Khẩn trương ứng phó với siêu bão

Bão số 3 (YAGI) đã mạnh lên cấp 16, trở thành siêu bão trên Biển Đông, là cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2024 tính đến thời điểm này. Trước diễn biến của siêu bão này, các địa phương đã chủ động phòng tránh bão...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) hỗ trợ ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi an toàn. Ảnh: Sơn Hà.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) hỗ trợ ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi an toàn. Ảnh: Sơn Hà.

Quảng Ninh, Hải Phòng: Căng mình ứng phó với siêu bão

Theo dự báo, từ sáng 6/9, bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16. Từ đêm 6/9 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh nhất có thể đạt cấp 10-12, giật cấp 13-14 và ảnh hưởng sâu vào đất liền, khả năng bão gây gió mạnh, nước dâng, sóng lớn trên biển và ven biển, gió mạnh và mưa lớn diện rộng trên đất liền.

Nằm trong số các địa phương dự báo có thể chịu tác động trực tiếp của bão số 3 (Yagi), Hải Phòng và Quảng Ninh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện sẵn sàng, tích cực triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3 để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Tính đến chiều 5/9, tại Quảng Ninh, toàn bộ 5.556 tàu cá, 398 tàu du lịch trên vịnh, 98 tàu chở khách tuyến đảo cùng khách du lịch đều đã nhận được thông tin cập nhật liên tục về bão và được hướng dẫn về nơi tránh trú an toàn khi có lệnh. Toàn tỉnh có 2.889 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển với khoảng 3.000 lao động đã thực hiện gia cố và tổ chức di chuyển người lên bờ từ ngày 4/9 và dự kiến hoàn thành trước 16h ngày 6/9.

Còn tại Hải Phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng duy trì nghiêm chế độ trực, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Sở Xây dựng kiểm tra, thực hiện biện pháp an toàn công trình xây dựng, hệ thống chiếu sáng công cộng, chủ động hạ mực nước đệm trong hệ thống thoát nước đề phòng mưa lớn và phòng chống gãy đổ cây xanh.

Huyện đảo Bạch Long Vĩ và huyện đảo Cát Hải khẩn trương sắp xếp neo đậu tàu thuyền và vận động nhân dân trên các bè nuôi trồng thủy sản về nơi tránh trú an toàn. Với sự hỗ trợ của lực lượng Bộ đội Biên phòng, phần lớn ngư dân vùng ven biển đã đưa phương tiện tàu thuyền lên bờ an toàn.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng cho biết: Theo thống kê, tại các vùng sản xuất nông nghiệp, trong tổng số trên 28.000ha lúa đã cấy có 1.400ha lúa đã trổ bông, còn lại các trà lúa đang giai đoạn đứng cái - làm đòng và có khoảng 873ha các loại rau màu hè thu; trên 1.400ha cây ăn quả đã kỳ thu hoạch. Đơn vị đang đôn đốc các địa phương thực hiện việc tiêu thoát nước đệm, đề phòng ngập úng; tuyên truyền để nông dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả ở khu vực có nguy cơ ngập úng.

Trước diễn biến của siêu bão, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện cấm biển từ 11h ngày 6/9.

Nam Định: Bảo vệ các ao đầm nuôi trồng thủy sản

Chiều 5/9, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) huy động lực lượng, phương tiện mở cống để tháo nước vùng đệm của 25ha nuôi trồng thủy sản của Hợp tác xã; chằng chống những khu nhà bảo vệ.

Theo ông Lê Văn Bản - Giám đốc Hợp tác xã, việc tháo nước vùng đệm nhằm mục đích khi có mưa lớn, nước trong khu vực nuôi trồng sẽ bị tràn, kéo theo tôm cá, khi đó vùng đệm có sẵn khoảng trống để chứa nước tràn, giữ lại tôm cá. Hiện 25ha nuôi trồng thủy sản của Hợp tác xã đang có tới 400 tấn cá, 5 tấn tôm, nếu không chủ động phòng chống, thiệt hại sẽ rất lớn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, hiện toàn tỉnh có 71.200ha lúa (khoảng 2.700ha diện tích lúa đã trỗ bông); 8.800ha hoa màu (đã thu hoạch 900ha, đến kỳ thu hoạch 2.200ha); 14.625ha nuôi trồng thủy hải sản; 292 lồng bè trên sông.

Ninh Bình: Cấm biển!

Tại Ninh Bình, tính đến chiều 5/9, đã thông báo cho 119 phương tiện trong với tổng số 267 thuyền viên, 218 lều chòi với 347 lao động phía ngoài đê Bình Minh III về diễn biến và hướng di chuyển của cơn bão số 3 để có biện pháp phòng tránh. Từ 13h ngày 5/9, tỉnh đã tiến hành cấm biển và đến 15h ngày 6/9, toàn bộ tàu thuyền, lao động sẽ vào nơi tránh trú bão.

Ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết tại huyện Kim Sơn, địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp với biển Đông, công tác ứng phó với bão số 3 đang được thực hiện khẩn trương, quyết liệt. Đồn Biên phòng Kim Sơn tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào khu vực nguy hiểm, tìm về nơi tránh trú bão.

Các xã ven biển như Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung, Cồn Thoi đã chủ động kiểm đếm, thông báo cho các lao động trên các lều chòi khu vực từ đê biển Bình Minh III đến Cồn Mờ về tình hình diễn biến của bão để chủ động di dời khi có lệnh. Các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình ven biển cũng được thông báo tình hình của bão để có phương án phòng, tránh. Ngoài ra, tại các bến đò ngang, lực lượng chức năng cũng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động giao thông để đảm bảo an toàn.

Thanh Hóa: Khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín

Theo thông tin từ Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tỉnh Thanh Hóa chiều 5/9: Toàn tỉnh hiện có 6.116 phương tiện tàu thuyền với 19.901 lao động thường xuyên hoạt động trên biển. Đến chiều cùng ngày, toàn tỉnh vẫn còn 882 phương tiện tàu thuyền với 5.350 lao động vẫn hoạt động trên biển. Tuy nhiên, 100% các phương tiện đều đã nắm được thông tin về bão và thường xuyên liên lạc với gia đình và các cơ quan chức năng.

Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Sở cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại diện tích lúa chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 30 nghìn ha lúa vụ hè thu đã bắt đầu chín rải rác trên diện rộng, bà con nông dân đã bắt đầu thu hoạch được khoảng 12 nghìn ha. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nông dân khi bão đổ bộ, chúng tôi khuyến cáo người nông dân với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, khẩn trương thu hoạch số diện tích lúa đã chín khoảng 80% tại các vùng trũng thấp, dễ bị ngập lụt”.

Nghệ An: Nông dân hối hả gặt lúa

Mặc dù lúa mới chín tầm 80% nhưng diễn biến bất thường của cơn bão số 3, trong 3 ngày qua, người dân tỉnh Nghệ An đã tiến hành thu hoạch lúa hè thu, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Tại huyện Tân Kỳ, theo thống kê, vụ hè thu toàn huyện này có 2.888ha lúa, do đặc thù về thời tiết, địa hình nên gieo cấy muộn hơn so với các địa phương vùng xuôi. Tính đến ngày 5/9, toàn huyện mới thu hoạch được 400ha, nhiều diện tích lúa còn xanh. Hiện huyện đang tập trung huy động máy móc để gặt những diện tích có thể cho thu hoạch được.

“Qua thông tin thời tiết, và hướng dẫn của chính quyền, từ ngày hôm qua, chúng tôi đã tiến hành gặt lúa để chạy bão. Vụ mùa năm nay, gia đình làm 5 sào, hiện đã gặt xong 3 sào, cố gắng ngày 6/9 sẽ hoàn thành, dù lúa chín mới đạt 80% nhưng xanh nhà hơn già đồng”, anh Võ Quang Trung, thôn 4, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ nói.

Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp, UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Để phòng chống bão số 3 và hạn chế thiệt hại về lúa, hoa màu, sau khi nhận được chỉ đạo từ cấp trên, huyện đã yêu cầu các xã chỉ đạo người dân tiến hành thu hoạch lúa vụ hè thu. Ông Hòa thông tin: “Trong tổng số hơn 5.000 ha lúa, hiện đã gặt được 2.200 ha, số diện tích còn lại, ngày hôm nay (5/9), và trước buổi sáng ngày 6/9, người dân sẽ thu hoạch xong để chạy bão”. Tại các huyện Nam Đàn, Anh Sơn, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu…, nông dân cũng đang hối hả thu hoạch lúa, hoa màu để chạy bão số 3.

Ứng phó với bão số 3, các huyện ven biển ở Nghệ An cũng đang tiến hành kêu gọi tàu thuyền trên địa bàn nhanh chóng về nơi trú ẩn.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan trong phòng, chống bão

Ngày 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 87 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang; cùng các bộ liên quan. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Bí thư và Chủ tịch UBND các địa phương nêu trên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó bão ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Các Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu trên đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, trong đó tập trung rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, đảo; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển (đặc biệt là tàu thuyền ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và ven biển từ Hà Tĩnh trở ra) và tại nơi tránh trú.

Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, tàu thuyền tại nơi tránh trú, khu vực có nguy cơ ngập sâu do sóng lớn, nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).

Thủ tướng yêu cầu xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.

T.S

Nhóm PV Đông Bắc - D.Hưng - Đ.Minh - N.Chung - Đ.Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khan-truong-ung-pho-voi-sieu-bao-10289402.html