Khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và năng lực đổi mới của Quốc hội

Bắt đầu nhiệm kỳ mới trong điều kiện hết sức đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư và lan rộng trên phạm vi cả nước, đặt ra những thách thức lớn, chưa có tiền lệ đối với hoạt động của Quốc hội. Dù thế, càng trong khó khăn, bản lĩnh, trí tuệ và năng lực đổi mới của Quốc hội càng được phát huy mạnh mẽ. Ngay trong năm đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc vô cùng lớn, không chỉ tiếp nối xứng đáng truyền thống 76 năm của Quốc hội Việt Nam mà còn có những bước tiến căn cơ trong việc thực hiện trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao. Trước thềm Xuân mới Nhâm Dần, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội BÙI VĂN CƯỜNG đã dành cho PV Báo Đại biểu Nhân dân cuộc trò chuyện về hoạt động Quốc hội trong năm 2021 - khoảng thời gian như ông chia sẻ là 'đặc biệt nhất' với những trải nghiệm không bao giờ quên.

Sức mạnh Việt Nam và khát vọng Việt Nam

- Tạm khép lại những công việc hàng ngày của Quốc hội, nhìn lại năm 2021,cảm xúc lắng đọng nhất trong ông bây giờ là gì?

- Tôi được Quốc hội bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vào đầu tháng 4.2021, tức là đến nay mới hơn 9 tháng, nhưng có lẽ đây là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong cuộc đời công tác đã kinh qua 9 cơ quan của tôi với rất nhiều cung bậc cảm xúc và những trải nghiệm không bao giờ quên. Thời điểm Quốc hội kiện toàn tổ chức bộ máy tại Kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Khóa XIV, đa số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều là “người mới”, nhưng phải bắt tay ngay vào việc chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong bối cảnh khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 bùng phát ở hầu khắp cả nước.

Càng gần đến ngày bầu cử thì tình hình dịch bệnh càng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Bầu cử các cấp, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức phụ trách bầu cử từ Trung ương đến cơ sở đã bình tĩnh, kiên định với mục tiêu tổ chức thành công, an toàn cuộc bầu cử và từ đó, chủ động, sáng tạo trong từng phần việc. Chỉ tính riêng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã ban hành tới 77 văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về công tác bầu cử, trả lời, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị cụ thể về tổ chức bầu cử “thời Covid-19”. Có những văn bản được ban hành và triển khai “thần tốc”, chạy đua với diễn biến của dịch bệnh. Mặc dù các tổ chức phụ trách bầu cử đều đã nỗ lực hết sức, “kịch bản” tổ chức bầu cử nếu có ca mắc Covid-19 ngay tại điểm bỏ phiếu đã được xây dựng và hướng dẫn chi tiết đến từng tổ bầu cử nhưng thực sự chúng tôi vẫn hồi hộp từng ngày, từng giờ xen lẫn cả lo lắng.

Cuộc bầu cử đã thành công hơn cả mong đợi khi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất từ trước đến nay, lên đến 99,6%, trong đó nhiều địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu gần như tuyệt đối, ngay cả những địa phương ở “tâm dịch” lúc đó như Bắc Giang, Bắc Ninh cũng đạt 98,2% và 97,55%. Đó thực sự là “con số biết nói” khiến chúng tôi - những người làm công tác chuẩn bị bầu cử - vô cùng tự hào, bởi qua đó, chúng ta thấy được lòng dân, thấy được tinh thần đoàn kết, niềm tự hào, tự tôn dân tộc và niềm tin mà cử tri và Nhân dân ta dành cho Đảng và Nhà nước, cho Quốc hội và HĐND các cấp.

Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Quốc hội đã tổ chức thành công hai kỳ họp, hoàn thành khối lượng công việc vô cùng lớn, lớn hơn nhiều so với thông lệ các năm đầu nhiệm kỳ các khóa trước. Chưa bao giờ, ngay kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã hoàn thành gần như toàn bộ các khung khổ kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công, hai chương trình mục tiêu quốc gia…; đến Kỳ họp thứ Hai thì Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ các kế hoạch trung hạn, kể cả những vấn đề hết sức phức tạp như Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.

