Khẳng định tư cách thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu
BHG - Trải qua 2 kỳ đánh giá, Công viên Địa chất (CVĐC) toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục được UNESCO công nhận tư cách thành viên giai đoạn 2015 – 2018 và 2019 – 2022. Để khẳng định và giữ vững tư cách thành viên, tỉnh ta đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp; qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC, di sản văn hóa, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, làm cơ sở cần thiết cho mục tiêu phát triển bền vững.
Mèo Vạc là 1 trong 4 huyện của tỉnh nằm trong vùng CVĐC toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn với tổng diện tích tự nhiên hơn 574 km2. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC được huyện đặc biệt quan tâm và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, giá trị CVĐC, văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy; lượng khách du lịch đến với huyện ngày càng tăng, các dịch vụ phục vụ du lịch phát triển; nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được nâng lên; nhân dân tích cực chung tay bảo vệ môi trường và các điểm di sản trên địa bàn; các điểm du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn được quan tâm đầu tư ngày càng nhiều, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của khách đến tham quan. Hiện nay, huyện tiếp tục triển khai các nhiệm vụ để bảo tồn và phát huy giá trị của CVĐC như tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về giá trị của CVĐC; bố trí các bãi đỗ xe, mở mới tuyến đường từ thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn xuống bến thuyền Thủy điện Nho Quế 1; phối hợp với các sở, ngành liên quan cải thiện chất lượng đường Tỉnh lộ 176, xây dựng biển thông tin di sản kiểu mới; đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch và kiểm tra các điểm di sản địa chất…
Không chỉ riêng huyện Mèo Vạc, công tác bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC được các cấp, ngành và các huyện trên vùng Cao nguyên đá chú trọng. Đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ này, năm 2013, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC giai đoạn 2013 – 2020. Trên cơ sở nghị quyết, các cấp, ngành đã tích cực triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch các thị trấn tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá, qua đó nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch. Cùng đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT – XH và phát triển du lịch, trong đó tỉnh tập trung đầu tư, sữa chữa, bảo trì các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, hoàn chỉnh cơ bản các tuyến đường giao thông nông thôn thuộc xã điểm Nông thôn mới; hoàn thành hơn 40 dự án cấp điện thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, các địa phương tập trung đầu tư, khôi phục, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống; triển khai một số dự án bảo tồn kiến trúc bản địa truyền thống như: Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phố cổ Đồng Văn, chợ Phong lưu Khâu Vai, Đề án tổng thể bảo tồn Làng dân tộc truyền thống dân tộc Bố Y, thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến (Quản Bạ); triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng Nông thôn mới… Tháng 11.2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 19 về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030. Nghị quyết xác định mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC gắn với phát triển KT – XH; giữ vững danh hiệu CVĐC; đến năm 2025 phát triển CVĐC thành khu du lịch với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Nghị quyết này một lần nữa cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của CVĐC cũng như nhiệm vụ giữ vững tư cách thành viên của mạng lưới CVĐC toàn cầu.
Cùng với các nhiệm vụ trên, tỉnh đẩy mạnh thực hiện 10 khuyến nghị của mạng lưới CVĐC toàn cầu trong kỳ tái đánh giá năm 2018. Tính đến trung tuần tháng 5.2022, bình quân tiến độ thực hiện các khuyến nghị đã hoàn thành trên 70%, trong đó có 5 khuyến nghị đạt từ 80 – 100% tiến độ, như khuyến nghị về xây dựng hệ thống cung cấp nước, chống rác thải nhựa và kiểm soát rác thải; trưng bày và hoạt động bên trong bảo tàng dân tộc học; tích cực tham gia công nghiên cứu khoa học… Hiện nay, tỉnh đang tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo khuyến nghị của UNESCO và các cam kết với mạng lưới CVĐC toàn cầu về bảo tồn và phát triển CVĐC.
Với những cố gắng, nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng, bảo tồn và phát triển CVĐC đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững cho người dân vùng Cao nguyên đá; đưa hình ảnh Cao nguyên đá, đất và người Hà Giang đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế; khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc giữ vững danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, đồng thời tạo cơ sở vững chắc phục vụ kỳ tái đánh giá của UNESCO lần thứ 3 năm 2022.