại 273 lều chòi trông coi thủy sản từ đê Bình Minh III đến Cồn Nổi vào nơi tránh chú bão an toàn; hướng dẫn nhân dân neo đậu tàu thuyền, chằng buộc lều chòi, và chốt chặn các đầu đường không cho người, phương tiện đi ra vùng bãi.