Song song với quá trình chuẩn bị bầu cử, tổ chức hai kỳ họp của Quốc hội, trong năm 2021, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành, triển khai thực hiện từ rất sớm Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 161/2021/QH14 của Quốc hội về tổng kết hoạt động của các cơ quan nhiệm kỳ 2016 - 2021, trong đó, xác định 107 đề án, nhiệm vụ cụ thể, nghiên cứu đổi mới căn cơ tất cả các mặt hoạt động của Quốc hội, từ lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, công tác đối ngoại, tổ chức kỳ họp… Nhiều cải tiến, đổi mới đã được áp dụng ngay vào tổ chức, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và mang lại hiệu quả rất tích cực. Đến cuối năm 2021, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn thành 3 trong tổng số 4 chuyên đề lớn thuộc Đề án ''Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045'', sớm nhất trong các cơ quan được phân công xây dựng các chuyên đề thuộc Đề án.

Bây giờ nhìn lại, nếu nhà báo hỏi cảm xúc lắng đọng nhất trong gần một năm vừa qua với tôi chính là “sức sống Việt Nam, tinh thần Việt Nam và khát vọng Việt Nam”. Càng trong khó khăn, thử thách thì lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên của dân tộc ta, nhân dân ta - những giá trị cơ bản làm nên sức mạnh Việt Nam - càng được hun đúc, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trong cảm nhận cá nhân của tôi qua gần một năm đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV, hoạt động của Quốc hội đã luôn được thôi thúc và được truyền cảm hứng từ sức sống Việt Nam, tinh thần Việt Nam và khát vọng Việt Nam.

- Ở chiều ngược lại, qua rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri tôi được trực tiếp đưa tin, các cử tri cũng chia sẻ rằng, những đổi mới, hành động quyết liệt của Quốc hội đem lại cho họ nhiều hy vọng… Ông có thấy tự hào về điều này?

- Không chỉ tôi mà bất cứ đại biểu Quốc hội nào cũng vinh dự và tự hào khi được đón nhận những đánh giá như vậy từ cử tri. Bởi điều đó cho thấy hoạt động của Quốc hội đã đáp ứng đúng, trúng điều mà cử tri và Nhân dân mong đợi, kỳ vọng ở Quốc hội.

Trong điều kiện đặc biệt của năm 2021, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Quốc hội đã phát huy cao độ tinh thần “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, xem xét kỹ lưỡng và đưa ra nhiều quyết đáp đặc biệt nhằm kịp thời hỗ trợ người dân và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Nghị quyết số 30/2021/QH15 với phần lớn dung lượng là các điều khoản Quốc hội cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ được chủ động thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt, khác với quy định của luật hiện hành hoặc chưa được luật quy định nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 là một trong những quyết đáp đặc biệt như vậy.

Khi Kỳ họp thứ Nhất khai mạc, chương trình nghị sự của Quốc hội hoàn toàn chưa có nội dung kể trên, nhưng sau đó, trước diễn biến của dịch bệnh và các yêu cầu đặt ra với công tác phòng, chống dịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trao đổi với Chính phủ. Và từ đó, chỉ trong chưa đầy hai ngày, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các cơ quan của Quốc hội đã làm việc chặt chẽ với cơ quan của Chính phủ chuẩn bị Tờ trình, báo cáo thẩm tra về một số đề xuất tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 và trình Quốc hội bổ sung vào chương trình kỳ họp để thông qua tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất. Nghị quyết 30 đi vào lịch sử hoạt động của Quốc hội không chỉ bởi tính cấp bách và hiệu quả thiết thực mang lại cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế, mà còn bởi nếu trong điều kiện bình thường thì hiếm khi nào Quốc hội lại chủ động thúc giục Chính phủ “xé rào” như vậy.

