KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỦA QUỐC HỘI LÀ ĐỘNG LỰC, ĐÒN BẨY ĐỂ THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT NAM – BỜ BIỂN NGÀ
Sáng 14/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì lễ đón chính thức và có cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong sự cởi mở, chân thành và hợp tác, hai Chủ tịch Quốc hội cùng trao đổi và thống nhất phương hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế thương mại; nhấn mạnh, Quốc hội hai nước cần đóng vai trò đòn bẩy, là chất xúc tác, tạo động lực đẩy mạnh quan hệ hai nước. Mong muốn quan hệ giữa Quốc hội hai nước sẽ trở thành hình mẫu về hợp tác nghị viện giữa Việt Nam với các nước châu Phi.
Cùng dự hội đàm phía Việt Nam có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoc học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà.
Đánh dấu việc nối lại hoạt động trao đổi đoàn giữa Việt Nam - Bờ Biển Ngà
Nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các vị khách quý Bờ Biển Ngà đến thăm Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Ngài Adama Bictogo tái đắc cử Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà tháng 6/2022, qua đó khẳng định uy tín của cá nhân Ngài Chủ tịch Quốc hội đối với cử tri, Nhân dân Bờ Biển Ngà.
Đánh giá cao chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội cho biết chuyến thăm lần này đánh dấu việc nối lại hoạt động trao đổi đoàn giữa hai nước sau hơn 3 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, là đoàn cấp cao nhất và Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Bờ Biển Ngà sang thăm Việt Nam sau 48 năm.
Bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp nói riêng và hai nước nói chung, tạo đà mở rộng hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ vẫn giữ những ấn tượng sâu sắc về đất nước Bờ Biển Ngà tươi đẹp và mến khách nhân chuyến thăm ngắn đến Bờ Biển Ngà tháng 11/2019 trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách nhóm lĩnh vực kinh tế.
Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Bờ Biển Ngà giữ vững ổn định chính trị, đạt nhiều thành tựu trong cải cách và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Bờ Biển Ngà trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Alassane Ouattara, đặc biệt trong khuôn khổ triển khai Tầm nhìn 2030 nhằm xây dựng một đất nước Bờ Biển Ngà phồn vinh, khẳng định vai trò và vị thế quan trọng của mình ở khu vực Tây Phi, châu lục cũng như trên thế giới. Đồng thời, chúc mừng Bờ Biển Ngà đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APF nhiệm kỳ 2019 - 2022 và tổ chức thành công Đại hội đồng APF tại Abidjan.
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo bày tỏ cảm kích trước tình cảm, sự đón tiếp trọng thị, chân tình, chu đáo của Việt Nam, Quốc hội Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Quốc hội dành cho Đoàn từ khi xuống sân bay, ở Hà Nội và đến thăm Tòa nhà Quốc hội.
Vui mừng khi đến thăm Việt Nam và có cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo khẳng định Việt Nam và Bờ Biển Ngà có quan hệ hữu nghị tốt đẹp trong suốt 48 năm qua được các thế hệ lãnh đạo hai nước cùng vun đắp. Trong đó, cùng với giao lưu Nhân dân, hợp tác Nghị viện thì trao đổi thương mại hai nước duy trì ở mức tốt với nhiều con số ấn tượng.
Bờ Biển Ngà mong muốn thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, đào tạo nghề và giao thông với Việt Nam
Điểm lại một số kết quả hợp tác tích cực trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà cho rằng đây chính là cầu nối trong quan hai bên. Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà nêu rõ hơn 80% hạt điều và 70% vải sợi bông được sản xuất tại Bờ Biển Ngà được xuất sang Việt Nam. Ngược lại, có đến 40% gạo nhập khẩu của Bờ Biển Ngà là đến từ Việt Nam, ngoài ra Bờ Biển Ngà còn nhập khẩu nhiều hàng hóa khác như máy móc, xe máy, các phương tiện cơ giới.
Đánh giá cao những kết quả trong trao đổi thương mại hai nước, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà cho rằng đây là lĩnh vực nhiều tiềm năng và trên cơ sở kết quả nền tảng đã có, hai bên cùng nhìn về tương lai để cùng trao đổi và thúc đẩy hợp tác hai bên trong vòng 50 năm tới.
Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo nhấn mạnh, Quốc hội hai nước phải đóng vai trò, động lực đòn bẩy để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước; đồng thời, quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp cũng có vai trò xúc tác để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hiện tại.
Theo Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà, có 3 lĩnh vực cụ thể mà hai bên có thể rà soát, tận dụng hơn nữa lợi thế của mỗi bên để thúc đẩy quan hệ.
