Khẳng định sức hút, tầm vóc, sân chơi bổ ích

Cùng với kỳ vọng, thông điệp qua những tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống, yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đại diện nhóm tác giả các tác phẩm đoạt Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (giải Diên Hồng) lần thứ 3 đều chung cảm nhận về sức hút, uy tín, tầm vóc của Giải. Đồng thời khẳng định, đây thực sự là sân chơi bổ ích, môi trường cọ xát để các nhà báo thực hiện những đề tài liên quan đến Quốc hội, HĐND các cấp trao đổi, học hỏi và trưởng thành hơn với nghề.

Nhà báo Trần Chí Tuấn, đại diện nhóm tác giả tác phẩm đoạt giải A: Nghĩ cho dân, nghị quyết sẽ không nằm trên giấy", Báo Đại biểu Nhân dân: Quyết sách “chưa từng có tiền lệ”

Về đề tài, đây là câu chuyện của đổi mới tư duy mạnh mẽ, quyết đoán, luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái; xuất phát từ thực tiễn Yên Bái là tỉnh miền núi còn nghèo, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ, biến đổi khí hậu. Qua nhiều nhiệm kỳ nối tiếp nhau, Tỉnh ủy, HĐND luôn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân? Yên Bái đã bắt đầu bằng khâu đột phá về cơ chế, chính sách.

Theo đó, hơn 300 nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt có những nghị quyết được ban hành “chưa từng có tiền lệ”, trong điều kiện “nước sôi lửa bỏng”. Những cuộc họp không kể ngày giờ với bữa cơm vội vàng ngay trên bàn họp (trong đại dịch Covid-19) và mới đây là các nghị quyết “khẩn cấp” hỗ trợ người dân sau bão số 3 (Yagi). Đó là minh chứng cụ thể quyết sách ra đời từ thực tiễn. Đồng thời, cũng là minh chứng cụ thể của đổi mới phương thức hoạt động, khẳng định vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Qua đó cho thấy tinh thần “đổi mới, thực chất, hiệu quả” từ Quốc hội được lan tỏa đến HĐND các cấp địa phương cả nước.

Đặc biệt, đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong kỷ nguyên mới, xây dựng chính sách, pháp luật: bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam, địa phương để xây dựng các quy định pháp luật kịp thời, phù hợp và hiệu quả. Đồng thời, tác phẩm khẳng định “Cán bộ có tâm, người dân hạnh phúc” - sự hài lòng và hạnh phúc của người dân đối với cuộc sống của chính họ là thước đo hoạt động của cấp ủy, chính quyền. “Biến khó khăn thành thuận lợi”, “biến thách thức thành thời cơ”, thực hiện theo đúng tinh thần “nghĩ thật - nói thật - làm thật - hiệu quả thật - để Nhân dân được hưởng thành quả thật”.

Vì dân mà làm, nghĩ cho dân, nghị quyết chắc chắn sẽ không nằm trên giấy.

Nhà báo Vũ Văn Huân, đại diện nhóm tác giả tác phẩm đoạt giải A: Quốc hội cần đứng trên "mảnh đất thực tiễn Việt Nam" trong công cuộc cải cách thể chế, Tạp chí Cộng sản: Diên Hồng, đồng lòng cải cách thể chế

Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh “Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và bước tiến đáng kể trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, vẫn có ba điểm nghẽn lớn, trong đó “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn” cần phải được giải quyết kịp thời”. Việc cải cách thể chế trước hết phải gắn liền với cải cách chức năng lập pháp của Quốc hội, tháo gỡ “nút thắt”, là bước tạo đà cho kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam. Muốn cải cách đúng hướng, Quốc hội cần phải đứng trên mảnh đất thực tiễn đang có của đất nước để xây dựng pháp luật, hướng đến tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.

Một đạo luật có chất lượng cao, thể hiện tinh thần lập pháp tiên tiến, phù hợp với thực tiễn là một thành tựu đáng mừng. Tuy nhiên, nếu Quốc hội chỉ dừng lại ở đó thì chưa phát huy hết vai trò chức năng của mình, chức năng giám sát tối cao cần phải được sử dụng triệt để. Bên cạnh đó, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh là phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh đổi mới quá trình lập pháp và tăng cường thực hiện chức năng của Quốc hội trong công cuộc cải cách thể chế.

Tại phòng họp Diên Hồng, bao nhiêu đạo luật, quyết sách được thông qua, quyền và chức năng của Quốc hội được thực hiện, tác động đến đời sống của nhân dân, xây dựng và phát triển đất nước qua nhiều thách thức. Qua đó, nhắc chúng ta về tinh thần của Hội nghị Diên Hồng lịch sử, tại đó, tinh thần dân tộc và khí thế đồng lòng được đề cao. Diên Hồng không chỉ là một cái tên, một địa điểm, nó chính là tinh thần, là khí thế, là dấu ấn, là nơi làm nên lịch sử của dân tộc.

