Khẩn trương xây dựng chương trình tái thiết, phục hồi kinh tế

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, Chính phủ khẩn trương xây dựng chương trình tái thiết, phục hồi nền kinh tế, có phân chia theo giai đoạn; xây dựng phương án, giải pháp ứng phó với hệ lụy từ làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn; khắc phục đứt gãy nguồn cung lao động, thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc...

Công ty Nhựa Duy Tân (TPHCM) đảm bảo vừa sản xuất vừa chống dịch. Ảnh: Đại Dương

Chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đề cập đến việc phân bổ nguồn lực, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị quan tâm đến việc huy động nguồn lực trong nước, vì nguồn lực trong dân còn tương đối nhiều, kết hợp với nguồn lực nước ngoài, cải cách thể chế để huy động vốn đầu tư từ khối FDI.

Phát hành công trái?

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong kế hoạch tái cơ cấu 5 năm tới, phải gắn với chương trình phục hồi tổng thể nền kinh tế và tăng tính tự chủ nền kinh tế. Như vậy, vừa phải trọng cung, vừa phải kích cầu. Trên cơ sở đó, cần cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực cho các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, thị trường khoa học công nghệ, thị trường lao động…

Vì thế, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu giải pháp, cải thiện các yếu tố về thể chế, luật pháp để mở rộng năng lực thị trường vốn (thị trường trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp…).

“Bây giờ muốn huy động vốn mà không huy động được thì rất khó. Nhiều đồng chí nói cứ để địa phương phát hành trái phiếu công trình, nhưng xoay đi xoay lại, người mua các loại trái phiếu này cũng là các tổ chức tài chính, chủ yếu là ngân hàng mua”, Chủ tịch Quốc hội nói. Bộ Tài chính đang tính toán phát hành thêm công trái như ngày xưa, vì hiện tại, tiền trong dân khá nhiều, nhưng điều này cũng cần phải tính kỹ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, phải tập trung phân tích các yếu tố để đánh giá năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế. Do đó, cấp bách phải có thêm điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, tái thiết kinh tế, song vấn đề là có tiêu được tiền hay không.

Cân nhắc mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp

Theo báo cáo của Chính phủ, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 có 5/22 mục tiêu không đạt. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ nguyên nhân, vì đây đều là những mục tiêu quan trọng chủ yếu liên quan đến khu vực công, như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp, đào tạo lao động...

Đối với các mục tiêu, chỉ tiêu trong giai đoạn 5 năm tới, cơ quan thẩm tra lưu ý, thời gian qua do tác động của dịch COVID-19, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản đã tăng mạnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, tài chính của doanh nghiệp bị bào mòn, suy giảm đáng kể.

Do đó, cần nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu khó khả thi như mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó 60.000-70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị nghiên cứu, bổ sung làm rõ nội hàm, các yếu tố cấu thành kinh tế số, từ đó làm cơ sở để xác định mục tiêu “Kinh tế số chiếm 20% GDP”.

THÀNH NAM

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khan-truong-xay-dung-chuong-trinh-tai-thiet-phuc-hoi-kinh-te-post1384410.tpo