Một là, trong lĩnh vực nông nghiệp. Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà đánh giá cao Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Kinh nghiệm của Việt Nam là điều mà Bờ Biển Ngà có thể học học và hai bên cùng nhau thiết lập, triển khai cơ chế hợp tác “đôi bên cùng có lợi”, cho phép các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư các nhà máy chế biến nông sản tại Bờ Biển Ngà.
Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà mong muốn phía Việt Nam tạo điều kiện cho các chuyên gia Việt Nam đào tạo cho nhân lực của Bờ Biển Ngà về trồng lúa, cơ giới hóa trong trồng lúa nước; xuất các sản phẩm cơ khí nông nghiệp sang Bờ Biển Ngà.
Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà chia sẻ bên cạnh các mặt hàng nông sản như bông và hạt điều thì Bờ Biển Ngà cũng là quốc gia xuất khẩu cacao lớn trên thế giới. Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà bày tỏ mong muốn Việt Nam có thể trở thành cửa ngõ, là cầu nối để cacao của Bờ Biển Ngà có thể xuất khẩu vào thị trường các nước Đông Nam Á và các nước châu Á.
Hai là, trong lĩnh vực giao thông. Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà cho biết phía Việt Nam và Bờ Biển Ngà có hiệu hoạt động giao thương, hợp tác tuy nhiên việc chưa có đường bay thẳng giữa hai nước. Do đó, mong muốn hai bên sớm có giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hai nước đi lại, giao thương.
Ba là, trong hợp tác giáo dục, đào tạo. Bày tỏ ấn tượng với công tác giáo dục của Việt Nam với nhiều thế mạnh, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà mong phía Việt Nam giúp đỡ Bờ Biển Ngà trong phát triển đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho thanh niên trong các lĩnh vực tin học, cơ khí, điện tử. Đây là giải pháp mà Bờ Biển Ngà hướng tới trong giải quyết vấn đề thất nghiệp và việc làm hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo nhấn mạnh đây là những lĩnh vực hợp tác mà Quốc hội hai nước đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối để củng cố và tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Một lần nữa bày tỏ cảm kích trước sự đón tiếp của phía Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà bày tỏ ấn tượng khi đến thăm Tòa nhà Quốc hội, thể hiện hình ảnh, vị thế của Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà chia sẻ tự hào khi nhìn lại lịch sử cho thấy Việt Nam từ một nước có xuất phát điểm tuy thấp sau chiến tranh nhưng đã có phát triển nhanh chóng, tích cực, hướng tới tương lai, ngày càng khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã trở thành hình mẫu, tấm gương cho Bờ Biển Ngà về sự nỗ lực, về thành công, về sức chống chịu. Nhấn mạnh, Việt Nam đã thực sự là một tấm gương, là nguồn cảm hứng đối với nhiều nước trên thế giới trong cuộc chiến đấu tranh chống lại đói nghèo và chậm phát triển. Khẳng định chuyến thăm là cơ hội đến Bờ Biển Ngà tận dung cơ hội học hỏi kinh nghiệm phát triển của Việt Nam.
Cảm ơn trước những lời nói tốt đẹp của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà dành cho đất nước, con người Việt Nam và quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí cao về những chia sẻ về phương hướng hợp tác thực chất, cụ thể, mang tính khả thi cao và thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ các cơ hội phát triển cùng với Bờ Biển Ngà
Thông tin khái quát về tình hình Việt Nam hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trải qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam từ một quốc gia tái thiết sau chiến tranh trở thành một trong những nước đi đầu trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, sớm cập nhật các mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển quốc gia. Đến nay tỉ lệ nghèo đói của Việt Nam theo chuẩn đa chiều chỉ còn khoảng 2,5%. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 30 thế giới. Kim ngạch xuất nhập 735 tỉ USD, nằm trong top 20 nước có kim ngạch ngoại thương lớn nhất, trong đó xuất khẩu nông nghiệp đạt con số kỉ lục 53,5 tỉ USD.
Việt Nam không chỉ xuất khẩu lúa gạo mà còn xuất khẩu nhiêu sản công nghệ cao khác. Việt Nam cũn có nhiều thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút được 445 tỉ USD đầu tư nước ngoài, nằm trong top 20 nước thu hút FDI thành công nhất. Với nỗ lực và có được sự hỗ trợ của các nước trên thế giới, Việt Nam nhanh chóng kiểm soát đại dịch COVID-19 và mở cửa hoàn toàn từ đầu năm 2022. Việt Nam đạt tăng trưởng cao và ngay trong bối cảnh khó khăn nhất do đại dịch Việt Nam cũng đạt được tăng trưởng dương. Mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 là 6,5% và kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Đời sống ngươi dân liên tục được cải thiện.
