Khẳng định thương hiệu gạo Nam Định

Nằm ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ, thuộc khu vực hạ lưu của sông Hồng và sông Đáy màu mỡ phù sa; người dân có trình độ thâm canh cao… là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta trở thành một trong những vựa lúa của miền Bắc. Không những thế, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức sản xuất lúa gạo theo quy trình công nghệ tiên tiến cho ra dòng sản phẩm gạo ngon... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Nằm ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ, thuộc khu vực hạ lưu của sông Hồng và sông Đáy màu mỡ phù sa; người dân có trình độ thâm canh cao… là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta trở thành một trong những vựa lúa của miền Bắc. Không những thế, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức sản xuất lúa gạo theo quy trình công nghệ tiên tiến cho ra dòng sản phẩm gạo ngon, chất lượng cao, chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng trong nước, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, khẳng định vị thế là một trong 5 loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao theo đúng định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Nông dân xã Tam Thanh (Vụ Bản) kiểm tra lúa BT7 trồng theo hợp đồng liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân.

Từ xa xưa, nói đến gạo Nam Ðịnh, người tiêu dùng cả nước không thể không nhắc đến đặc sản tám xoan Hải Hậu với hạt gạo thon dài, màu xanh non, nấu lên có mùi thơm đặc trưng, mềm, dẻo. Sau một thời gian dài canh tác, do nhiều nguyên nhân, giống lúa tám xoan Hải Hậu bị thoái hóa giảm chất lượng. Từ năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải An (Hải Hậu) đã triển khai thực hiện phục tráng giống lúa truyền thống xây dựng quy trình canh tác, sơ chế, bảo quản gạo tám xoan theo tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ. Theo đó, 30ha chuyên canh lúa tám xoan được khoanh vùng ngăn cách với khu vực cấy các giống khác bằng “hàng rào” tự nhiên: cây điền thanh, chuối nhằm ngăn việc phát tán, xâm lấn phấn của các giống khác khi lúa thụ phấn cũng như phát tán, nhiễm thuốc bảo vệ thực vật ở các cánh đồng xung quanh. Ðất ruộng được cải tạo bằng phân xanh ủ các loại ốc bươu vàng, cá tạp, cây chùm ngây, điền thanh, lá chuối tiêu, vôi bột trong 4-5 tháng để bón cho lúa phát triển và bổ sung mùn, cải tạo đất. “Thuốc” trừ sâu cũng được các thành viên HTX tự chế từ những thành phần có nguồn gốc sinh học như: vôi bột, giấm, cơm mẻ, ớt, tỏi, chuối chín, đường vàng… ngâm ủ, phun vào thời điểm lúa đẻ nhánh, lúa phát dục. Ðặc biệt, việc thu hoạch, sơ chế tuân thủ theo đúng quy trình gặt non khi hạt thóc vừa đặc sữa (lúa chín được 8 phần chứ không chín đẫy) mới cho cơm dẻo săn, giòn ngọt, thơm lựng, sản phẩm gạo tám xoan Hải Hậu đã lấy lại được hương vị tám xưa. Cùng với tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ, HTX còn được tỉnh, huyện và các sở, ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận mua với giá bán lẻ tới 105 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần các loại gạo đặc sản khác và khoảng 7-8 lần so với sản phẩm gạo đại trà trên thị trường. Còn tại HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đã ứng dụng khoa học kỹ thuật khôi phục giống lúa nếp cổ bản địa “Nếp Nhung lùn” và xây dựng thành công thương hiệu “Gạo Nếp bắc Nghĩa Bình”. “Nếp Nhung lùn” là giống lúa quý trong tốp 10 sản phẩm gạo nếp trên toàn quốc với chất lượng gạo ngon, hạt to, tròn, mập, màu trắng đục. Gạo tỏa mùi thơm ngay từ khi bén nhiệt, khi nấu thành xôi trở nên căng bóng, dẻo thơm, vị ngọt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau khi phục tráng thành công giống lúa bản địa và hoàn thiện quy trình canh tác, HTX yêu cầu các hộ dân cam kết tổ chức sản xuất theo phương thức hữu cơ trên tổng diện tích 37ha. Giá bán sản phẩm cao hơn lúa đại trà từ 4-5 lần, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Hiện tại HTX đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Gạo Nếp bắc Nghĩa Bình nhằm tiếp tục nâng cao giá trị, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường lúa đặc sản.

Sản phẩm gạo tám xoan của hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải An (Hải Hậu) trưng bày tại Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2020.

Theo cơ quan chuyên môn, sản phẩm gạo của tỉnh đang phát triển nhanh cả quy trình sản xuất, chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 10 nhãn hiệu gạo đã được đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao chứng nhận. Ðây cũng là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh. Ngoài các loại gạo đặc sản truyền thống là tám xoan Hải Hậu, Nếp bắc Quần Liêu, Tám non Xuân Trường, Dự Hương Nam Mỹ, thương hiệu gạo Nam Ðịnh còn được khẳng định trên thị trường bởi sản phẩm gạo sạch mang các thương hiệu Toản Xuân (Công ty TNHH Toản Xuân); “Gạo sạch Bốn Thuận” (HTX Bốn Thuận); gạo Sen (Công ty TNHH Ðình Mộc); gạo thảo dược hữu cơ của HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường (Vụ Bản), HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình và nông trại Toán Lý, thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh)... Trong đó, sản phẩm gạo sạch Toản Xuân đang cung ứng khoảng 7.000 tấn/năm, tiêu thụ tại 34 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và hơn 60 bếp ăn trường học tại các tỉnh Nam Ðịnh, Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình… với giá bán cao hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 60-70%. Sản phẩm “Gạo sạch Bốn Thuận” với sản lượng cung ứng 10 nghìn tấn/năm đã vinh dự là một trong những đơn vị sản xuất lúa gạo đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” theo quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu, hạt giống, quy trình canh tác, bảo quản không hóa chất, được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại nhất Ðông Nam Á theo tiêu chuẩn HACCP.

Nâng tầm sản phẩm bằng tiêu chuẩn, chất lượng và tính ổn định trong kinh doanh là điều kiện quan trọng để gạo Nam Ðịnh khẳng định uy tín trên thị trường tiêu dùng trong nước và tiếp cận với thị trường quốc tế. Hiện tại, các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh gạo trên địa bàn duy trì sản phẩm chủ lực, tiếp tục sản xuất thử nghiệm những giống gạo quý kết hợp với việc phục tráng giống lúa, đảm bảo quy trình sản xuất chuẩn từ nguồn giống, quy trình chăm bón và sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì hiện tại thương hiệu lúa gạo của tỉnh đang phát triển tự phát. Ðể khai thác hết tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và trình độ thâm canh của người dân trong sản xuất lúa gạo và tiến tới thị trường xuất khẩu, ngoài việc tiếp tục nâng cao điều kiện sản xuất, hoàn thiện chất lượng sản phẩm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh gạo trên địa bàn vẫn cần hợp nhất vào một thương hiệu chung mang tên miền “Nam Ðịnh” và đăng ký bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý, tránh những tranh chấp thương mại không đáng có khi tham gia thị trường xuất khẩu./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5105/202101/khang-dinh-thuong-hieu-gao-nam-dinh-2541936/