Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam tăng mạnh
Nửa đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu 388 lô sầu riêng đông lạnh với sản lượng 14.282 tấn, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2024.

Chánh Văn phòng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đỗ Hồng Khanh cho biết, sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sẽ là điểm sáng nhờ tính ổn định, khả năng bảo quản lâu. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường ngày 3/7, ông Đỗ Hồng Khanh - Chánh Văn phòng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu 5.217 lô sầu riêng tươi với sản lượng gần 130.000 tấn.
Đối với sầu riêng đông lạnh, Việt Nam xuất khẩu 388 lô với sản lượng 14.282 tấn, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2024. Sầu riêng đông lạnh tăng mạnh xuất khẩu một phần nhờ chính sách mở cửa thị trường, bao gồm Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc vào tháng 8/2024.
Theo ông Khanh, sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sẽ là điểm sáng nhờ tính ổn định, khả năng bảo quản lâu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư dây chuyền chế biến và kho lạnh hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn của Trung Quốc và các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy chế biến sâu, mở rộng phân khúc sản phẩm đã giúp giảm áp lực cho thị trường sầu riêng tươi và tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp đa dạng hóa xuất khẩu.
Chia sẻ về khó khăn của ngành sầu riêng thời gian qua, ông Khanh cho biết, những tháng đầu năm 2025, một số thị trường nhập khẩu tăng cường siết chặt kiểm soát về an toàn thực phẩm (bao gồm Trung Quốc). Các lô hàng sầu riêng bị cảnh báo chủ yếu do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, phát hiện kim loại nặng như cadimi và một số hóa chất cấm.
Trong bối cảnh trên, ngay trong tháng 5/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững tại tỉnh Đăk Lăk do Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì. Hội nghị tập trung tìm giải pháp gỡ vướng trong tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực chế biến và kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cử đoàn công tác do Bộ trưởng Đỗ Đức Duy dẫn đầu sang Bắc Kinh làm việc trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vào tháng 5/2025. Kết quả, GACC đã quyết định cập nhật bổ sung 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Dự kiến từ ngày 12 – 17/7, chuyên gia GACC sẽ sang Việt Nam kiểm tra thực địa chuỗi sản xuất, đóng gói và xuất khẩu sầu riêng.
Trước các yêu cầu khắt khe về dư lượng kim loại nặng, Bộ đã yêu cầu các phòng thử nghiệm tăng công suất kiểm tra cadimi và vàng O. Đến nay, Việt Nam có 24 phòng thử nghiệm cadimi và 14 phòng thử nghiệm vàng O được GACC phê duyệt.
Bộ cũng hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn cấp và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo hướng chặt chẽ, minh bạch và phù hợp thực tiễn. Dự thảo hiện lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và tổ chức tham gia chuỗi xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ còn xây dựng Quy trình kiểm soát chất lượng tại cơ sở đóng gói sầu riêng phục vụ xuất khẩu và đang xin ý kiến lần 2 của các bên liên quan đối với dự thảo quy trình này.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng hoàn tất số hóa toàn bộ dữ liệu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc trên toàn quốc. Tính đến tháng 6, Việt Nam có 1.396 mã số vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số, đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Khanh cho biết, với việc Trung Quốc phê duyệt thêm gần 1.000 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, dự báo xuất khẩu sầu riêng tươi có khả năng phục hồi từ quý 3/2025, đặc biệt là vào mùa vụ chính từ tháng 8 đến tháng 10 tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, mức độ phục hồi vẫn phụ thuộc nhiều vào việc doanh nghiệp và nông dân tuân thủ nghiêm túc các cam kết với nước nhập khẩu.