Khẳng định tài năng quân sự kiệt xuất và những giá trị cần bảo tồn, phát huy

Sáng 11-9, tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với Báo Quân đội nhân dân và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Danh nhân Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch'. Hội thảo diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 1448 năm ngày mất của Triệu Quang Phục (còn gọi là Dạ Trạch Vương và Triệu Việt Vương).

Dự hội thảo có các đồng chí: Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên; cùng hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ nhiều học viện, nhà trường, viện nghiên cứu; các tướng lĩnh trong quân đội và công an; đại biểu các tỉnh, thành phố có di sản liên quan đến danh nhân Triệu Việt Vương.

Chủ trì hội thảo là các đồng chí: Nguyễn Văn Phóng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; GS, TS, Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân.

Sau gần một ngày làm việc, trên cơ sở những luận cứ, kiến giải khoa học, nghiên cứu làm rõ cuộc đời, sự nghiệp và công lao của danh nhân Triệu Việt Vương, các nhà khoa học đã gợi ý những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản có liên quan tới danh nhân Triệu Việt Vương ở Hưng Yên cũng như tại các địa phương khác.

 Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: PHẠM HƯNG

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: PHẠM HƯNG

Một tài năng quân sự kiệt xuất

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn khẳng định, Triệu Việt Vương là nhân vật lịch sử có vị trí đặc biệt quan trọng trong diễn trình lịch sử Việt Nam nói chung và của tỉnh Hưng Yên nói riêng. Tuy nhiên đến nay, những thông tin và nguồn tư liệu về ông là những ghi chép còn khá sơ giản. Trong giới nghiên cứu vẫn có những quan điểm chưa thống nhất với các kiến giải khác nhau về một số vấn đề có liên quan tới Triệu Việt Vương. Tại hội thảo khoa học lần này, Ban tổ chức đã nhận được nhiều tham luận có giá trị, góp phần làm rõ những tồn nghi.

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được gần 30 tham luận, tập trung phân tích 3 nội dung cơ bản: Một là, giới thiệu thân thế, sự nghiệp của danh nhân Triệu Việt Vương, trong đó làm rõ công lao của ông trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương và củng cố, phát triển Nhà nước Vạn Xuân; hai là, tôn vinh tài năng quân sự của Triệu Việt Vương với trọng tâm là việc ông đã lựa chọn căn cứ Dạ Trạch để tiến hành cuộc kháng chiến; ba là, khẳng định giá trị của Khu di tích Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch trong thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Sử cũ ghi, Triệu Quang Phục là con của danh tướng Triệu Túc, tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, lập nên nước Vạn Xuân năm 544. Khi quân Lương trở lại xâm lược, cuối năm 546 tại động Khuất Lão, Triệu Quang Phục được vua Lý Nam Đế giao quyền chỉ huy cuộc kháng chiến. Mặc dù còn có nhiều kiến giải khác nhau trong việc xác định địa danh huyện Chu Diên-quê hương của danh nhân Triệu Việt Vương, nhưng tại hội thảo, tất cả các tham luận đều thống nhất quan điểm, sau khi xưng vương, Triệu Quang Phục đã chọn Dạ Trạch làm nơi đặt đại bản doanh và phát triển cuộc chiến tranh du kích của mình.

Theo GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc, việc Triệu Quang Phục xưng vương và lãnh đạo cuộc kháng chiến đã làm thay đổi cục diện chiến tranh và giành lại quyền làm chủ đất nước. Một cuộc “bàn giao thế hệ”, một cuộc “chia tay” đúng lúc, cần thiết và đặc biệt có ý nghĩa. Triệu Việt Vương không chỉ giữ vững căn cứ Dạ Trạch mà còn liên tục tập kích các doanh trại và các cuộc hành binh của quân Lương, mở rộng phạm vi kiểm soát ra các vùng xung quanh. Trong vòng 8 năm, tính từ đầu năm 542 cho đến đầu năm 550, Nhà nước Vạn Xuân trải qua những năm tháng gian nan nhất, có lúc tưởng như đã bị diệt vong, lại được hồi sinh và vươn lên với sức mạnh lạ kỳ, giành lại nền độc lập, tiếp tục xây dựng và phát triển.

