Khẩn trương trồng rừng thay thế
Bão số 9 gây thiệt hại nhiều diện tích rừng trồng của người dân, khiến độ che phủ rừng giảm mạnh. Các chủ rừng đang tập trung khai thác diện tích cây ngã đổ theo phương châm khai thác đến đâu trồng rừng thay thế đến đó. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cây giống đang khan hiếm, dẫn đến chất lượng khó kiểm soát.'Hiện nguồn giống cung cấp để người dân trồng lại vụ mới là rất khó khăn, dẫn đến chất lượng khó kiểm soát được. Nhiều chủ rừng phải vào tận tỉnh Bình Định để mua giống keo về trồng, nên chi phí tăng lên'.Quyết tâm giữ và phát triển rừng
Khai thác, xuống giống vụ mới
Sau bão số 9, chị Thái Thị Trinh, ở xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), chạy đôn chạy đáo tìm thương lái để bán keo bị ngã đổ. Mặc dù giá giảm nhiều so với thời điểm trước bão, nhưng chị vẫn chấp nhận, vì nhiều người vẫn chưa thể bán được. Ngay sau khi thu hoạch xong, chị Trinh đã nhanh chóng chuẩn bị xuống giống vụ keo mới.
Sau khi khai thác keo ngã đổ, người dân tranh thủ đốt dọn thực bì, chuẩn bị xuống giống vụ keo mới.
Chị Trinh chia sẻ: Đợt bão này đã làm ngã đổ hoàn toàn hơn 1,5ha keo của gia đình. Tuy nhiên, số diện tích ở gần đường, thuận lợi khai thác thì mới bán được, còn nhiều diện tích nằm trên núi cao vẫn chưa thể khai thác, vì đường chưa thông. Tôi đã chuẩn bị được vài nghìn cây keo giống, nay mai sẽ thuê người trồng cho kịp vụ mới.
Thuộc diện hộ cận nghèo, nhiều năm qua, cuộc sống gia đình ông Phạm Anh, ở thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) nhờ vào rừng keo. Thế nhưng, bão số 9 đã làm mất đi nguồn sinh kế có giá trị nhất của gia đình. Nhìn 4ha keo nằm la liệt, ông Anh như ngã quỵ. Sau bão, ông tìm người thu mua để có thể vớt vát lại phần nào, nhanh chóng lấy đất trồng lại rừng mới, song gia đình đang gặp khó khăn trong việc tìm cây giống. “Giờ đầu tư mua lại giống để trồng cũng cần có vốn, trong khi nhà cửa lại bị sập chưa thể khắc phục. Chắc tôi tìm hạt giống keo để gieo cho đỡ tốn kém”, ông Anh bày tỏ.
Sau bão số 9, do keo bị ngã đổ khá nhiều, không thể đợi thương lái đến mua, một số hộ đã tự khai thác và vận chuyển đi bán, nên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình trạng bị ép giá. Song, với những rừng keo đến kỳ thu hoạch, nông dân vẫn có thể vớt vát được ít nhiều, còn những rừng keo non, thì chỉ có cách chặt làm củi hoặc đốt bỏ, lấy đất tái đầu tư vụ mới.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh NGUYỄN ĐẠI
Cần nguồn giống chất lượng
Để chuẩn bị cho vụ trồng rừng năm 2020, Trung tâm Giống Quảng Ngãi đã sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 2,1 triệu cây giống lâm nghiệp các loại. Trong đó, hơn 1,8 triệu cây giống các dòng keo lai hom, gồm: BV10, BV16, BV33, BV75; trên 300 nghìn cây keo lai mô, với các dòng như: BV10, BV16, BV32 và AH7. Ngoài ra, Trung tâm còn sản xuất gần 120 nghìn cây bản địa như sao đen, dầu rái, lim xanh, phi lao...
Người dân tranh thủ trồng lại rừng sau bão số 9.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 200 nghìn hécta rừng trồng các loại bị ảnh hưởng do bão số 9, chiếm khoảng 60% tổng diện tích rừng. Phần lớn diện tích gãy đổ chủ yếu ở cây trồng hai năm tuổi trở lên. Ảnh hưởng của bão số 9 không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho các chủ rừng, mà tỷ lệ che phủ rừng cũng suy giảm nghiêm trọng.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại cho biết: Toàn tỉnh có khoảng 350 cơ sở sản xuất giống cây keo, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 60 triệu cây giống. Song, diện tích rừng bị thiệt hại do bão là ngoài dự lường và bất khả kháng. Hiện nguồn giống cung cấp để người dân trồng lại vụ mới là rất khó khăn, dẫn đến chất lượng khó kiểm soát được. Nhiều chủ rừng phải vào tận tỉnh Bình Định để mua giống keo về trồng, dẫn đến chi phí tăng lên.
Chất lượng giống cây keo lâu nay còn bị bỏ ngỏ, dẫn đến chất lượng rừng trồng kém. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chỉ đạo các đơn vị cung cấp giống khẩn trương sản xuất thêm sản lượng cây giống, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Với người trồng rừng, cần chọn mua giống keo tại những cơ sở, đơn vị, công ty có uy tín, tránh tình trạng khan hiếm mà đụng đâu mua đấy, dẫn đến thiệt hại kép.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh vừa bác việc điều chỉnh tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh, đoạn qua huyện Mộ Đức và TX.Đức Phổ, vì lấn vào diện tích rừng phòng hộ ven biển. Sự kiên quyết này nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của ngành chuyên môn và người dân. Bởi lẽ, rừng phòng hộ ven biển luôn được xem là “lá chắn, lá phổi”của con người.
Trên địa bàn Quảng Ngãi, diện tích rừng trồng cũng liên tục tăng, nâng tỷ lệ che phủ đạt trên 52%, nhưng phần lớn cũng là rừng keo, không phải là rừng tự nhiên và rừng gỗ lớn. Để tăng “độ giàu” cho rừng, giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh đã triển khai kế hoạch trồng mới 230ha rừng gỗ lớn và chuyển đổi 428ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, nhưng chỉ thực hiện được 1/3 diện tích. Nguyên nhân vì chủ rừng không muốn tham gia, do thời gian khai thác lâu (trên 10 năm), cơ chế hỗ trợ thấp, trong khi chi phí sản xuất và quản lý cao. Vì vậy, bên cạnh việc ban hành các chính sách đủ mạnh để thu hút các chủ rừng tích cực tham gia trồng mới và chuyển đổi từ rừng tạp, rừng keo sang rừng gỗ lớn, thì trước mắt, tỉnh cần tiếp tục “đóng cửa” rừng tự nhiên hiện hữu và kiên quyết “nói không” với các công trình, dự án lấn rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.