Khẩn trương ứng phó với vấn đề già hóa dân số
Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng nhưng cũng đang ở giai đoạn già hóa nhanh. Để ngăn chặn nguy cơ 'già trước khi giàu', các chuyên gia cho rằng, cần cải thiện chính sách sử dụng hiệu quả nguồn cung lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho hay, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với hai người trong độ tuổi lao động thì có một người phụ thuộc. Trong đó, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,3% và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3%.
Năm 2024, số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024. Như vậy, Việt Nam đang ở trong thời kỳ già hóa nhanh do tuổi thọ người dân tăng cao và mức sinh giảm.
Thông tin về mức sinh giảm, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 cho thấy, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam là 1,91 con/phụ nữ. Đây là mức sinh thấp nhất quan sát được từ trước đến nay. Kể từ năm 2009 đến năm 2022, trong suốt gần 15 năm, mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, 2023-2024, mức sinh Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2023, TFR của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024.
TFR của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ). Tổng số có 32 tỉnh, thành phố thuộc có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ); có 25 tỉnh, thành phố có mức sinh dao động xung quanh mức sinh thay thế và 6 địa phương có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế (cao hơn 2,5 con/phụ nữ). Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), Hà Giang có mức sinh cao nhất cả nước (2,69 con/phụ nữ). Rõ ràng, mức sinh của Việt Nam đang có xu hướng giảm và giảm khá nhanh trong những năm gần đây.
Kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới như: Các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy khi mức sinh đã giảm thì khó có xu hướng tăng trở lại. Năm 2022, các nước OECD có TFR là 1,5 con/phụ nữ; TFR Nhật Bản là 1,26 con/phụ nữ; Hàn Quốc 0,78 con/phụ nữ.
“Nếu chúng ta không sớm có những chính sách kịp thời, mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Vừa qua, Bộ Y tế đã có đề xuất không xử lý kỷ luật với đảng viên sinh con thứ 3 trở lên. Đây cũng là một đề xuất phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, có thể nghiên cứu ban hành các chính sách khuyến khích sinh phù hợp với điều kiện kinh tế và văn hóa Việt Nam để mức sinh không giảm quá nhanh khi kinh tế phát triển”, ông Nam cho hay.
Theo các chuyên gia, một trong những hậu quả trực tiếp của sự già hóa dân số ở Việt Nam là nguy cơ thiếu hụt lao động. Trên thực tế, với dân số ngày càng già hóa và lượng người lao động trẻ giảm sút, sự thiếu hụt lao động đang càng trở thành vấn đề đáng lo ngại. Các ngành công nghiệp và dịch vụ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đủ nguồn nhân lực để duy trì, phát triển, điều này có thể dẫn đến tình trạng giảm hiệu suất lao động, giảm cạnh tranh, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và trợ cấp xã hội. Với tình trạng tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, Nhà nước cần có các chính sách và cơ sở hạ tầng phù hợp để đảm bảo người cao tuổi được chăm sóc tốt nhất.
Do đó, để ứng phó với tình trạng già hóa dân số, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cần khẳng định rằng già hóa dân số phản ánh sự thành công trong việc cải thiện điều kiện kinh tế, sức khỏe và phúc lợi xã hội của người dân. Sự tiến bộ của y tế và các chính sách chăm sóc sức khỏe đã giúp giảm nguy cơ tử vong, giúp người dân khỏe manh hơn và có tuổi thọ cao hơn. Chính vì vậy, chúng ta cần phải tìm giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số.
Theo đó, các chính sách có thể nghiên cứu áp dụng là: Cải thiện chính sách sử dụng hiệu quả nguồn cung lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi. Có những chính sách phù hợp tạo điều kiện và khuyến khích lao động lớn tuổi tham gia công việc phù hợp đóng góp thêm sức lực cho gia đình và xã hội. Về lâu dài cần nghiên cứu các giải pháp để tăng tuổi nghỉ hưu, đối với một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định.
Mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng thúc đẩy triển khai hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đa trụ cột để nâng cao mức độ bao phủ toàn diện của hệ thống, góp phần nâng cao mức sống của người hưởng bảo hiểm xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nâng cấp hệ thống chăm sóc y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi…
Được biết, theo kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2024, mức sống tối thiểu (MSTT) của người dân Việt Nam ở mức 1,8 triệu đồng/người/tháng; trong đó khu vực thành thị là 2,3 triệu đồng/người/tháng và khu vực nông thôn là 1,7 triệu đồng/người/tháng. So với năm 2023, MSTT năm 2024 tăng 6,7%, trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của dân cư tăng 8,8%. Mức lương tối thiểu của người lao động tăng 6% từ 1/7/2024 giúp cho đời sống của người lao động nói riêng và người dân chung đã phần nào được cải thiện.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/khan-truong-ung-pho-voi-van-de-gia-hoa-dan-so-i756579/