Còn PGS, TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó viện trưởng Viện Sử học, với những nghiên cứu của mình đã khẳng định Triệu Việt Vương là người kế tục xứng đáng Lý Nam Đế. Cơ đồ tuy ngắn ngủi nhưng lịch sử đã ghi nhận những cống hiến vô cùng to lớn của Triệu Việt Vương trong tiến trình phục hưng đất nước, khôi phục lại phẩm giá cao quý của dân tộc Việt Nam trước sự cai trị nô dịch của ngoại bang.

Nói về vùng đất Dạ Trạch, hầu hết các tham luận đều dẫn nguồn từ Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Điện u linh…, cho thấy thời điểm đó Triệu Quang Phục đóng quân ở trên bãi đất nổi đã tạo nên bước ngoặt lịch sử của cuộc kháng chiến chống quân Lương. Nơi đây, ban ngày im hơi lặng tiếng như không có người, ban đêm nghĩa quân dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh úp trại giặc; giết và bắt được rất nhiều giặc, lấy được lương thực, khí giới của giặc để làm kế lâu dài...

Sử dụng kế “trì cửu chiến”, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, đánh tiêu hao là chính, qua gần 4 năm giữ đất hiểm (dựa vào đầm Dạ Trạch) đánh du kích (dùng kỳ binh) để đánh giặc Lương, lực lượng kháng chiến của Triệu Quang Phục ngày một mạnh, quân Lương ngày một suy yếu, mỏi mệt; chiến lược “tốc quyết” (đánh nhanh thắng nhanh) của quân Lương bị đập tan. Còn quân của Triệu Quang Phục, với sở trường giỏi bơi thuyền, đánh thủy, lại thông thuộc đường đi, nên chỉ bằng những lực lượng nhỏ được phân ra đánh chặn các ngả cũng có thể bẻ gãy các mũi tiến công của giặc, hoặc gặp khi tình thế bất lợi có thể nhanh chóng rút lui an toàn vào sâu căn cứ, khiến quân giặc không sao truy tìm được. “Với kế sách đó, lực lượng kháng chiến của nước Vạn Xuân đã nhanh chóng chuyển từ cách đánh thụ động chờ đón đánh địch sang chủ động tổ chức tiến công bằng nhiều trận có quy mô nhỏ, nhưng rất lợi hại. Có lẽ cũng vì thế mà Triệu Quang Phục được quân sĩ và nhân dân gọi là “Dạ Trạch Vương” (vua Đầm đêm)”-Trung tướng, PGS, TS Đỗ Viết Toản, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 phát biểu.

Hội thảo thống nhất khẳng định, tài năng và nghệ thuật quân sự của Triệu Việt Vương thể hiện ở sự chủ động chuyển hướng chiến lược, thay đổi phương thức tác chiến kịp thời, hiệu quả; giữ đất hiểm, vận dụng cách đánh du kích, tiêu hao địch, từng bước xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến; nắm thời cơ, chủ động tổ chức phản công lớn quét sạch quân thù khỏi đất nước. Đây là những bài học lịch sử có ý nghĩa to lớn, sâu sắc và là đóng góp lý luận quan trọng của Triệu Việt Vương trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Tiếp tục bảo tồn, tôn vinh địa danh và nhân vật lịch sử

Thời gian hoạt động trên các địa bàn căn cứ Dạ Trạch khoảng 4 năm, Triệu Quang Phục và nghĩa quân đã đặt chân đến nhiều vùng đất phụ cận. Vì vậy, những địa điểm di tích liên quan tới cuộc kháng chiến do Triệu Việt Vương lãnh đạo và việc bảo tồn, phát huy giá trị của những di tích này là vấn đề được đề cập trong nhiều tham luận tại hội thảo. GS, TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) khẳng định và dẫn luận nhiều căn cứ thực tiễn hiện trạng phụng thờ Triệu Quang Phục như một di sản văn hóa truyền thống và xu hướng tái tạo trong đương đại. Đồng thời ông cũng đề xuất một số phương án khai thác và phát huy giá trị tín ngưỡng phụng thờ, phục dựng lễ hội tri ân Triệu Việt Vương.

