Khẳng định vai trò quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, nhân dân

Khắc ghi lời Bác Hồ dạy: 'Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền', 'Người quân y phải nêu cao tinh thần vì bộ đội, vì người binh nhì, vì nhân dân', những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ quân y toàn quân luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, phấn đấu, rèn luyện 'sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật', xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân.

Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 / 27-2-2023), Phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Đại tá, TS Trần Công Trường, Bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), qua đó hiểu thêm về tinh thần hy sinh, những cống hiến thầm lặng của các thầy thuốc quân y trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Đại tá, TS Trần Công Trường, Bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần).

Đại tá, TS Trần Công Trường, Bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần).

PV: Những năm qua, mặc dù chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, nhưng nhờ làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, quân số khỏe toàn quân luôn duy trì ở mức cao, năm 2022 đạt 99,01%, vượt chỉ tiêu 0,51%. Thành tích đó có sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, y sĩ toàn quân nói chung và Cục Quân y nói riêng, thưa đồng chí?

Đại tá Trần Công Trường: Năm 2022, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự đoán; trong nước, tình hình thời tiết, dịch bệnh có nhiều diễn biến bất lợi. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, thủ trưởng Tổng cục Hậu cần; sự phối hợp, giúp đỡ của Bộ Y tế và các địa phương, ban, ngành liên quan; sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, ngành Quân y đã phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm quân y được giao; nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.

Có được kết quả đó phải kể đến sự nỗ lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành Quân y toàn quân, bằng lao động trí tuệ, khoa học của mình. Tại tuyến đơn vị, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Quân y đã bám sát bộ đội, hoạt động của bộ đội, nhiệm vụ của đơn vị để theo dõi, phát hiện, chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, nhất là kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; phòng, chống não mô cầu, sốt xuất huyết Dengue, đậu mùa khỉ, cúm A, Adeno virus...; nắm chắc tình hình dịch bệnh, chủ động dự báo, kịp thời tham mưu và tổ chức đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; phòng, chống say nắng, say nóng an toàn, hiệu quả, giữ vững tỉ lệ quân số khỏe của đơn vị, đảm bảo cho công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Tại tuyến bệnh viện, đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y đã tổ chức cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho các bệnh nhân đảm bảo an toàn trong điều trị, nhiều kỹ thuật mới được triển khai, nhiều ca bệnh nặng được cứu chữa…, tỷ lệ ngày điều trị khỏi trung bình được rút ngắn. Trong năm 2022 đã tổ chức nghiệm thu 676 đề tài (3 đề tài cấp Quốc gia, 5 đề tài cấp Bộ, 658 đề tài cấp cơ sở), đề xuất mở mới 673 đề tài (1 đề tài cấp Quốc gia, 22 đề tài cấp Bộ, 650 đề tài cấp cơ sở), qua đó khẳng định những thành tựu lớn của ngành Quân y trong nghiên cứu khoa học, trong phát triển, ứng dụng và cải tiến các kỹ thuật trong điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ thêm về những đóng góp của ngành Quân y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng sự nghiệp y tế nước nhà?

Đại tá Trần Công Trường: Cần khẳng định rằng, ngành Quân y là một bộ phận của ngành Y tế nước nhà, không chỉ những năm gần đây mà truyền thống của chiến sĩ quân y từ thời chống Pháp, chống Mỹ là luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Ở nơi đâu có người dân sinh sống, bộ đội ta đều tới cùng ăn, cùng ở, cùng phát triển mọi mặt, lắng nghe không chỉ sức khỏe mà còn cả tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Được sống trong lòng nhân dân đã cho người chiến sĩ nhận ra năng lực và lẽ sống của mình, đặc biệt với chiến sĩ quân y.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngành Quân y luôn gương mẫu đi đầu trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Các đội xung kích khám chữa bệnh miễn phí của Học viện Quân y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175, 103, 354, 105... và các bệnh viện của quân khu, quân đoàn, các bệnh xá đơn vị trong toàn quân hằng ngày bám nắm, theo dõi chặt chẽ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở mức tốt nhất. Nhiều ca bệnh được cứu sống kịp thời nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa gây xúc động không chỉ với người trong cuộc mà còn có tác động rất tích cực tới cộng đồng xã hội.

Bên cạnh đó, ngành Quân y còn tích cực tham gia đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên cho ngành Y tế, nhiều cán bộ cao cấp của ngành y tế được học tập và đào tạo trong ngành Quân y; các lĩnh vực về khoa học cao như ghép tạng, y học thảm họa, bỏng… được ngành quân y phát triển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành Y tế nước nhà.

PV: Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có 30 chiến sĩ quân y vừa hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất. Đây không phải là lần đầu tiên các bác sĩ quân y ra nước ngoài chữa bệnh cứu người, thưa đồng chí?