Ngay sau Kỳ họp thứ Nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã liên tục họp, thảo luận, cho ý kiến và ban hành các nghị quyết để cho phép Chính phủ thực hiện các chính sách đặc biệt, đặc cách phòng, chống dịch Covid-19 với tổng giá trị nguồn lực hỗ trợ lên tới hơn 100 nghìn tỷ đồng. Nhiều phiên họp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập ngay khi nhận được tờ trình của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội làm việc xuyên đêm, ngoài giờ hành chính để kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, đúng với tinh thần đã được Chủ tịch Quốc hội quán triệt “không có bất cứ việc gì bị chậm trễ ở Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội”.

Gần đây nhất, ngay trong những ngày đầu năm mới 2022, Quốc hội đã tiến hành Kỳ họp bất thường đầu tiên để xem xét, quyết định 4 nội dung cấp bách trực tiếp phục vụ cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Những quyết định táo bạo, chưa có tiền lệ như thế bởi Quốc hội thấu hiểu đó là những chính sách mà cuộc sống đang cấp bách đòi hỏi, quyết định càng sớm bao nhiêu thì lợi ích của các chính sách này đối với người dân, doanh nghiệp và đất nước càng sớm bấy nhiêu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất

Ảnh: Quang Khánh

Những quyết định táo bạo, chưa có tiền lệ như Nghị quyết 30/2021/QH15 hay việc tổ chức Kỳ họp bất thường… là bởi Quốc hội thấu hiểu đó là những chính sách mà cuộc sống đang cấp bách đòi hỏi, quyết định càng sớm bao nhiêu thì lợi ích của các chính sách này đối với người dân, doanh nghiệp và đất nước càng sớm bấy nhiêu. Trong hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh, Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp nhịp nhàng, phát huy cao nhất trách nhiệm của mình vì mục tiêu trước hết và trên hết chính là sự an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và sự ổn định, phát triển của đất nước. Đó là mối quan hệ mà như Lãnh đạo Quốc hội từng nhận định là “mẫu mực”, còn cử tri và Nhân dân ở nhiều địa phương đã chia sẻ sự tin tưởng và hy vọng khi nhìn vào sự đồng hành sát sao và sự quyết liệt hành động của Quốc hội và Chính phủ.

Điểm tựa vững chắc để Quốc hội hoàn thành trọng trách

- Từ đầu nhiệm kỳ này, có một thông điệp hết sức quan trọng mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đi nhắc lại với các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội là “phải đưa cuộc sống vào luật, nghị quyết” nhiều hơn nữa, đậm đặc hơn nữa bởi luật, nghị quyết dù hay đến mấy nhưng không xuất phát từ cuộc sống thì cũng khó đi vào cuộc sống. Theo ông, vừa qua, Quốc hội đã thực hiện yêu cầu này như thế nào?

- Chúng ta thường nói với nhau: “lý thuyết thì màu xám còn cây đời mãi xanh tươi”. Yêu cầu “đưa cuộc sống vào luật, nghị quyết” luôn được Quốc hội đặt ra. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng xác lập các cơ chế, quy trình nhằm bảo đảm cuộc sống được đưa vào luật, nghị quyết thay vì các luật, nghị quyết được ra đời trong “phòng lạnh”. Dù vậy, những bất cập trong hệ thống pháp luật, những vướng mắc trong quá trình thực thi luật, nghị quyết đòi hỏi các cơ quan soạn thảo, thẩm tra và Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua phải bảo đảm tối đa tính khả thi, phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Vì thế, trong nhiệm kỳ này, Chủ tịch Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội đặt yêu cầu này ở mức cao hơn nữa, với những đổi mới cụ thể trong quy trình làm việc để bảo đảm thực hiện hiệu quả nhất.

