Khẳng định vai trò trụ cột trong bảo đảm an sinh xã hội của đất nước
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ra đời ngày 16-2-1995 theo Nghị định số 19 của Chính phủ, đánh dấu bước ngoặt lớn trong tiến trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHXH ở nước ta. Những kết quả ngành BHXH đạt được trong 25 năm qua đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Ðảng, Nhà nước trong việc phát triển chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội.
25 năm trưởng thành và phát triển
Năm 1995, được xem là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển chính sách BHXH với việc triển khai thống nhất BHXH bắt buộc cho người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế và sự ra đời của tổ chức BHXH Việt Nam. Ðể làm được việc này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/CP ngày 26-1-1995 ban hành Ðiều lệ BHXH quy định thực hiện BHXH bắt buộc đối với cán bộ, viên chức nhà nước và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Ðồng thời, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/CP ngày 16-2-1995 thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng LÐLÐ Việt Nam để giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý quỹ BHXH, thực hiện thống nhất các chế độ, chính sách BHXH theo pháp luật. Tiếp đó đến năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QÐ-TTg ngày 24-1-2002 về việc chuyển BHYT Việt Nam (Bộ Y tế) sang BHXH Việt Nam. Ðây là một quyết định quan trọng trong việc thống nhất tổ chức thực hiện chính sách; từng bước tháo gỡ những bất cập, chồng chéo trước đây giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý sự nghiệp, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH một cách hiệu quả, chuyên nghiệp và phù hợp thông lệ quốc tế. Ðến ngày 6-12-2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2002/NÐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam, bãi bỏ các quy định trước đây về tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam và BHYT Việt Nam. Theo đó, BHXH Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT và quản lý quỹ BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật.
Trong 25 năm hình thành và phát triển của ngành BHXH, chính sách BHXH, BHYT cũng liên tục được hoàn thiện, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, không thể thay thế trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH) của nước ta. Những số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc của đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong suốt những năm qua. Năm 1995 mới chỉ có 2,2 triệu người tham gia BHXH thì đến hết năm 2006 - năm đầu tiên triển khai Luật BHXH - đã có 6,7 triệu người tham gia, và đến hết năm 2019 đã có khoảng 15,7 triệu người tham gia, chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng nhanh từ 5,9 triệu người trong năm đầu tiên thực hiện chính sách (năm 2009) lên 13,4 triệu người vào năm 2019. Ðáng chú ý, đến hết năm 2019, số người tham gia BHYT đạt hơn 85,4 triệu người, chiếm tỷ lệ bao phủ gần 90% số dân, và tăng khoảng 70 triệu người so năm đầu tiên (2003) khi chức năng thực hiện chính sách BHYT chuyển sang BHXH Việt Nam. Cùng với số người tham gia BHXH, BHYT tăng đều mỗi năm, số người được thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT cũng đạt con số ấn tượng, tạo nên "lưới ASXH" vững chắc cho người dân. Trong 25 năm, ngành BHXH đã giải quyết cho hơn 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH (chế độ BHXH hằng tháng, BHXH một lần, ốm đau, thai sản...); bình quân mỗi năm hiện nay có hơn 150 triệu lượt người được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT...
Bên cạnh đó, hoạt động của ngành BHXH ngày càng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tiếp cận với xu hướng tiến bộ của thế giới. Ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ: cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính (TTHC), từ 263 TTHC của năm 2011 xuống còn 32 TTHC năm 2016 và đến năm 2019 còn 27 thủ tục; thực hiện hoạt động giao dịch điện tử, chi trả lương hưu qua bưu điện, cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tích hợp giải quyết một số thủ tục BHXH, BHYT trên Cổng dịch vụ công quốc gia...
Tiếp tục phục vụ người dân
Những kết quả quan trọng trong 25 năm mà ngành BHXH đạt được đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước về phát triển chính sách BHXH, BHYT trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống ASXH hướng tới mọi người dân. Ðồng thời, là nền tảng vững chắc để ngành BHXH tiếp tục đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, nhất là trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển và tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình hội nhập.
Ðể bảo đảm các mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH cho mọi người lao động như các nghị quyết của Ðảng đề ra, hiện nay, cơ quan BHXH Việt Nam đã bám sát các chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp đưa ra tại Nghị quyết số 21, Nghị quyết số 28 của Ðảng về chính sách BHXH, BHYT; phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BHYT và đồng bộ với việc phát triển các dịch vụ xã hội. Tìm các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia. Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, đặc biệt là công tác thanh tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về BHXH, BHYT.
Ðể mở rộng đối tượng tham gia, ngành sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền BHXH, BHYT cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT theo hộ gia đình và người lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp...
Tiếp tục mục tiêu xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân. BHXH Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp cải cách TTHC trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên nguyên tắc đơn giản, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia. Ðẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ, hoàn thiện hệ thống các phần mềm, cơ sở dữ liệu tập trung, thực hiện liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; nghiên cứu thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT bằng thẻ điện tử... Thực hiện hiện đại hóa quản lý BHXH, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong thực hiện BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp về hoạt động của ngành BHXH về tính ưu việt, nhân văn của các chính sách BHXH, BHYT vì mục tiêu bảo đảm ASXH bền vững cho mọi người dân.