Khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trong tổ chức các hội nghị mang tầm quốc tế và khu vực
Từ ngày 12 - 16/8/2024, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa diễn ra Hội nghị Những người đứng đầu Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự các nước ASEAN lần thứ 27 (Hội nghị DGICM lần thứ 27). Đây là lần thứ 3 Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM. Qua các năm, Việt Nam luôn là một trong những thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội nghị DGICM.
Hiện nay, với thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao sau gần 40 năm đổi mới và kinh nghiệm tổ chức thành công năm 2003 (DGICM lần thứ 7) và năm 2013 (DGICM lần thứ 17), việc đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM lần thứ 27 là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với diễn đàn nhằm thúc đẩy quan tâm chung trong bối cảnh mới. DGICM lần thứ 27 còn có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 30 năm Việt Nam trở thành thành viên của Hội nghị DGICM (1996-2026).
Dấu ấn của Hội nghị DGICM
Hội nghị DGICM được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996 tại Lào. Ngay từ khi mới tổ chức, các Hội nghị DGICM đều có chuyên gia là những người có trình độ chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự để giúp các nước đăng cai tổ chức hội nghị, trợ giúp chủ tọa trong các phiên họp, điều phối các vấn đề trong các phiên thảo luận và những vấn đề liên quan khác.
DGICM bao gồm 10 cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự của 10 quốc gia là thành viên chính thức: Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia. Ngoài ra, DGICM còn mở rộng hợp tác với các Đối tác đối thoại như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để tăng cường hợp tác trong đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, quản lý biên giới, kỹ năng kiểm tra hộ chiếu, giấy tờ giả, trao đổi thông tin… cho cán bộ xuất nhập cảnh các nước ASEAN.
Đến nay, DGICM đã tổ chức thành công 26 kỳ Hội nghị ở các nước khác nhau trong khu vực: Myanmar (3 lần) Philippines (3 lần), Singapore (3 lần), Thái Lan (3 lần), Malaysia (3 lần), Việt Nam (2 lần), Brunei (2 lần), Campuchia (2 lần), Indonesia (3 lần), Lào (2 lần). Các quốc gia thành viên chính thức được quyền luân phiên đăng cai tổ chức hội nghị, chủ động mời đại biểu các nước, khách mời, quan sát viên, điều phối viên tham dự và được hỗ trợ một phần kinh phí đi lại cho điều phối viên từ quỹ DGICM, các chi phí khác do việc tổ chức đăng cai hội nghị do nước chủ nhà đài thọ. Nước chủ nhà được thể hiện lòng hiếu khách và trọng thị dành cho khách quốc tế thông qua công tác lễ tân, đón tiếp, tháp tùng, hướng dẫn, trợ giúp, sắp xếp phương tiện di chuyển trong suốt thời gian tổ chức hội nghị. Điều này thể hiện sự gắn bó và hợp tác, tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia.
Để góp phần vào thành công của hội nghị, bên cạnh lòng hiếu khách của nước chủ nhà, nội dung và các chuyên đề hội thảo của hội nghị đóng vai trò hết sức quan trọng. Việc chọn tên các chuyên đề, hội thảo của hội nghị năm tiếp theo do các thành viên Ban thư ký ASEAN cùng điều phối viên hội nghị thống nhất và công bố tới các đại biểu trong phiên họp toàn thể của hội nghị. Căn cứ vào đó, điều phối viên gửi nước chủ nhà và nước thành viên một bản hướng dẫn tham luận hội nghị theo mẫu thống nhất. Các nước tham gia hội nghị được yêu cầu trình bày báo cáo quốc gia về công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự của nước mình trước hội nghị, các chuyên đề và hội thảo khác thì các nước có thể đăng ký trực tiếp với ban tổ chức để trình bày. Tuy nhiên, các nước phải gửi tham luận về các hội thảo, chuyên đề cho nước chủ nhà trước khi diễn ra hội nghị khoảng 2 - 3 tháng để ban tổ chức hội nghị gửi ban thư ký và điều phối viên chuẩn bị bố trí người hỗ trợ điều hành hội thảo và chuẩn bị dự thảo báo cáo tại hội nghị. Bản báo cáo chính thức của mỗi hội nghị DGICM là kết quả của tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học và trí tuệ của toàn thể các nước thành viên mà điều phối viên là những người khởi tạo, tổng hợp, phân tích và đánh giá, các nước thành viên bổ sung, tham gia, góp ý để chỉnh sửa cho phù hợp.
