Khẳng định tài năng, trách nhiệm của các nhà khoa học quân đội

Sáng 5-3, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Họp báo công bố đưa bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV) vào sử dụng.

Đây là sản phẩm thuộc Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)” do Thượng tá, PGS, TS Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (YDHQS), Học viện Quân y (HVQY) làm chủ nhiệm, cùng nhóm nghiên cứu của viện. Đề tài đã được nghiệm thu cấp Nhà nước và được Bộ Y tế cấp phép đưa vào sản xuất, phục vụ công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19.

"Ăn, ngủ cùng virus” tại phòng làm việc

Kể từ ngày 7-2, khi được Bộ KH&CN giao nhiệm vụ thực hiện đề tài với thời hạn hai tuần phải ra được sản phẩm đầu tiên, sau một tháng có sản phẩm hoàn thiện, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt tiến độ 3 ngày. Đọc tin nhắn, tôi cảm nhận được sự vui mừng của Thượng tá, PGS, TS Hồ Anh Sơn và đồng nghiệp của anh khi gặt hái được kết quả sau những ngày đêm miệt mài trong phòng thí nghiệm. PGS, TS Hồ Anh Sơn đã thực hiện không ít đề tài lớn nhỏ trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, nhưng đề tài chế tạo bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2 lần này phải thực hiện với thời gian gấp, trong bối cảnh đặc biệt khi cả nước và thế giới đều đang căng thẳng PCD mang đến cho anh những cảm xúc vô vùng đặc biệt.

 Thượng tá, PGS, TS Hồ Anh Sơn và Thiếu tá, TS Hoàng Xuân Sử kiểm tra, đánh giá độ nhạy của xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Thượng tá, PGS, TS Hồ Anh Sơn và Thiếu tá, TS Hoàng Xuân Sử kiểm tra, đánh giá độ nhạy của xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Anh Sơn kể: "Ngày 10-1, thế giới bắt đầu biết đến thông tin về một căn bệnh lạ xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc). Sau đó 3 ngày, Trung Quốc tìm ra và công bố với thế giới về loại virus gây bệnh này. Trên cơ sở đó, tất cả nhóm nghiên cứu trên thế giới đều tập trung tìm phương pháp chẩn đoán, phát hiện bệnh và tìm cách phân loại virus trong môi trường nuôi cấy. Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu YDHQS cũng bắt tay vào xây dựng kế hoạch nghiên cứu đề tài. Đầu tiên là liên hệ với đối tác tại Bệnh viện Charite (Berlin, Đức) để có thông tin di truyền, phương tiện xác định 2019-nCoV. Đến khi được Bộ KH&CN giao nhiệm vụ chính thức thực hiện đề tài vào ngày 7-2, trong vòng một tháng, cả nhóm nghiên cứu đã "ăn, ngủ cùng virus”, không kể ngày đêm, miệt mài với những nghiên cứu, thử nghiệm. Chúng tôi đã làm việc với tinh thần "chống dịch như chống giặc", chạy đua với thời gian để có sản phẩm góp phần PCD Covid-19. Hiện nay, các bộ kit trong nước và trên thế giới được sản xuất theo quy trình cơ bản giống nhau, trên bao bì đều được ghi chú “phục vụ cho mục đích nghiên cứu”, tức là mới đang thử nghiệm chứ chưa dùng vào thực tế. Như vậy, đề tài của chúng tôi so với các đề tài khác chính là sự đua tranh về thời gian để có thể đưa vào chẩn đoán chính xác bệnh, phục vụ quá trình phát hiện và điều trị bệnh. Sự đua tranh này không phải để giành vị trí đi đầu hay “lấy tiếng” mà mục đích là sớm phục vụ nhân dân, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng”.

“Cố thủ”, ăn Tết bằng cơm hộp

Theo Thiếu tướng Phạm Đức Thọ, Phó chính ủy HVQY: Ngay từ khi có dịch Covid-19, HVQY đã ra quyết định thành lập 5 tổ thực hiện công tác PCD, phân công theo từng nhiệm vụ, như: Tổ thư ký; tổ truyền thông; tổ nghiên cứu; tổ điều trị; tổ PCD. Trong đó, tổ nghiên cứu do GS, TS Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc HVQY làm tổ trưởng. Nhóm nghiên cứu kit của Viện Nghiên cứu YDHQS là hạt nhân của tổ nghiên cứu. Nhóm này lại chia ra các nhóm nhỏ: Nhóm thực hiện nhiệm vụ chính là nghiên cứu đề tài, làm ra bộ kit theo chu trình sản xuất, hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ; nhóm phát triển kit có độ nhạy cao hơn, phát hiện ra virus ở những người lành mang trùng, người mang virus nhưng không có biểu hiện ra bên ngoài, hoặc người có lượng virus thấp mà những xét nghiệm thông thường không phát hiện được; nhóm đi sâu phân tích những thông tin di truyền của virus; nhóm đánh giá tác dụng điều trị của các bài thuốc trên mô hình động vật thực nghiệm bị viêm phổi...

