Khẳng định tranh giành quyền lực là trung tâm khủng hoảng Lebanon, EU ra 'tối hậu thư' với giới lãnh đạo

Ngày 20/6, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho rằng, cuộc chiến tranh giành quyền lực trong giới lãnh đạo Lebanon là trung tâm của cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.

Thủ tướng Lebanon Saad Hariri (giữa) tiếp Đại diện cấp cao của EU Josep Borell tại thủ đô Beirut, ngày 19/6. (Nguồn: AFP)

Thủ tướng Lebanon Saad Hariri (giữa) tiếp Đại diện cấp cao của EU Josep Borell tại thủ đô Beirut, ngày 19/6. (Nguồn: AFP)

Sau cuộc gặp các lãnh đạo của Lebanon, gồm Tổng thống Michel Aoun, Thủ tướng được chỉ định Saad al-Hariri và Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri, ông Borrell cho biết, đã chuyển thông điệp thẳng thắn rằng, một số nhà lãnh đạo quốc gia Trung Đông này có thể bị trừng phạt nếu tiếp tục cản trở những biện pháp thành lập chính phủ mới và triển khai các chương trình cải cách hết sức cấp thiết.

Phát biểu với các phóng viên trước khi rời thủ đô Beirut, ông Borrell nhấn mạnh: “Con tàu đang ở giữa cơn giông bão cần có một vị thuyền trưởng, cần có một thủy thủ đoàn để hệ thống có thể hoạt động… nếu không, còn tàu sẽ chìm. Đây rõ ràng là một cuộc chiến phân chia quyền lực”.

Theo đại diện EU, Lebanon cần một chính phủ có năng lực kỹ thuật và quyền lực thực sự để tránh thất bại như chính phủ của cựu Thủ tướng Hassan Diab.

Viện trợ nước ngoài sẽ không đổ vào Lebanon nếu không có một chính phủ hợp tác với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và tiến hành cải cách nhằm giải quyết tình trạng tham nhũng, cũng như tình trạng thiếu năng lực quản lý tài chính.

Đại diện EU tiết lộ, các nhà lãnh đạo mà ông gặp mặt đều bày tỏ bi quan về triển vọng đạt được tiến bộ.

Ông Borrell cho biết, EU sẵn sàng hỗ trợ Lebanon giải quyết cuộc khủng hoảng, song cũng để ngỏ khả năng có những hành động khác, bao gồm cả trừng phạt, nếu các nỗ lực thoát khỏi khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này tiếp tục bị cản trở.

Đồng nội tệ của Lebanon đã mất giá tới 90%. Hơn một nửa dân số nước này đang sống trong nghèo đói và vật lộn với tình trạng lạm phát, thiếu điện, thiếu nhiên liệu và thực phẩm. Cuộc khủng hoảng càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự bế tắc trong chính trị.

Thủ tướng được chỉ định Saad al-Hariri và Tổng thống Aoun đã bất đồng trong nhiều tháng qua về việc thành lập một chính phủ mới có khả năng tiến hành cải cách nhằm mở đường cho viện trợ nước ngoài.

(theo AP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khang-dinh-tranh-gianh-quyen-luc-la-trung-tam-khung-hoang-lebanon-eu-ra-toi-hau-thu-voi-gioi-lanh-dao-148953.html