Khẳng định vai trò 'huyết mạch' dẫn dắt nền kinh tế
Xuân mới Ất Tỵ 2025 đem theo kỳ vọng, niềm tin, hy vọng về một năm mới đạt kết quả tốt, nhiều thành tựu của mỗi người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Để góp phần mang lại thành công cho các phương án sản xuất, kinh doanh, không thể thiếu được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD). Trước đó, năm 2024 Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã triển khai đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và bảo đảm sự phát triển an toàn của hệ thống TCTD, khẳng định vai trò 'huyết mạch' dẫn dắt nền kinh tế.
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt
Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, ngành ngân hàng Thanh Hóa đã và đang tiếp tục đi đúng định hướng, chiến lược phát triển của tỉnh. NHNN Thanh Hóa đã kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình và điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách tài khóa của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn, đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, các TCTD đưa ra các gói tín dụng ưu đãi, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, người dân. Ngay từ đầu năm, các TCTD đã tập trung huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cho vay.
Cùng với đó, dưới sự chỉ đạo của NHNN Thanh Hóa, nhiều TCTD trên địa bàn tỉnh đã làm tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Các TCTD chủ động tiếp cận doanh nghiệp có uy tín, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả, để đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Mặt khác, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN và ngân hàng cấp trên, xem xét giải quyết cho vay, tăng trưởng tín dụng hiệu quả, an toàn. Đồng thời, các TCTD quan tâm đến việc cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng...
Giám đốc Agribank Thanh Hóa Nguyễn Thuần Phong cho biết: Ngân hàng luôn kiên định với sứ mệnh chủ lực đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Nguồn vốn của Agribank thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất phù hợp đã giúp doanh nghiệp, doanh nhân, hộ sản xuất... phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.
Hiện các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đã chủ động và tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dấu ấn của Agribank đã và đang in đậm trong sự chuyển mình phát triển của Thanh Hóa. Đến cuối năm 2024, tổng dư nợ của các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đạt 66.450 tỷ đồng, tăng 7.024 tỷ đồng, chiếm 31% thị phần. Bên cạnh việc triển khai các gói vay dành cho từng phân khúc khách hàng, các chi nhánh Agribank còn triển khai hỗ trợ khách hàng ở một số lĩnh vực liên quan như giảm hoặc miễn phí chuyển tiền, phí quản lý tài khoản cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp theo từng thời kỳ...
Phát triển hệ thống an toàn, hiệu quả
Để bảo đảm nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu cho vay, ngay từ đầu năm các ngân hàng, TCTD đã tập trung huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cho vay. Đến cuối tháng 12/2024, tổng nguồn vốn huy động trong toàn hệ thống đạt 186.583 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm. Hiện dư nợ cho vay nền kinh tế của tỉnh đạt 216.726 tỷ đồng, tăng 11,5% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,18%/tổng dư nợ toàn địa bàn, nằm trong tầm kiểm soát. Việc khơi thông nguồn vốn tín dụng không chỉ giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương. Hệ thống các TCTD trên địa bàn đã phát huy tốt vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ đạo, phục vụ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đắc lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
Năm 2024, cũng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số trong ngành ngân hàng. Các ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ, giữ an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng. Điển hình là dịch vụ xác thực sinh trắc học, thanh toán qua mã QR, giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt, tích hợp thanh toán trên thiết bị di động đối với các ngành, lĩnh vực khác như thanh toán dịch vụ công, điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử... Nhiều TCTD có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số cùng với việc phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ mới, tiện ích và hoàn toàn khác biệt so với trước đây như: nộp/rút tiền mặt bằng căn cước công dân gắn chip; giải ngân trực tuyến dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thanh toán quốc tế trực tuyến...
Năm 2025, NHNN Thanh Hóa tiếp tục bám sát mục tiêu, định hướng của ngành, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng. Tăng cường hơn nữa chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế.
Kế thừa kết quả đạt được, ngành ngân hàng Thanh Hóa vững tin bước sang năm mới với tinh thần và khí thế thi đua sôi nổi, cùng với người dân, doanh nghiệp hứa hẹn có nhiều đóng góp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục khẳng định vai trò “huyết mạch” dẫn dắt nền kinh tế.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khang-dinh-vai-tro-huyet-mach-dan-dat-nen-kinh-te-236673.htm