Ví dụ, trong công tác xây dựng luật, phải đến tháng 10.2021 các dự án luật đầu tiên của Khóa XV mới được trình Quốc hội. Nhưng từ đầu tháng 8, Chủ tịch Quốc hội và hai Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực và phụ trách công tác xây dựng pháp luật đã trực tiếp làm việc với Thường trực từng cơ quan của Quốc hội về từng dự án luật. Tôi nhớ lúc đó Báo Đại biểu Nhân dân bình luận các cuộc làm việc này là “đặc biệt, chưa có tiền lệ”, và đúng như vậy. Vì ở thời điểm đó, hầu hết các dự án luật còn chưa được trình sang các cơ quan của Quốc hội. Cũng có người đặt câu hỏi sao Lãnh đạo Quốc hội “vào cuộc sớm thế”, nhưng thực tế đã cho thấy chính từ các cuộc làm việc từ sớm, từ xa như vậy, chất lượng các dự án luật đã được nâng lên rõ rệt. Có dự án luật từ chỗ cơ quan trình muốn xin lùi thời điểm trình nhưng sau đó dự luật đã được hoàn thiện, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội và được cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động/điều chỉnh đánh giá cao như dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) chẳng hạn.

Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đặc biệt chú trọng việc tham vấn ý kiến chuyên gia, trao đổi, lắng nghe trực tiếp ý kiến của đối tượng chịu sự tác động/điều chỉnh của các dự án luật. Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp chủ trì nhiều cuộc làm việc với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các cuộc tọa đàm chuyên gia và Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tranh thủ các chuyến công tác nước ngoài để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của họ về môi trường đầu tư kinh doanh, những vướng mắc thực tế và mong muốn, yêu cầu sửa đổi…

Thông qua các cuộc làm việc như vậy, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thiết lập một cơ chế mới, đó là, với các dự án luật được xem xét theo quy trình tại hai kỳ họp thì sau khi được Quốc hội cho ý kiến lần đầu và được tiếp thu, chỉnh lý sẽ gửi đến hai cơ quan đại diện cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để lấy ý kiến về những thay đổi, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội lần thứ hai. Đây là cơ chế không có trong quy trình lập pháp nhưng là việc hết sức cần thiết để Quốc hội có thể lắng nghe tối đa ý kiến của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, bảo đảm các dự luật “thấm đẫm hơi thở cuộc sống” và khi ban hành sẽ trở lại phục vụ cuộc sống, thúc đẩy cuộc sống phát triển.

Đặc biệt với việc triển khai thực hiện Kết luận số 19 - KL/TW ngày 14.10.2021 về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và Đề án về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV của Đảng đoàn Quốc hội, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp, bảo đảm dân chủ thực chất và thu hút sự tham gia rộng rãi của Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình xây dựng pháp luật; không bị tác động bởi các quan điểm, tư tưởng lệch lạc; đẩy nhanh tốc độ để sớm xây dựng, hoàn thiện được hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, gắn kết chặt chẽ với tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Tôi tin rằng, hệ thống pháp luật sẽ không chỉ đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống mà còn thúc đẩy, kiến tạo cuộc sống ngày càng phát triển.

- Khép lại một năm đặc biệt trong hoạt động của Quốc hội, ông kỳ vọng điều gì ở năm mới Nhâm Dần 2022?

- 2022 là năm thứ hai chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các kế hoạch trung hạn 5 năm đã được Quốc hội thông qua. Nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội trong năm tới là tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là các nhiệm vụ đã được xác định rõ tại Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 161/2021/QH14 của Quốc hội, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, các Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2022 và các nghị quyết vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất…

Những khó khăn và thử thách ở phía trước vẫn còn nhiều. Điều tôi mong muốn nhất là mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm hành động của Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm” trong mọi công việc, sử dụng hiệu quả các “quyền năng” của Quốc hội trong xây dựng luật, trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật và cả các hoạt động đối ngoại để thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội và tạo đà cho sự phát triển bền vững trong giai đoạn hậu đại dịch.
Những bước đi, sự sáng tạo và những quyết đáp mạnh mẽ của Quốc hội và niềm tin, sự kỳ vọng của Nhân dân dành cho Quốc hội trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV không chỉ là tiếp nối xứng đáng những thành tựu 75 năm của Quốc hội Việt Nam, là khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ mới mà còn là điểm tựa vững chắc để Quốc hội hoàn thành trọng trách của mình.
Tôi tin rằng, Quốc hội ta, đất nước ta sẽ có một năm mới thành công hơn nữa!

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Chi thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khang-dinh-ban-linh-tri-tue-va-nang-luc-doi-moi-cua-quoc-hoi-fkjvwziq6z-78848