Khẳng định vị thế của ngành dệt may Quảng Trị

Những năm gần đây, ngành dệt may Quảng Trị đã góp phần đáng kể vào thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định, dệt may là ngành công nghiệp có thế mạnh, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên phát triển.

 Kiểm tra tình hình hoạt động của ngành dệt may trước khó khăn do ảnh hưởng COVID-19 - Ảnh: L.T

Kiểm tra tình hình hoạt động của ngành dệt may trước khó khăn do ảnh hưởng COVID-19 - Ảnh: L.T

Trước đây, lao động Quảng Trị chủ yếu vào các tỉnh phía Nam làm công nhân may mặc. Tuy mức thu nhập cao nhưng chi phí sinh hoạt tại các đô thị lớn đắt đỏ nên tích lũy ít. Vì thế, khi ngành dệt may của tỉnh phát triển đã thu hút một lượng lớn công nhân từ phía Nam trở về. Với mức lương trung bình từ 5-7 triệu đồng/người/ tháng, sinh hoạt gần nhà, mặt bằng giá cả ở Quảng Trị thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành phía Nam nên đời sống của người lao động nâng lên đáng kể. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 13 doanh nghiệp dệt may hoạt động với tổng doanh thu đạt khoảng 350 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động.

Chị Nguyễn Thị Cẩm, quê ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng sau nhiều năm vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân may mặc nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người, chị đã trở về quê và xin vào làm công nhân ở Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú Quảng Trị (Cụm công nghiệp Diên Sanh). Chị Cẩm cho biết “Với mức lương bình quân gần 7 triệu đồng/ tháng nhưng được ở gần nhà, con nhỏ có ông bà chăm lo, không tốn tiền thuê nhà và các khoản chi phí ở quê cũng thấp nên cuộc sống của tôi thoái mái hơn trước rất nhiều. Bên cạnh đó, công ty luôn đảm bảo các chế độ, chính sách đối với người lao động như cung cấp suất ăn ca hằng ngày tại công ty, kịp thời chi trả các chế độ ốm đau thai sản, nuôi con nhỏ được về sớm hơn giờ tan ca 30 phút, khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ lao động…nên tôi rất yên tâm khi làm việc ở đây”.

Để phát triển ổn định và bền vững, các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp dệt may Quảng Trị đã và đang triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp sản xuất-kinh doanh hiệu quả, khẳng định uy tín, thương hiệu trên thương trường bằng những sản phẩm chất lượng, đa dạng và đẹp về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng… Đặc biệt, một số doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt nhu cầu mở rộng chi nhánh, xưởng may về tận vùng nông thôn như Công ty cổ phần May Quảng Trị. Hiện nay, ngoài các chuyền may tại trụ sở chính, công ty đã mở rộng thêm 5 xưởng may ở các xã, thị trấn trên địa bàn Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ với tổng cộng hơn 500 lao động. Sản phẩm chính của công ty là áo jacket, quần, T-Shirt, Polo-shirt, bảo hộ lao động... xuất khẩu sang EU, Mỹ, Nhật, Úc đòi hỏi kỹ thuật may khá cao, nhưng với sự hướng dẫn tận tình và kỹ lưỡng của các kỹ thuật viên, công nhân tại 5 xưởng may ở cơ sở đã đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng và số lượng hàng hóa, góp phần giúp công ty hoàn thành tốt các đơn hàng gia công và xuất khẩu mỗi năm khoảng hơn 264.000 sản phẩm với doanh thu khoảng 20 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 2 tỉ đồng.

Với tổng vốn đầu tư trên 80 tỉ đồng sau 5 năm thành lập, Công ty Cổ phần may và thương mại Gio Linh (Khu công nghiệp Quán Ngang) đã xây dựng, tuân thủ các quy định về lao động, môi trường, an sinh xã hội…Vừa qua, công ty được tổ chức WRAP Hoa Kỳ cấp chứng nhận đạt trách nhiệm toàn cầu về sản xuất may mặc. Để có được chứng nhận này, các đơn vị sản xuất trong ngành may mặc phải đáp ứng các nguyên tắc của WRAP như tuân thủ pháp luật và các quy định hiện hành; cấm phân biệt đối xử; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; đảm bảo tiền lương, phúc lợi, thời gian làm việc…Công ty trở thành một trong 430 doanh nghiệp may mặc của Việt Nam có tên trong bản đồ may thế giới được cấp chứng nhận quốc tế (cả nước có khoảng 7.000 doanh nghiệp may mặc). Việc được cấp chứng nhận WRAP là thuận lợi rất lớn để công ty tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, được ký hợp đồng với các đối tác, thương hiệu lớn. Hàng của công ty được xuất sang các thị trường khó tính đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm như Mỹ, Nhật, các nước EU…

 Nhà ăn của công nhân Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà được chia thành vách ngăn để đảm bảo phòng, chống COVID-19 tại nơi sản xuất - Ảnh: L.T

Nhà ăn của công nhân Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà được chia thành vách ngăn để đảm bảo phòng, chống COVID-19 tại nơi sản xuất - Ảnh: L.T

Công ty may Hòa Thọ-Đông Hà được thành lập năm 2007. Những năm qua, công ty đã không ngừng đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc, nhân công…phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh. Công ty hiện có 35 chuyền may với hơn 2.100 lao động, chuyên sản xuất kinh doanh áo jacket và quần áo bảo hộ lao động xuất khẩu. Ông Lê Anh Phong, Giám đốc Công ty may Hòa Thọ- Đông Hà chia sẻ: “Đối mặt với những thách thức, khó khăn do ảnh hưởng COVID-19 khi thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và thị trường xuất khẩu giảm mạnh nhưng công ty đã chủ động tìm giải pháp để tự cứu mình. Bước sang năm 2021, công ty có nhiều cơ hội lấy lại đà tăng trưởng trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có nhiều thay đổi. Với đặc thù mặt hàng của đơn vị chủ yếu là hàng khó may, có giá trị cao nên dù giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn giữ được giá, mở rộng thị phần các thị trường xuất khẩu”.

Theo nhận định của các doanh nghiệp dệt may lớn trên địa bàn, năm 2020 dịch bệnh khiến khách hàng cắt giảm đơn hàng và liên tục thay đổi kế hoạch, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng sự linh hoạt và chủ động trong việc thay đổi chiến lược kinh doanh đã giúp nhiều doanh nghiệp trụ vững. Tuy nhiên, bước qua năm 2021 khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã trở thành đòn bẩy giúp doanh nghiệp dệt may vươn lên hoạt động hiệu quả.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=158635&title=khang-dinh-vi-the-cua-nganh-det-may-quang-tri