Quốc hội Việt Nam với 500 đại biểu là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân, có chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong thành công chung của đất nước thì Quốc hội Việt Nam đóng góp vai trò quan trọng. Trong bối cảnh đại dịch, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết đặc biệt để trao quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như chính quyền địa phương những thẩm quyền đặc thù, đặc cách, đặc biệt khác với quy định của pháp luật hiện hành để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Từ đó, Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh. Cùng với đó, khi kinh tế thế giới suy giảm, Việt Nam đã tung ra gói kích thích kinh tế lớn với quy mô hơn 8%GDP; và gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phê duyệt chủ trương đầu tư nhiều dự án quan trọng quốc gia để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đang tiến hành Kỳ họp thứ 5 để xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều luật và nhiều quyết sách quan trọng để tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Trao đổi về quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội cho biết, mặc dù thời gian qua, hai nước đều chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, cùng với căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế, hậu quả của thiên tai, biến đổi khí hậu nhưng hai nước có thể tự hào về kết quả hợp tác khá tích cực, toàn diện trên các mặt chính trị, ngoại giao, thương mại.
Về chính trị, ngoại giao, hai nước kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè châu Phi, trong đó có Bờ Biển Ngà; coi Bờ Biển Ngà là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu lục. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên cùng đưa quan hệ chính trị, ngoại giao đi vào chiều sâu, hợp tác thực chất và cùng có lợi trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương và giao lưu Nhân dân, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; tăng cường khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp nhiều và hiệu quả hơn nữa. Hai nước tiếp tục tăng cường phối hợp trong các tổ chức Pháp ngữ (OIF) và các cơ chế đa phương khác (Liên hợp quốc, phong trào Không liên kết).
Về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, tại hội đàm, hai Chủ tịch Quốc hội khẳng định đây là trụ cột trong quan hệ hai nước, thống nhất rằng hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng giúp nhau phát triển.
Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện Việt Nam có khoảng 15 hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, bao phủ thị trường của 60 đối tác, quốc gia quan trọng. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ các cơ hội cùng với Bờ Biển Ngà. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên cần trao đổi các biện pháp sáng tạo hơn nữa để thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương cho tương xứng với tiềm năng to lớn của mỗi nước theo hướng cân bằng hơn và đa dạng hóa mặt hàng trao đổi.
Thống nhất rằng, hai bên tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp để đưa các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước thâm nhập thị trường của nhau. Khẳng định, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để hàng hóa của Bờ Biển Ngà thâm nhập vào thị trường ASEAN và châu Á nói chung; sẵn sàng bàn để nhập khẩu thêm hạt điều, bông, cacao
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, xúc tiến thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp và đa dạng hóa mặt hàng trao đổi; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp, tham dự các hội chợ, triển lãm tổ chức tại mỗi nước. Đề nghị Bờ Biển Ngà tổ chức đoàn doanh nghiệp sang tham dự một số sự kiện thương mại lớn tổ chức thường niên tại Việt Nam như Hội chợ thương mại quốc tế VietnamExpo, Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Vietnam Foodexpo...
Việt Nam mong muốn mở rộng trao đổi một số mặt hàng khác mà Việt Nam có thế mạnh như thủy sản, phân bón, dệt may, giày dép, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng, điện tử, máy móc, thiết bị điện; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kim ngạch thương mại gạo của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà với số lượng lớn giá cả hợp lý.
Hai Chủ tịch Quốc hội thống nhất Bờ Biển Ngà có thể là cửa ngõ cho các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập thị trường châu Phi, ngược lại Việt Nam cũng có thể là cửa ngõ cho các sản phẩm của Bờ Biển Ngà và thị trường ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh những kết quả hợp tác ban đầu giữa nước trong lĩnh vực đầu tư; nêu rõ, Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Bờ Biển Ngà đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, tạo thuận lợi cho thanh toán giữa hai bên thông qua tăng cường các quan hệ đại lý giữa các Ngân hàng thương mại, hoặc cho phép mở chi nhánh của Ngân hàng Việt Nam tại Bờ Biển Ngà. Do đó, đề nghị phía Bờ Biển Ngà sớm phản hồi về dự thảo Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu mối phụ trách về Hiệp định thương mại song phương Việt Nam để hai bên tiếp tục trao đổi. Tích cực đàm phán ký các văn kiện hợp tác, tạo điều kiện pháp lý cho hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư (Hiệp định khung về hợp tác, Hiệp định thương mại, Hiệp định khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hiệp định đánh thuế trùng). Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là cơ sở pháp lý cần thiết để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh, khẳng định Quốc hội Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán kí kết các văn kiện quan trọng này.
