Khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan trọng yếu của chính quyền
Trong suốt chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển (17-5-1983 - 17-5-2023), Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đổi mới tích cực, không ngừng lớn mạnh về tổ chức bộ máy cán bộ, chất lượng, hiệu quả hoạt động. Công tác tư pháp ngày càng được nâng cao, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh.
Kỷ niệm 40 năm thành lập Sở Tư pháp Thanh Hóa (17-5-1983 - 17-5-2023)
Các đồng chí: Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Đình Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật PBGDPL giai đoạn 2013-2022. Ảnh: Trần Thanh
Từ gian khó....
Sở Tư pháp Thanh Hóa thành lập ngày 17-5-1983 theo Quyết định số 326/TC-UBTH của UBND tỉnh Thanh Hóa. Những ngày đầu mới thành lập, bộ máy chỉ có 12 đồng chí chuyển từ Ban Pháp chế của UBND tỉnh và cán bộ của các cơ quan tòa án, viện kiểm sát và các ngành khác sang. Đây thực sự là thách thức rất lớn đối với các cán bộ tư pháp nói riêng và của ngành tư pháp nói chung trước nhiệm vụ được giao rất nặng nề, trong điều kiện cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn. Nhưng với bầu nhiệt huyết và phương châm “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, “vừa làm vừa học”, “vừa xây dựng, củng cố tổ chức, vừa triển khai các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ”, các thế hệ lãnh đạo cũng như đội ngũ cán bộ, công chức của Sở Tư pháp nói riêng và ngành tư pháp tỉnh Thanh Hóa nói chung đã vượt qua bao khó khăn, vất vả, phấn đấu không mệt mỏi, từng bước xây dựng và củng cố cơ sở vật chất, tổ chức cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Từ 6 nhiệm vụ được giao ban đầu, đến nay Sở Tư pháp được giao thực hiện 36 nhiệm vụ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, sở xác định con người là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự phát triển của ngành. Vì vậy, các thế hệ lãnh đạo của sở qua các thời kỳ luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, xây dựng công chức, viên chức trong ngành vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, Sở Tư pháp có 6 phòng và 4 đơn vị sự nghiệp thuộc sở, với tổng số 120 công chức, viên chức và lao động hợp đồng; 100% công chức, viên chức tốt nghiệp đại học, nhiều đồng chí có trình độ thạc sĩ, cao cấp chính trị, chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính.
Không chỉ quan tâm xây dựng, củng cố đội ngũ công chức, viên chức thuộc sở, triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, mà trong công tác quản lý Nhà nước đối với các tổ chức bổ trợ tư pháp cũng luôn được sở quan tâm, tăng cường chỉ đạo và định hướng phát triển. Hiện, toàn tỉnh có 39 tổ chức hành nghề luật sư; 4 trung tâm tư vấn pháp luật; 52 tổ chức hành nghề công chứng; 40 tổ chức bán đấu giá tài sản; 2 tổ chức giám định tư pháp; 3 văn phòng thừa phát lại.
Đối với công tác tư pháp trong toàn tỉnh, sở còn phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện trong việc xây dựng, củng cố đội ngũ công chức tư pháp cấp cơ sở. Hiện nay Sở Tư pháp là cơ quan trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn của 27 phòng tư pháp với 89 công chức. Trên địa bàn tỉnh hiện có 915 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã; 4.860 tổ hòa giải với trên 25.000 hòa giải viên; 130 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 592 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 6.715 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 80 cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Hằng năm, sở có nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ công chức tư pháp cấp cơ sở.
... nỗ lực ghi những “dấu son”
Trải qua 40 năm kể từ ngày được thành lập, cùng với quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh, trong suốt chặng đường đã qua Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa đã trải qua nhiều bước phát triển quan trọng, luôn bám sát nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao và tập trung trí tuệ, sức lực để thực hiện đồng bộ, sâu rộng các lĩnh vực công tác của ngành như xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý; quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp... ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong hệ thống tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương và trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thể hiện trước hết trong công tác phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng, thẩm định và tham gia đóng góp ý kiến cho hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật để trình HĐND và UBND tỉnh ban hành; không chỉ tham mưu trong xây dựng thể chế chính sách, sở còn tham mưu cho UBND các cấp giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc pháp luật, các tranh chấp, các vấn đề cấp bách, phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cùng với việc tích cực tham mưu xây dựng văn bản pháp luật, công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng được sở quan tâm chỉ đạo triển khai. Qua đó, kịp thời đề xuất UBND tỉnh hủy bỏ, bãi bỏ các văn bản trái pháp luật, không phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ cho đầu tư phát triển, nhất là trên các lĩnh vực thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được tăng cường, phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, ngày càng hướng mạnh về cơ sở. Cùng với việc chú trọng tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành và triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch PBGDPL phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai kịp thời các luật mới được Quốc hội thông qua, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác PBGDPL, đưa nhanh pháp luật đến với các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.
Việc đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, thực hiện kịp thời, đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền của mình. Qua đó, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý xã hội bằng pháp luật, tiếp tục xây dựng hình ảnh ngành tư pháp thân thiện, gần dân, phụng sự Nhân dân.
Cùng với đó, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách cũng luôn được Sở Tư pháp quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đặc biệt là trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân. Mỗi năm, Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức hàng chục đợt trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, giúp cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật.
Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, tiếp tục được đẩy mạnh xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Sở Tư pháp đã tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp, đồng thời góp phần tạo sự phát triển bền vững cho các tổ chức bổ trợ tư pháp để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của tổ chức và người dân.
Với những cố gắng vượt bậc, liên tục nhiều năm liền, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã trở thành đơn vị lá cờ đầu của ngành tư pháp Việt Nam, nhận được nhiều hình thức khen thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; được Bộ Tư pháp và UBND tỉnh tặng Bằng khen, Cờ đơn vị thi đua xuất sắc. Những thành tựu đạt được trong công tác tư pháp thời gian qua đã khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của Sở Tư pháp Thanh Hóa, đã tạo được niềm tin yêu, ghi nhận và đánh giá cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh.
Tự hào với truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp Thanh Hóa sẽ tiếp tục phát huy cao nhất truyền thống đoàn kết, đề cao trách nhiệm, tận tụy, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, tiếp tục lập nhiều thành tích mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tin tưởng và giao phó, để viết tiếp trang sử vẻ vang của ngành, tiếp tục khẳng định “tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền”, góp phần xây dựng sự nghiệp CNH, HĐH, cải cách nền hành chính, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.