Khẳng định vai trò 'người gác cổng'
(HNM) - Với mục tiêu nâng cao chất lượng y tế cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, hơn một năm qua, ngành Y tế Hà Nội đã tích cực triển khai mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Mô hình này bước đầu đã phát huy vai trò “người gác cổng” của hệ thống y tế cơ sở khi đem lại nhiều lợi ích trong chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Hoạt động dựa trên 6 nguyên tắc cơ bản (gồm liên tục, toàn diện, phối hợp, dự phòng, gia đình, cộng đồng), mục tiêu quan trọng mà mô hình hướng đến là giúp người dân lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và điều trị bệnh ban đầu, qua đó góp phần giảm tải cho hệ thống bệnh viện tuyến trên. Vì thế, các trạm y tế triển khai mô hình này được ví như một bệnh viện thu nhỏ với việc được đầu tư từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao; qua đó tạo sự tin tưởng để “giữ chân” bệnh nhân.
Bên cạnh những lợi ích mà mô hình này đem lại, việc triển khai trên thực tế tại các địa phương trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cho thấy vẫn còn không ít khó khăn, rào cản cần sớm được tháo gỡ.
Một trong những khó khăn đó là việc thanh toán bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ chuyên sâu, kỹ thuật cao của người dân chưa thể được thực hiện. Bên cạnh đó, một số trạm y tế còn thiếu nhân lực khi triển khai, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh chưa đồng bộ. Tại một số nơi, người dân chưa thực sự hiểu đúng về hoạt động của mô hình này nên chưa mặn mà với việc đăng ký quản lý hồ sơ theo dõi sức khỏe định kỳ.
Ngày 25-6-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể, thành phố Hà Nội phấn đấu đạt tối thiểu 45% số trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình năm 2019, đến năm 2020 đạt 80% và năm 2021 đạt 100% số trạm y tế hoạt động theo mô hình này.
Thực tế cho thấy, để mô hình này tiếp tục phát huy hiệu quả theo mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ về trước mắt cũng như lâu dài. Trong đó, cần chú trọng đến 3 nhóm giải pháp chính gồm: Tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu và tin tưởng về mô hình này; đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; bảo đảm nguồn nhân lực có đủ trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc.
Trước hết, về phía cơ quan nhà nước cũng như thành phố cần quan tâm hơn nữa đến chế độ đãi ngộ với nhân lực đang làm việc tại các trạm y tế này. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công của mô hình. Cùng với đó, cần tăng cường nguồn nhân lực cho các cơ sở, tiếp tục đưa bác sĩ tuyến trên về trao đổi kinh nghiệm và nâng cao trình độ chuyên môn cho các y, bác sĩ đang làm việc tại đây.
Về phía các trung tâm y tế cần chủ động tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn cho các cán bộ y tế cơ sở; đồng thời cử cán bộ y tế của trạm đi thực hành nâng cao trình độ chuyên môn tại các bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh, việc đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả hoạt động của mô hình này cũng rất quan trọng. Khi trình độ chuyên môn của các y, bác sĩ cũng như chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các trạm y tế được nâng lên rõ rệt, người dân sẽ tin tưởng, yên tâm khám, chữa bệnh mà không phải lên tuyến trên như trước.
Có như vậy, mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình mới thực sự phát huy hiệu quả và khẳng định vai trò “người gác cổng” của hệ thống y tế.