Khẳng định vai trò nòng cốt của BĐBP trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia
Dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) quy định nhiệm vụ của BĐBP: Tổ chức, quản lý, bảo vệ biên giới, đối ngoại biên phòng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân tham gia củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới đồng bộ, gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh... Để làm rõ hơn về nhiệm vụ của BĐBP, phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Sơn, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
- Thưa ông, dự án Luật BPVN có quy định rõ về nhiệm vụ của BĐBP là nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới. Ông nhìn nhận như thế nào về quy định này?
- Biên giới, biển, đảo của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, rất cần có nhiều lực lượng tham gia xây dựng, bảo vệ biên giới, trong đó, BĐBP phải là lực lượng chuyên trách, nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới. Từ lực lượng nòng cốt, chính quyền địa phương, nhân dân, các lực lượng chức năng phối hợp, tương trợ BĐBP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống. Vì vậy, cùng với các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, dự án Luật BPVN khẳng định tầm quan trọng của biên giới và vị thế, vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân trong bảo vệ biên giới quốc gia và BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách.
- Quy định BĐBP tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn biên giới sẽ có tác động như thế nào đến đời sống đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới?
- Truyền thống hơn 60 năm qua đã khẳng định, BĐBP không những bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, mà còn gắn bó máu thịt “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào các dân tộc. Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương, xây dựng biên giới vững mạnh phát triển.
Một ví dụ cụ thể, đó là trong 30 năm qua, BĐBP Hà Tĩnh không quản ngại gian khó gắn bó, huy động nguồn lực bảo tồn đồng bào Chứt, đưa đồng bào đến với cuộc sống ấm no, hạnh phúc và từng bước xây dựng bản làng giàu đẹp. Nếu không có BĐBP thì dân tộc Chứt giờ vẫn sống lạc hậu với những hủ tục làm mai một nòi giống. Từ vai trò quan trọng của BĐBP, Ban Bí thư đã đưa ra chủ trương tăng cường cán bộ BĐBP về làm Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND các xã biên giới và mới đây, Ban Bí thư tiếp tục ban hành Kết luận số 68-KL/TW về tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng tham gia vào cấp ủy huyện biên giới. Đặc biệt, Chính phủ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 để nâng cao hiệu quả thực hiện các đề án, trong đó, Chính phủ, Bộ Quốc phòng cần giao cho BĐBP tham gia chương trình này để BĐBP tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm trên địa bàn biên giới.
- Để BĐBP hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, ông có những đề nghị gì trước khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật BPVN?
- Thực tiễn cho thấy, BĐBP đã có những việc làm cụ thể, phát huy sức mạnh đoàn kết, xây dựng biên giới vững mạnh, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc. Dự án Luật BPVN được đưa ra thảo luận lần đầu tại Quốc hội cần phân định rõ trách nhiệm trên từng phương diện và tăng thêm quyền hạn cho BĐBP; triển khai nhanh Kết luận số 68 của Ban Bí thư để cơ cấu cán bộ đồn Biên phòng vào cấp ủy các địa phương cấp huyện biên giới. Khi đó, BĐBP sẽ phát huy tốt vai trò tham mưu với chính quyền địa phương trong xây dựng, bảo vệ biên giới, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân trên biên giới, tạo nên thế trận biên phòng thực sự vững chắc trên biên giới.
- Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, khu vực biên giới sẽ có những diễn biến phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Theo ông, cần quy định BĐBP có những quyền hạn gì để hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới?
- BĐBP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngoài nhiệm vụ chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với âm mưu của các thế lực thù địch; phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, rất cần có những quy định cụ thể trong Luật BPVN. BĐBP phải thực sự là nòng cốt trong phối hợp với các lực lượng đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm.
- Đối ngoại quốc phòng biên giới, đối ngoại biên phòng là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Theo ông, trong xu thế hiện nay, nhiệm vụ ngoại giao biên phòng quan trọng như thế nào?
- Ngoại giao nói chung và ngoại giao biên phòng nói riêng là yếu tố quan trọng trong xây dựng hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển đất nước. Trong những năm gần đây, BĐBP đã có những cách làm sáng tạo, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chính quyền địa phương trong công tác đối ngoại quốc phòng biên giới, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân với các hình thức đa dạng như: Giao lưu hữu nghị quốc phong biên giới, giao lưu hữu nghị biên giới, kết nghĩa bản - bản, kết nghĩa đồn - trạm hai bên biên giới... Từ các hoạt động này đã thắt chặt tình quân dân hai bên biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển, người dân hai bên biên giới gắn bó, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... Vì vậy, để tiếp tục xây dựng biên giới bình yên, rất cần có quy định để điều chỉnh nhiệm vụ này, nâng cao hiệu quả ngoại giao biên phòng, tiếp tục bồi đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Viết Hà (thực hiện)