Khẩn trương ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 3-1, tại tỉnh Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019-2020.

Lãnh đạo chủ trì Hội nghị.

Lãnh đạo chủ trì Hội nghị.

Đến dự, có đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN-PTNT; Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư; các tỉnh trong khu vực ĐBSCL; các tổ chức quốc tế...

Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường cho rằng, số liệu phân tích mưa quan trắc trên toàn cầu, lượng mưa mùa lũ năm 2019 tại thượng nguồn sông Mê Công thuộc vùng lãnh thổ Trung Quốc thiếu hụt từ 20 đến 25% so với năm 2015; vùng ĐBSCL thiếu hụt từ 20 đến 50% so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2015. Cụ thể: trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn bốn phần nghìn đã vào sâu 50 km; trên sông Tiền đã vào ba nhánh sông chính của tỉnh Bến Tre gần 60 km; trên sông Hậu cũng xâm nhập khoảng 50 km. Dự báo tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCLvới mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Thời gian xâm nhập mặn cao nhất sẽ tập trung vào tháng 1 và 2-2020. Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực (sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập của Trung Quốc) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016.

Lãnh đạo dự Hội nghị tham quan các mô hình chứa nước sạch trong mùa hạn, mặn.

Lãnh đạo dự Hội nghị tham quan các mô hình chứa nước sạch trong mùa hạn, mặn.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL xuất hiện sớm hơn so với đợt hạn, mặn lịch sử vào năm 2015 - 2016 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Trong đó, vụ đông xuân đã xuống giống hơn 1,5 triệu ha, diện tích cần tăng cường thực hiện mạnh hơn các giải pháp thủy lợi để bảo đảm cung cấp đủ nước tưới trong trường hợp xâm nhập mặn kéo dài cho khoảng 332 nghìn ha; vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn khoảng 136 nghìn ha. Riêng đối với nước sinh hoạt, vùng ĐBSCL có khoảng 14,6 triệu dân thì hiện tại có khoảng 82 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt. Dự báo trong thời gian tiếp theo của mùa khô, có khoảng 158 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, toàn bộ tỉnh Cà Màu nằm trong vùng xâm nhập mặn vào mùa khô. Hiện tại, có 100 nghìn ha sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, chỉ sử dụng nước mưa nên rất dễ bị tổn thương. Vùng rừng U Minh Hạ diện tích 53 nghìn ha khi hạn hán như thế này rất dễ xảy ra cháy rừng. Riêng vấn đề nước sinh hoạt, Cà Mau nằm toàn bộ vùng mặn nên nước sinh hoạt sử dụng nước ngầm. Tình hình hạn mặn sẽ có 4.500 hộ ảnh hưởng thiếu nước, dự báo 13 nghìn hộ bị ảnh hưởng.

Tại tỉnh Trà Vinh, kế hoạch vụ đông xuân sẽ xuống giống 61 nghìn ha. Đến cuối tháng 12-2019 đã xuống giống 34 nghìn ha, sau đó tỉnh chỉ đạo ngưng không xuống giống diện tích còn lại nhưng dân đã tự xuống giống 19 nghìn ha, khả năng sẽ bị ảnh hưởng 19 nghìn ha do hạn, mặn. Ngoài ra, tỉnh có khoảng tám nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt do hạn, mặn.

Khẩn trương các giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, rút kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015 - 2016, tỉnh đã ban hành phương án khẩn cấp ứng phó. Trong đó, bảo đảm nước cho sản xuất; đầu tư nâng cấp cống, nạo vét kênh để trữ nước... Đồng thời, đối với nước sinh hoạt, tỉnh có kế hoạch dài hạn để đầu tư mở các tuyến ống cấp cho vùng phía đông, đầu tư nhà máy nước vùng phía tây để dẫn trục, đấu nối vào hệ thống cấp nước của tỉnh. Riêng vùng các huyện cù lao, giáp biển trang bị bồn chứa, hàng năm tỉnh mở vòi nước công cộng để dân đến lấy nước sử dụng...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có xu hướng diễn biến ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn. Tỉnh Bến Tre kiến nghị T.Ư xem xét, sớm triển khai các dự án lớn như: Jica 3, dự án nam Bến Tre, hệ thống cấp nước thô cho các nhà máy nước thuộc khu vực Cù lao Minh,... để đưa vào phục vụ giúp kiểm soát mặn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề xuất bố trí chương trình cấp nước quy mô hộ gia đình cho 20 nghìn hộ không có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đưa danh mục cung cấp nước sạch vào nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để giúp 36.800 hộ đang thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh có điều kiện tiếp cận đủ nước sạch.