Về hợp tác đa phương, mong muốn hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết... Chủ tịch Quốc hội, đề nghị Bờ Biển Ngà ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028, Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2030 - 2032.
Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối giúp Bờ Biển Ngà tăng cường hợp tác với ASEAN mong muốn Bờ Biển Ngà tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ trong thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - châu Phi trong khuôn khổ Liên minh châu Phi và Cộng đồng kinh tế các quốc gia châu Phi. Đề nghị Bờ Biển Ngà ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, hai Chủ tịch Quốc hội thống nhất nhận định đây là lĩnh vực ưu tiên và hai nước có thế mạnh để mở rộng hợp tác.
Chủ tịch Quốc hội nêu các đề nghị hai bên tiếp tục thảo luận, tìm kiếm cơ hội hợp tác đối với lĩnh vực nông nghiệp như một lĩnh vực hợp tác ưu tiên thông qua cơ chế Nam - Nam hoặc phối hợp đề xuất bên thứ 3 hỗ trợ để thúc đẩy hợp tác trong nông nghiệp giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà (với nguồn tài trợ từ EU, OIF, FAO...).
Hai bên nhất trí rằng cần duy trì, phát triển hợp tác chuỗi giá trị về hạt điều. Theo đó, hai bên cần thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản và chế biến hạt điều; hợp tác trao đổi chuyên gia về sản xuất điều; mong muốn Bờ Biển Ngà tạo điều kiện duy trì nguồn cung cấp điều ổn định và với khối lượng lớn, sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Bờ Biển Ngà cải tiến giống, tăng năng suất.
Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác nông nghiệp, trao đổi chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm với Bờ Biển Ngà trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của Bờ Biển Ngà tầm nhìn đến năm 2030, hướng đến tăng nhanh năng suất hàng năm đối với các cây trồng xuất khẩu (ca cao, hạt cọ, dứa, xoài), cây lương thực (lúa gạo) và nuôi trồng thủy sản.
Về hợp tác lĩnh vực khác, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh đề xuất hợp tác trao đổi kinh nghiệm về giáo dục đại học, đào tạo công nghệ thông tin của phía Bờ Biển Ngà; hợp tác văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân. Đề nghị hai bên nghiên cứu thúc đẩy hợp tác về các ngành công nghiệp như chế biến nông sản, thực phẩm, khai khoáng; khuyến khích hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, an ninh mạng, giao thông vận tải...
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Chính phủ và Quốc hội Bờ Biển Ngà thời gian qua đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Bờ Biển Ngà và công nhận hoạt động của Hội người Việt tại Bờ Biển Ngà; mong Quốc hội và Chính phủ Bờ Biển Ngà tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt để bà con yên tâm sinh sống, làm ăn và đóng góp tích cực cho quan hệ hai nước.
Quốc hội hai nước cần đóng vai trò đòn bẩy, là chất xúc tác, tạo động lực đẩy mạnh quan hệ hai nước
Về hợp tác giữa Quốc hội hai nước, hai Chủ tịch Quốc hội đều nhấn mạnh, Quốc hội hai nước cần đóng vai trò đòn bẩy, là chất xúc tác, tạo động lực đẩy mạnh quan hệ hai nước. Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cam kết sẽ làm hết sức mình để tăng cường quan hệ Quốc hội hai nước, thông qua Quốc hội thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Quốc hội hai nước sẽ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác.
Mong muốn quan hệ giữa Quốc hội hai nước sẽ trở thành hình mẫu về hợp tác nghị viện giữa Việt Nam với các nước châu Phi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Cơ quan lập pháp hai nước tiếp tục tăng cường tiếp xúc, trao đổi Đoàn giữa Lãnh đạo Quốc hội, các Cơ quan của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội hai nước, trao đổi kinh nghiệm xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế phục vụ công cuộc phát triển của mỗi nước và hoạt động nghị viện. Quốc hội Việt Nam sẵn sàng tiếp đón các đoàn Quốc hội Bờ Biển Ngà sang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Cùng với đó, cơ quan lập pháp cần tăng cường hợp tác giám sát việc thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Chính phủ hai nước; ủng hộ và tăng cường kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước; tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân hai nước sinh sống đầu tư và kinh doanh tại mỗi nước. Tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF)...
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng mời Thượng viện và Quốc hội Bờ Biển Ngà cử đoàn tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 14-18/9/2023 tại Hà Nội.
Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về hợp tác hai nước và hai Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà khẳng định sẽ nỗ lực làm cầu nối để thúc đẩy thực hiện nhanh các nội dung vừa thống nhất; đồng thời trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Bờ Biển Ngà để tiếp tục thảo luận, mở rộng các lĩnh vực hợp tác giữa hai Quốc hội và hai nước./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77011