Khẳng định dòng chảy văn hóa Việt Nam tại nước ngoài
Với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tháng 5 đi qua với 2 sự kiện đáng lưu ý trong hoạt động văn học nghệ thuật (VHNT).
Đó là đại hội lần thứ 4 (nhiệm kỳ 2024-2028) của Hội VHNT Việt Nam tại Cộng hòa Séc, diễn ra ngày 25/5 và trước đó là sự kiện Đại sứ Đặng Minh Khôi tiếp ông Igor Khalevinsky - Chủ tịch Hiệp hội các nhà ngoại giao Liên bang Nga và nhà văn, nhà thơ Svetlana Savitskaya - người sáng lập Giải thưởng Văn học quốc gia “Cây bút vàng nước Nga”, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Liên bang Nga.
Mối quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam được duy trì và phát triển từ mối quan hệ giữa Tiệp Khắc cũ (nay là Cộng hòa Séc) và Việt Nam (thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/2/1950). Tháng 7/2013, cộng đồng người Séc gốc Việt được Chính phủ Cộng hòa Séc công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 của nước này.
Số người có quốc tịch Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã lên tới 53.110 người (vào năm 2011), trở thành số người ngoại quốc đứng thứ ba ở nước này (chỉ sau Ukraine và Slovakia) và là cộng đồng người gốc Á lớn nhất tại Cộng hòa Séc.
Người Việt Nam đến Tiệp Khắc được ghi nhận lần đầu vào năm 1956 và từ đó đến nay, các thế hệ người Việt sinh ra tại Séc nổi tiếng với thành tích học tập tốt.
Hội VHNT Việt Nam tại Cộng hòa Séc thành lập từ năm 2008 và không ngừng phát triển với nhiều câu lạc bộ, nhóm múa, hát, biểu diễn với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phục vụ lợi ích dân tộc và cộng đồng. Các hoạt động hướng về quê hương đất nước cũng được chú trọng, điển hình như các chương trình hướng về biển đảo, chương trình nghệ thuật “Vì miền Trung thân yêu”.
Từ 2 sự kiện cụ thể diễn ra ở Cộng hòa Séc và Liên bang Nga, cùng nhiều sự kiện quan trọng khác, chúng ta thấy kiều bào ta nói chung, trong đó có cả đội ngũ văn nghệ sĩ, không chỉ nỗ lực làm ăn để ổn định chính cuộc sống của mình khi sinh sống ở nước ngoài mà còn tích cực trong việc góp phần truyền bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Đó là điều rất đáng để chúng ta trân trọng.
Các hoạt động về VHNT nói chung, kể cả ở trong nước cũng như ở các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt phát triển mạnh mẽ từ sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (ngày 16/7/1998) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết này ra đời trong bối cảnh Đảng ta chủ động đổi mới tư duy, lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có văn hóa.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII nhấn mạnh vào 5 quan điểm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; Văn hóa là một mặt trận; xây dựng, phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.
Trong 5 nội dung này thì quan điểm văn hóa là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ, khẳng định mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị và kinh tế.
Kế thừa nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII là nhiều văn kiện quan trọng khác như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Văn kiện Đại hội XII “Về xây dựng, phát triển văn hóa, con người”.
Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội XIII, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng khi khẳng định “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.
Những năm qua, hoạt động VHNT Việt Nam do Nhà nước ta tổ chức ở nước ngoài, hoặc do người Việt Nam ở nước ngoài tiến hành, diễn ra rất sôi động, góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu quốc gia Việt Nam, khẳng định VHNT có vai trò cơ bản trong hoạt động quan hệ quốc tế. Thực tiễn cho thấy những hoạt động như thế không chỉ góp phần duy trì bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng Việt kiều, mà còn khẳng định dòng chảy của văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; mở đường cho sự tiếp xúc, hợp tác đầu tư của nước sở tại vào Việt Nam.