Kháng nghị giám đốc thẩm bản án xử bị cáo hủy hoại hơn 2,2 ha rừng ở Yên Bái
Ngày 22-4, VKSND cấp cao tại Hà Nội cho biết vừa ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án số 42 ngày 9-10-2019 của TAND tỉnh Yên Bái xét xử Lương Văn Quyết (SN 1992), trú thôn Liên Hợp, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái về tội hủy hoại rừng.
Theo bản án, khoảng tháng 11-2017, Lương Văn Quyết đã dùng dao chặt phá lâm sản trên diện tích 22.500 m2 rừng tự nhiên, phòng hộ tại khu vực lô 14, 15 khoảnh 11, tiểu khu 417 thuộc thôn Liên Hợp. Đến ngày 13-3-2018, Kiểm lâm huyện Trấn Yên và đại diện UBND xã Hồng Ca lập biên bản về việc phá rừng trái pháp luật.
Tại bản kết luận định giá tài sản số 07 ngày 7-6-2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Trấn Yên đã kết luận: Giám trị thiệt hại về lâm sản gỗ nhóm VII, nhóm VIII, giang, nứa do Quyết hủy hoại là hơn 23,8 triệu đồng. Quá trình giải quyết vụ án, Quyết đã bồi thường đầy đủ số tiền trên cho Ban chỉ đạo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện Trấn Yên, đồng thời bị cáo và gia đình đã trồng quế, trấu, bồ đề trên diện tích rừng bị chặt với mục đích khắc phục hậu quả.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 21 ngày 25-7-2019, TAND huyện Trấn Yên quyết định tuyên bố Lương Văn Quyết tội hủy hoại rừng, áp dụng điểm b khoản 3, Điều 189; điểm b, p khoản 1, Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 xử phạt 5 năm tù, thời hạn tính từ ngày bắt thi hành án.
Sau xét xử sơ thẩm, Quyết kháng cáo xin được hưởng án treo. Tại Bản án số 42 ngày 9-10-2019, TAND tỉnh Yên Bái căn cứ điểm b khoản 1, Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự sửa Bản án sơ thẩm số 21 ngày 25-7-2019 của TAND huyện Trấn Yên; áp dụng các điểm b khoản 3, Điều 189; điểm b khoản 1, Điều 46; Điều 47, Điều 60 của Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Lương Văn Quyết 3 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Viện VKSND cấp cao tại Hà Nội xét thấy, hành vi của Quyết đã xâm phạm tài sản của Nhà nước, chính sách pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Việ bị cáo tự ý trồng lại rừng bị phá sau khi xét xử sơ thẩm lần thứ nhất với mục đích khắc phục hậu quả nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên không được chấp nhận như nhận định của bản án sơ thẩm số 21 là có căn cứ.
Với hành vi trên, TAND huyện Trấn Yên xử phạt bị cáo 5 năm tù là phù hợp, tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội. Còn Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thầm, xử phạt Lương Văn Quyết 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm là không tương xứng tính chất, hậu quả của vụ án và không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.
Do đó, VKSND cấp cao tại Hà Nội quyết định kháng nghị Bản án số 42 ngày 9-10-2019 của TAND tỉnh Yên Bái, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm, hủy Bản án số 42, giữ nguyên quyết định của Bản án số 21 ngày 25-7-2019 của TAND huyện Trấn Yên đối với Lương Văn Quyết.