Khẳng định những bước phát triển thực chất của quan hệ hai nước

Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và thăm Nhật Bản, ngày 1-7, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN

Ký kết 6 văn kiện hợp tác

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng nhân dân Nhật Bản nhân sự kiện trọng đại Nhà Vua Naruhito lên ngôi và việc Nhật Bản tổ chức thành công Hội nghị G20 lần này. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá cao vị thế, vai trò và những thành tựu đối ngoại của Việt Nam thời gian qua, cảm ơn những sáng kiến và đóng góp tích cực của đoàn Việt Nam tại Hội nghị G20.

Hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển thực chất của quan hệ giữa hai nước, thể hiện qua việc hai bên vừa ký kết một loạt các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, tài chính ngay trước hội đàm cấp cao Việt Nam - Nhật Bản.

Trước hội đàm cấp cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chứng kiến lễ ký kết, trao đổi 6 văn kiện, bao gồm: Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Nhật Bản về chuyển giao người bị kết án phạt tù; Công hàm trao đổi giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản liên quan đến khoản viện trợ không hoàn lại cho Dự án học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS); Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Văn phòng Chính sách y tế thuộc Ban thư ký Nội các Chính phủ Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản và Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình “Lao động kỹ năng đặc định”; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Viện Công nghệ Quốc gia KOSEN Nhật Bản về việc tiếp tục các hoạt động hợp tác nhằm hướng tới mô hình đào tạo KOSEN tại Việt Nam; Hợp đồng vay vốn tài trợ các dự án năng lượng tái tạo giữa Vietcombank và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ trao chứng nhận đầu tư giữa các công ty Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ trao chứng nhận đầu tư giữa các công ty Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án ODA

Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai Thủ tướng hoan nghênh việc hai bên đã thống nhất về các thủ tục để cho phép nhập khẩu vải của Việt Nam và táo của Nhật Bản. Phía Việt Nam đề nghị Nhật Bản xem xét sớm cho phép nhập khẩu đối với quả nhãn, vú sữa, chanh leo của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Phía Nhật Bản đề nghị ta cho phép nhập khẩu cam của Nhật Bản.

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các dự án hợp tác ODA của Nhật Bản tại Việt Nam, thúc đẩy hợp tác theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi hơn nữa.

Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, đối phó với biến đổi khí hậu...

Thủ tướng Shinzo Abe chúc mừng Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao; hai bên nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN, khu vực sông Mekong với Nhật Bản trong bối cảnh Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN năm 2020. Hai bên nhất trí phối hợp để thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hợp tác thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Trước đó, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, được tổ chức tại thủ đô Tokyo sáng 1-7 với sự tham dự của đại diện khoảng 1.200 doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức hai nước đã cùng chứng kiến lễ trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, may mặc, công nghệ cao, năng lượng, hàng không, vận tải, logistics, xuất khẩu lao động, giáo dục, chăm sóc sức khỏe với tổng giá trị lên đến hơn 8 tỷ USD.

Trong khuôn khổ chương trình thăm Nhật Bản, ngày 1-7, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, tọa đàm với lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn hàng đầu Nhật Bản trong các lĩnh vực tài chính, năng lượng, xây dựng, công nghiệp chế tạo máy, logistics, công nghệ cao…Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam khuyến khích các dự án đầu tư chất lượng cao của các nhà đầu tư Nhật Bản và sẽ tổ chức các buổi đối thoại thường xuyên với nhà đầu tư Nhật Bản để tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư, sản xuất kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đề xuất một số vấn đề trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, phát triển năng lượng điện bảo vệ môi trường, phát triển hạ tầng cảng biển và giao thông kết nối, vấn đề thuế, hải quan, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, làm thêm giờ của người lao động...

Các nhà đầu tư Nhật Bản bày tỏ quan tâm đến các lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam trong ngành công nghiệp ôtô; mong muốn phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam chú trọng hơn nữa đến việc đào tạo kỹ sư thiết kế, bảo trì để cung cấp cho các doanh nghiệp FDI. Cùng với đó là cải thiện môi trường trong ngành sản xuất và chế tạo.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khang-dinh-nhung-buoc-phat-trien-thuc-chat-cua-quan-he-hai-nuoc-602390.html