Hôm chúng tôi đến Viện Nghiên cứu YDHQS, Thượng tá, PGS, TS Hồ Anh Sơn chỉ vào hộp cơm để ở góc phòng làm việc, phân trần: "Cả cái Tết vừa qua và trong suốt thời gian thực hiện đề tài, ngày nào chúng tôi cũng ăn cơm hộp cho nhanh để còn dành thời gian làm việc. Bất kể là thứ bảy hay chủ nhật, đêm hay ngày, chúng tôi gần như “cấm trại”, “cố thủ” tại phòng, tập trung cao độ vào công việc vì nhiệm vụ đòi hỏi thời gian gấp gáp. Nhiều đêm, chúng tôi làm việc đến 2-3 giờ sáng để hoàn thành chẩn đoán các mẫu bệnh phẩm và kịp thông báo kết quả cho bệnh viện".

Đánh giá về kết quả nghiên cứu, Thiếu tá, TS Hoàng Xuân Sử, Trưởng phòng Vi sinh và các mầm bệnh sinh học, Viện Nghiên cứu YDHQS, Trưởng nhóm nghiên cứu khẳng định: “Chúng tôi rất tự tin vào sản phẩm của mình. Đã có nhiều nước đưa ra các bộ kit, như: Mỹ, Anh, Đức, Singapore, Pháp... nhưng đến thời điểm này thì chưa có “trọng tài” nào đứng ra đánh giá bộ kit nào tốt hơn, nhạy hơn. Riêng bộ kit của chúng tôi sau khi hoàn thiện quy trình chế tạo, tối ưu trong điều kiện phòng thí nghiệm; tối ưu trong điều kiện sản xuất; chế tạo 6 phiên bản của bộ kit chẩn đoán SARS-CoV-2; qua đánh giá thẩm định 3 phiên bản tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đều đạt yêu cầu chẩn đoán: Ngưỡng phát hiện 5 copy/phản ứng; độ đặc hiệu 100%; phát hiện chính xác 100% các mẫu bệnh phẩm lâm sàng”.

Cũng theo Thiếu tá, TS Hoàng Xuân Sử, bộ kit của các nước gồm những phản ứng riêng biệt, còn bộ kit của nhóm nghiên cứu thì tất cả được tích hợp vào một phản ứng multiplex thuận lợi hơn trong thao tác, hạn chế sai sót, rút ngắn thời gian (thời gian phát hiện được tối ưu hóa chỉ hơn một giờ đồng hồ), cùng một lần chạy được 96 mẫu (so với bộ kit của CDC Hoa Kỳ là 24 mẫu). Đặc biệt, bộ kit có độ ổn định trên các hệ thống máy Real-time khác nhau, ứng dụng được tại nhiều địa bàn trên cả nước có hệ thống máy không cùng chủng loại.

"Để đạt những kết quả này, nhóm nghiên cứu đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của hệ thống hỗ trợ, như: Ban chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19; Bộ KH&CN; Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật; Văn phòng Các chương trình trọng điểm quốc gia; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Nghiên cứu hệ gen; Bộ Quốc phòng; Cục Quân y; Ban giám đốc HVQY; Bệnh viện Quân y 103; các phòng, ban chức năng... và nhiều cộng sự cùng thầm lặng cống hiến. Đặc biệt, đối tác là Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á đã cùng tham gia nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và ngay lập tức bắt tay vào sản xuất để có sản phẩm chống dịch Covid-19 đúng theo tiến độ", Thượng tá, PGS, TS Hồ Anh Sơn bày tỏ tại buổi họp báo của Bộ KH&CN ra mắt sản phẩm bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện 2019-nCoV vào sáng 5-3.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN - ĐỨC THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/khang-dinh-tai-nang-trach-nhiem-cua-cac-nha-khoa-hoc-quan-doi-611570