Cống An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) chuẩn bị hoàn thành giúp ngăn mặn, trữ ngọt.

Cống An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) chuẩn bị hoàn thành giúp ngăn mặn, trữ ngọt.

Theo Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, từng vùng một, từng tỉnh một cần rà soát lại các công trình để phục vụ sản xuất nông nghiệp và cả kịch bản cung ứng nước sạch cho người dân. Đồng thời, chủ động né hạn, mặn. Hiện, vụ lúa đông xuân của toàn vùng đã giảm từ 1,6 triệu ha xuống còn hơn 1,5 triệu ha. Cố gắng tập trung tuyên truyền ở những nơi không chủ động được nguồn nước thì không xuống giống. Đối với cây ăn quả 130 nghìn ha có khả năng ảnh hưởng cần liên tục quan trắc, thông báo cho người dân để có một kế hoạch hợp lý nhất. Đối với nước sinh hoạt cần tổng rà soát lại, nếu kịch bản cực đoan hơn sẽ làm thế nào có giải pháp ứng phó. Chủ động thích ứng, rà soát lại toàn bộ để có cơ cấu thích hợp nhất; thích ứng phải tạo sinh kế mới cho người dân để giảm áp lực, tích nước ngọt cho phù hợp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Tình hình hạn, mặn xảy ra nghiêm trọng, nguy cơ thiếu nước ngày càng gia tăng đối với Việt Nam trong thời gian qua và tương lai sẽ rất gay gắt. Vùng ĐBSCL là vùng trù phú, trọng điểm về lương thực và thực phẩm trong cả nước đang chịu tác động lớn. Tại ĐBSCL, xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn so với nhiều năm trước, ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành, địa phương rất chủ động chỉ đạo, triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm sản xuất vụ đông xuân 2020; bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho người dân. Các địa phương giảm diện tích lúa vụ đông xuân, xuống giống sớm nhằm tránh mặn; đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình góp phần khắc phục hậu quả hạn, mặn. Đồng thời, phối hợp các doanh nghiệp sản xuất các dụng cụ trữ nước, tạo ra sản phẩm mới, giải quyết vấn đề thiếu nước hiện nay.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp các bộ, ngành để có các biện pháp để ứng phó tình hình hiện nay nhằm bảo đảm cuộc sống cho người dân, không để một hộ gia đình nào thiếu nước sinh hoạt. Làm sao bảo đảm đủ nước cho phát triển kinh tế xã hội; bảo vệ mùa màng; nhiệm vụ tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân; không để bùng phát dịch bệnh do thiếu nước, hạn hán; các địa phương chủ động các phương án bảo đảm nguồn nước cho người dân; có các biện pháp tích trữ nước cho sinh hoạt, lọc nước; mở rộng mạng lưới cấp nước đô thị đến khu vực nông thôn; cấp bách sử dụng các phương tiện di động chở nước phục vụ người dân... Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nghiên cứu, đầu tư, hỗ trợ trong phòng, chống hạn, mặn; đặc biệt với các nước thượng nguồn sông Mê Công để chia sẻ, sử dụng hiệu quả để không thiệt hại cho các nước sử dụng chung nguồn.

Phó Thủ tướng đề nghị, về lâu dài, trước thách thức của biến đổi khí hậu, Chính phủ đã ra Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu nên tập trung tái cấu trúc khu vực này, trước hết là kinh tế, ngành, lĩnh vực, sản phẩm... trên cơ sở lập quy hoạch vùng ĐBSCL từ năm 2021 đến 2030, tầm nhìn 2050. Liên kết vùng để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng để phát triển bền vững.

Bài, ảnh: HOÀNG TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/42802202-khan-truong-ung-pho-han-han-xam-nhap-man-tai-vung-dong-bang-song-cuu-long.html