Việt Nam luôn là một trong những thành viên tích cực và có trách nhiệm
Hội nghị DGICM bao gồm các quan chức cấp cao phụ trách trong lĩnh vực xuất nhập cảnh và lãnh sự từ mỗi quốc gia thành viên ASEAN, hay còn gọi là lãnh đạo DGICM, đóng vai trò là đầu mối liên lạc cho các văn bản hợp tác liên quan. Chủ tịch của DGICM được luân phiên hàng năm theo thông lệ và theo thống nhất của các nước thành viên ASEAN. Chủ tịch DGICM có nhiệm vụ quyết định địa điểm và thời gian của Hội nghị DGICM và các cuộc họp liên quan; phát hành gói thư mời tham dự Hội nghị DGICM thường niên; biên soạn tài liệu, các chương trình nghị sự của các cuộc họp, các bài thuyết trình để đưa vào biên bản cuộc họp; dẫn dắt trong việc thực hiện các sáng kiến của DGICM, tổng hợp và báo cáo tiến độ về tiến trình thực hiện các sáng kiến này.
Ban thư ký ASEAN sẽ hỗ trợ Chủ tịch DGICM thông qua việc cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn về các quy trình, thực tiễn và sự phát triển trong ASEAN khi cần thiết, đồng thời là cơ quan lưu trữ tất cả các tài liệu của Hội nghị DGICM cũng như danh sách các đầu mối liên lạc của DGICM và các Đối tác đối thoại như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nói về ý nghĩa của hôị̣ nghị, lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an cho biết, Hội nghị DGICM là cơ chế họp thường niên và luân phiên của Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao các nước trong khu vực ASEAN từ năm 1996. Hội nghị được tổ chức để các nước thành viên ASEAN trao đổi tình hình, những vấn đề cùng quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự; đưa ra các sáng kiến, biện pháp và cơ chế để tăng cường hợp tác xuất nhập cảnh trong khối, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công dân và đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép.
Thông qua hội nghị để đề cao vai trò tích cực của nước chủ nhà trong xây dựng một ASEAN thống nhất, đoàn kết, phát triền bền chặt và toàn diện trong công tác quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự. Phát huy vai trò, hiệu quả công tác Công an góp phần củng cố, tăng cường trụ cột an ninh, quốc phòng trong nội khối ASEAN, tạo sự đoàn kết, đồng thuận, duy trì lập trường, thành quả chung đã đạt được, thống nhất trong ASEAN.
Việt Nam tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị DGICM từ năm 1996 và đã tham gia các hoạt động của tổ chức này với tinh thần trách nhiệm cao. Việt Nam đã 2 lần đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM vào năm 2003 (DGICM 7) tại Hà Nội và năm 2013 (DGICM 17) tại TP Hồ Chí Minh; được các đại biểu đánh giá, ghi nhận tích cực, góp phần nâng cao được vị thế, hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Theo cơ chế luân phiên và theo đề nghị của ban tổ chức, Việt Nam là nước đăng cai tổ chức Hội nghị DGICM lần thứ 27 năm 2024. Việc tổ chức hội nghị thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của các nước thành viên trong khối ASEAN, đồng thời nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự. Hội nghị DGICM lần thứ 27 thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là nước thành viên DGICM. Tạo điều kiện để các nước trong khu vực tăng cường đối thoại, hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự. Đồng thời, tạo ấn tượng tốt đẹp với các đoàn đại biểu tham dự, qua đó góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong tổ chức các hội nghị mang tầm quốc tế và khu vực.