Nhà báo Nguyễn Văn Toản, đại diện nhóm tác giả tác phẩm đoạt giải B: “Đổi mới tư duy lập pháp - “Cánh cửa” để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình”, Báo Nhân Dân: Minh chứng cho sức hút, uy tín và tầm vóc của gỉai

Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (giải Diên Hồng) lần thứ 3 năm 2025 được tổ chức sau 2 lần thành công trước đó. Giải đã thu hút được hàng nghìn tác phẩm tham gia ở khắp các bộ, ngành, địa phương; đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí trong toàn quốc. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho sức hút, uy tín và tầm vóc của Giải. Tham gia mùa giải thứ 3 năm nay, nhóm phóng viên Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân thực hiện chuyên đề: “Đổi mới tư duy lập pháp - “Cánh cửa” để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình”, gồm loạt 3 bài.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần khẳng định, đất nước ta đang đứng trước cơ hội lớn bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã khẳng định, để tạo thế và lực đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên như vậy, hơn bao giờ hết, vấn đề thể chế, trong đó công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật được coi là “trọng tâm” của “trọng tâm”. Vì vậy, theo chúng tôi, “đổi mới tư duy lập pháp” chính là “cánh cửa”, là “chìa khóa”, là “mấu chốt” để giải quyết vấn đề này.

Loạt bài phân tích thực trạng, nguyên nhân, từ đó đề xuất một số giải pháp góp phần tích cực trong tuyên truyền tư tưởng, đường lối của Đảng về công tác lập pháp; sự tích cực, chủ động của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội; các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong nhiệm vụ lập pháp, nhất là trong Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV vừa qua. Quá trình thực hiện, nhóm tác giả đã phỏng vấn nhiều chuyên gia, nhiều đại biểu Quốc hội để giúp tác phẩm có góc nhìn đa chiều và sâu sắc hơn, minh họa sống động cho các luận điểm được đưa ra.

Nhà báo Nguyễn Phúc Lập, đại diện nhóm tác giả tác phẩm đoạt giải C: “Xử lý rác thải nông thôn: Từ Nghị quyết đến thực tiễn”, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng: Sân chơi bổ ích, học hỏi và trưởng thành hơn với nghề

Hải Phòng là một trong 18 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và cũng là một trong những tỉnh, thành phố dành nguồn lực lớn từ ngân sách cho chương trình quan trọng này. Sau khi hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM vào cuối năm 2019, TP. Hải Phòng đã bắt tay xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020 - 2025; tuy nhiên, tiêu chí số 17 về môi trường vẫn là tiêu chí nhiều địa phương trên địa bàn thành phố còn “mắc nợ”.

Trước thực tế này, những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng đã liên tục có nghị quyết chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc để “gỡ khó” tiêu chí về môi trường, đặc biệt trước yêu cầu triển khai đồng bộ thực hiện Luật Môi trường 2020 về “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn” trên toàn thành phố từ ngày 1.1.2025. Từ đây, nhiều mô hình hay, cách làm mới được triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực. Hải Phòng trở thành địa phương tiêu biểu trong thực hiện xử lý rác thải nông thôn, được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao, nhiều địa phương trong cả nước về tham quan, học hỏi.

Đài Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng đã thực hiện hàng loạt chương trình xung quanh nội dung này ở nhiều thể loại và loại hình báo chí khác nhau, góp phần làm chuyển biến, nâng cao nhận thức của lãnh đạo các địa phương cũng như người dân, doanh nghiệp trong xử lý rác thải tại khu vực nông thôn.

Đến nay, sau 3 năm Giải Diên Hồng được tổ chức, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng liên tục lựa chọn những tác phẩm báo chí có chất lượng tham gia giải và đều có tác phẩm vào vòng chung khảo. Đây thực sự là sân chơi bổ ích, là môi trường cọ xát để các nhà báo thực hiện những đề tài liên quan đến Quốc hội, HĐND các cấp trao đổi, học hỏi và trưởng thành hơn với nghề. Cùng với đó, thông qua các tác phẩm báo chí của các tác giả, nhóm tác giả đến từ các tỉnh, thành trên cả nước, những bất cập, hạn chế trong triển khai nội dung các chính sách, nghị quyết được phản ánh kịp thời để các cấp, ngành cùng tìm giải pháp tháo gỡ; nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được biểu dương kịp thời nhân rộng ra cả nước, để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi địa phương và đất nước.

BẢO PHƯƠNG thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khang-dinh-suc-hut-tam-voc-san-choi-bo-ich-post401197.html