Đại tá Trần Công Trường: Thực hiện phương châm đối ngoại của Đảng, Nhà nước, phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ; Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định cử lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam sang tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta tự hào đó là truyền thống dân tộc, quân đội, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Trong niềm vinh dự chung đó có các bác sĩ ngành Quân y chúng tôi. Sự tham gia tích cực, chủ động của lực lượng quân y lần này tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các hoạt động trong khuôn khổ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trước đây đã góp phần khẳng định trách nhiệm, năng lực và uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Nghị quyết số 806 của Quân ủy Trung ương về Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng nêu rõ: “Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”.

Trong đối ngoại Quốc phòng, ngành Quân y rất vinh dự là một trong những lực lượng tiên phong trong thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, đến nay Bộ Quốc phòng đã cử 4 bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại phái bộ ở Nam Sudan - một địa bàn còn nhiều khó khăn, nguy hiểm. Bệnh viện dã chiến của Việt Nam đã thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần và là địa chỉ tin cậy chăm sóc sức khỏe của các nhân viên Liên hợp quốc cũng như người dân địa phương. Không chỉ được Liên hợp quốc đánh giá cao về năng lực chuyên môn, các y, bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam còn để lại những dấu ấn tốt đẹp đối với bệnh nhân các nước sở tại về tinh thần trách nhiệm cao, thái độ tận tụy, hết lòng vì người bệnh.

Hiện nay, Quân y Việt Nam đã trao đổi, hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như hợp tác nghiên cứu, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật y khoa… với gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Úc, Nhật Bản, Lào, Campuchia. Trong hợp tác đa phương, Quân y Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong mọi hoạt động của Trung tâm Quân y ASEAN, Ủy ban Quân y Quốc tế (ICMM). Những hoạt động về đối ngoại quân y đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội trên trường quốc tế.

Các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 175 phối hợp vận chuyển bệnh nhân cấp cứu bằng máy bay trực thăng của Binh đoàn 18 từ huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) về bệnh viện điều trị. Ảnh: Hùng Khoa

Các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 175 phối hợp vận chuyển bệnh nhân cấp cứu bằng máy bay trực thăng của Binh đoàn 18 từ huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) về bệnh viện điều trị. Ảnh: Hùng Khoa

PV: Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho ngành Quân y những mục tiêu, yêu cầu cao hơn, đồng chí có thể chia sẻ những công việc trọng tâm mà Cục Quân y sẽ triển khai trong toàn ngành thời gian tới?

Đại tá Trần Công Trường: Trên cơ sở tình hình, nhiệm vụ được giao, các đơn vị tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm nhiệm vụ công tác quân y. Trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Hậu cần, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm quân y cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Tiếp tục tham mưu với thủ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng biểu tổ chức biên chế các bệnh viện quân khu sau khi tổ chức lại theo Kế hoạch số 1228/KH-BQP ngày 25-4-2022 của Bộ Quốc phòng bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phát triển chuyên môn.

Hai là, thường xuyên nắm chắc tình hình dịch bệnh, tích cực hướng dẫn, chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa dịch lây lan vào đơn vị quân đội và tử vong do dịch bệnh. Thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường tuyên truyền và triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống sốt rét, say nắng, say nóng; phòng chống HIV/AIDS, kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn vệ sinh lao động; phòng, chống bệnh nghề nghiệp, các bệnh không lây nhiễm.

Ba là, triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe bộ đội, giữ vững tỷ lệ quân số khỏe trên 98,5%. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng và hoạt động y học cổ truyền. Chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện xây dựng kế hoạch phát triển chuyên môn kỹ thuật bảo đảm thiết thực, vững chắc.

Bốn là, Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thiết thực, hiệu quả. Tổ chức huấn luyện quân y cho các đối tượng đúng kế hoạch, sát yêu cầu nhiệm vụ; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, đào tạo liên tục đối với cán bộ, nhân viên quân y và phổ biến kiến thức, kỹ năng thực hành cho bộ đội, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ.

Năm là, tích cực triển khai và tổ chức các hoạt động đối ngoại quốc tế về quân y; thúc đẩy, nâng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quân y Việt Nam với quân y các nước. Tăng cường trao đổi, hỗ trợ trong huấn luyện, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm về y học hải quân, y học thảm họa, bệnh truyền nhiễm, chấn thương, hoạt động gìn giữ hòa bình, hội thao quân sự…

Sáu là, tạo nguồn mua sắm, cơ sở vật chất, trang bị quân y đáp ứng đúng, đủ, kịp thời cho sẵn sàng chiến đấu, các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng trang bị quân y.

Bảy là, nắm chắc đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y, báo cáo đề xuất Bộ Quốc phòng các giải pháp về đào tạo, sử dụng và chính sách đãi ngộ. Triển khai thực hiện các nội dung thuộc Chương trình “Nâng cao năng lực hệ thống y học dự phòng quân đội”. Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, cải cách hành chính trong công tác quân y, các nội dung thuộc Chương trình kết hợp quân dân y.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

VĂN DUYÊN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/khang-dinh-vai-tro-quan-trong-trong-cham-soc-bao-ve-suc-khoe-bo-doi-nhan-dan-720122