Theo ông Đoàn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên, trên cả nước nhiều địa phương đã xây dựng các di tích thờ, tôn Triệu Việt Vương làm Thành hoàng. Riêng tỉnh Hưng Yên có 10 địa phương có di tích. Tại những di tích này còn lưu giữ được thần tích ghi chép về cuộc đời, sự nghiệp, công lao to lớn của Triệu Việt Vương. Nhờ nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý và chuyên môn, hệ thống di tích thờ Triệu Việt Vương đã được tu bổ, tôn tạo, tránh tình trạng xuống cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ, lưu giữ, bảo quản các di vật, cổ vật quý trong di tích, trong đó có nguồn di sản Hán-Nôm.

Mới đây, Di tích đền thờ Triệu Việt Vương đã được phục dựng với quy mô lớn tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, nơi đền thờ Triệu Việt Vương trước đây đã bị thực dân Pháp tàn phá. Điều này cho thấy sự quan tâm của tỉnh Hưng Yên đối với lĩnh vực văn hóa, đồng thời thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với người anh hùng dân tộc Triệu Việt Vương đã có đóng góp quan trọng trong lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử tỉnh Hưng Yên nói riêng. “Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là sau khi hoàn thành việc phục dựng di tích, chúng ta phải tiến hành phục dựng lễ hội nhằm phát huy tốt giá trị của di tích. Đây là vấn đề rất khó khăn và phức tạp bởi không chỉ dựa vào căn cứ thực tiễn của hiện trạng phụng thờ Triệu Quang Phục như một di sản văn hóa truyền thống mà còn phải giải quyết tốt mối quan hệ với xu hướng tái tạo trong đời sống văn hóa đương đại”-TS Hoàng Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học, Tổng biên tập Tạp chí Nhịp cầu Tri thức đặt vấn đề.

Tiếp thu ý kiến đó, đồng chí Nguyễn Văn Phóng trong phát biểu của mình đã khẳng định, việc phục dựng đền thờ Triệu Việt Vương được tỉnh thực hiện bài bản, nghiêm túc trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn. Tới đây, như đề xuất của các nhà khoa học nêu trong hội thảo, tỉnh sẽ nghiên cứu để đồng thời phục dựng lễ hội, nghiên cứu hệ thống và tái hiện các trò chơi dân gian, các sinh hoạt văn nghệ-diễn xướng dân gian, các hình thức sáng tạo ẩm thực mang đặc trưng truyền thống riêng của địa phương. Từ đó, xây dựng lễ hội hướng đến phạm vi và cấp độ xứng tầm với vai trò, công lao của Triệu Việt Vương trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, bảo đảm khắc họa được diện mạo mang dấu ấn chung của diễn trình truyền thống trong khu vực gắn với danh nhân Triệu Việt Vương. Đồng thời thể hiện rõ bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, tri ân Triệu Việt Vương tại không gian văn hóa đã và đang có sự hiện diện của Đức Thánh Chử Đồng Tử-một trong Tứ bất tử của thần điện người Việt.

Gần 15 thế kỷ đã trôi qua, cảnh quan căn cứ Dạ Trạch của Triệu Việt Vương đã biến đổi. Nhưng truyền thống đặc biệt của vùng đất và con người nơi đây càng về sau càng được đắp bồi dày thêm bởi những cố gắng không biết mệt mỏi của các thế hệ người dân xứ Dạ Trạch. Lắng nghe kỹ lưỡng các tham luận trình bày tại hội thảo, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân chia sẻ: "Là một người con Hưng Yên sinh sống tại Hà Nội, nhiều lần đi trên con phố mang tên Triệu Việt Vương, hôm nay được nghe những thông tin do các nhà khoa học cung cấp, tôi càng hiểu rõ hơn về danh nhân Triệu Việt Vương, về mảnh đất Dạ Trạch. Tự hào về đất và người Hưng Yên, chúng ta càng cần phải bảo tồn, phát huy những giá trị di sản đang có”...

BÍCH TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/khang-dinh-tai-nang-quan-su-kiet-xuat-va-nhung-gia-tri-can-bao-ton-phat-huy-590886