Khẳng định vai trò gắn kết thị trường, nâng tầm thương hiệu Việt
Cục Xúc tiến thương mại cam kết tích cực lồng ghép các yếu tố chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tiêu chuẩn ESG vào các chương trình, chính sách xúc tiến thương mại một cách đồng bộ, thiết thực.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng. Ảnh: Bộ Công Thương
Chiều 3/7, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (6/7/2000 – 6/7/2025) nhằm đánh dấu một chặng đường hình thành, phát triển và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển ngành công thương và nền kinh tế đất nước.
Thành lập ngày 6/7/2000 theo Quyết định số 78/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cục Xúc tiến thương mại ra đời trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Từ một tổ chức mới thành lập với bộ máy còn khiêm tốn, đến nay Cục Xúc tiến thương mại đã phát triển mạnh mẽ, trở thành cơ quan đầu mối quốc gia trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu quốc gia và thúc đẩy đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết: Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, Cục Xúc tiến thương mại đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cơ chế chính sách, quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, thương hiệu cho Bộ trưởng Bộ Công Thương qua các thời kỳ.
Bên cạnh đó, Cục đã tích cực chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức trong nền kinh tế trực tiếp triển khai các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu quy mô quốc gia, quốc tế như hội chợ quốc tế tổng hợp, chuyên ngành hàng năm ở trong nước, tổ chức khu gian hàng quốc gia ở các hội chợ quốc tế chuyên ngành trên thế giới, hội nghị giao thương trong khung khổ các chuyến công tác của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở nước ngoài.
Hoạt động này góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh quốc gia, năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất của các ngành, các doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới. Việc hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, thương hiệu, xúc tiến đầu tư phát triển công thương của Cục Xúc tiến thương mại cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nền kinh tế thông qua hàng nghìn chương trình đào tạo, tập huấn và các dự án phối hợp với tổ chức quốc tế chuyên ngành. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xúc tiến thương mại, giúp hàng trăm nghìn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tự tin triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả ở trên thị trường trong nước và quốc tế. Những nỗ lực không ngừng của tập thể công chức, viên chức, người lao động Cục Xúc tiến thương mại trong suốt 25 năm qua đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, thương hiệu của Bộ Công Thương và hỗ trợ thiết thực doanh nghiệp tiếp cận thị trường, mở rộng xuất khẩu, góp phần đưa Việt Nam vào Top 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế hàng đầu thế giới và duy trì thặng dư thương mại trong suốt 10 năm qua. Để đóng góp hiệu quả, thiết thực vào sự phát triển của đất nước, thực hiện được các mục tiêu đặt ra Thứ trưởng Phan Thị Thắng yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại cần tiếp tục phát huy tốt vai trò tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công Thương hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, thương hiệu và xúc tiến đầu tư phát triển công thương, chú trọng việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ. Cùng đó, chú ý lồng ghép các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ESG trong cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại. Ngoài ra, nắm bắt kịp thời các xu thế phát triển của thị trường để cung cấp hỗ trợ kĩ thuật thiết thực cho các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường trong nước và thế giới, đặc biệt là các thị trường có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các thị trường còn nhiều tiềm năng. Ưu tiên cung cấp hỗ trợ kĩ thuật về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong Xúc tiến thương mại, đáp ứng hiệu quả các yêu cầu mới của thị trường. Bên cạnh việc hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại cần chú trong hỗ trợ địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xúc tiến thu hút đầu tư, xúc tiến nhập khẩu để đổi mới và chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư ra nước ngoài để chủ động tiếp nhận, làm chủ các công nghệ lõi, nguồn, phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, Cục cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và luôn hoàn thiện tổ chức theo hướng tinh gọn tinh gọn bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu, thách thức đặt ra trong bối cảnh mới.

Quang cảnh lễ kỷ niệm. Ảnh: Bộ Công Thương
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, chặng đường phía trước đặt ra cho xúc tiến thương mại nhiều yêu cầu mới, ngày càng cao hơn, toàn diện hơn trong bối cảnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững và cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Vì vậy, Cục sẽ tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược cho Bộ trưởng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về xúc tiến thương mại, thương hiệu và xúc tiến đầu tư phát triển công thương.
Cùng đó, Cục Xúc tiến thương mại cam kết tích cực lồng ghép các yếu tố chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tiêu chuẩn ESG vào các chương trình, chính sách xúc tiến thương mại một cách đồng bộ, thiết thực. Đặc biệt, Cục sẽ đẩy mạnh nắm bắt xu hướng thị trường, nâng cao chất lượng hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để khai thác hiệu quả các thị trường có FTA thế hệ mới cũng như các thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ. Đồng thời, phát triển mạnh mẽ xúc tiến thương mại kỹ thuật số và thương mại xanh. Ngoài xúc tiến xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại xác định rõ vai trò quan trọng của việc hỗ trợ xúc tiến nhập khẩu công nghệ, xúc tiến đầu tư ra nước ngoài nhằm đón đầu các xu hướng công nghệ lõi, nâng cao giá trị gia tăng và tăng tính chủ động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hơn nữa, Cục sẽ chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ; tiếp tục kiện toàn tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thích ứng với môi trường phát triển mới.