Kháng nghị phúc thẩm Bản án dân sự sơ thẩm vi phạm trong việc áp dụng pháp luật

VKSND huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) xác định những vi phạm của Tòa án trong việc giải quyết vụ án không đúng theo quy định của pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nên đã ban hành kháng nghị phúc thẩm, đề nghị xét xử theo hướng sửa toàn bộ bản án theo quy định của pháp luật.

Theo đó, VKSND huyện Chợ Gạo vừa ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 03/QĐKNPT-VKS-DS ngày 11/3/2020, đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 31/2020/DS-ST ngày 27/02/2020 của TAND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang về việc giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa: Nguyên đơn Trần Văn Đức và bị đơn Trần Văn Phúc, do vi phạm về nội dung.

Theo kháng nghị của VKS, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (viết tay) giữa ông Trần Văn Đức và ông Trần Văn Phúc được ký kết ngày 11/01/2007. Do vậy, khi có phát sinh tranh chấp thì áp dụng Bộ luật Dân sự 2005 để giải quyết. Tuy nhiên, Tòa án lại áp dụng Bộ luật Dân sự 2015 là chưa hợp lý và chưa đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đương sự.

Một cuộc họp của VKSND huyện Chợ Gạo. Ảnh: Minh họa

Một cuộc họp của VKSND huyện Chợ Gạo. Ảnh: Minh họa

Tại phiên tòa, ông Đức trình bày, sau khi nhận chuyển nhượng đất từ ông Phúc thì ông Đức đã trồng 37 cây dừa (gồm 33 cây dừa loại B1, 04 cây dừa loại B2), 2 cây bưởi loại B2, 1 cây ổi loại A, 7 bụi chuối loại B. Hiện tại ông Đức đang trực tiếp canh tác và thu hoa lợi từ những cây trồng do ông đã trồng và 18 cây dừa ông Phúc đã trồng trước khi chuyển nhượng đất cho ông. Quá trình ông Đức canh tác và thu hoa lợi từ cây trồng trên phần đất tranh chấp, phía ông Phúc không ngăn cản hay có bất kỳ tranh chấp gì (có xác nhận của chính quyền địa phương).

Phía ông Phúc cũng thừa nhận có việc chuyển nhượng, cụ thể: Phần đất chuyển nhượng thuộc thửa 1272, tờ bản đồ số 03, tọa lạc tại ấp Bình Khương 1, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, theo Giấy CNQSDĐ số 1057 do Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo cấp ngày 15/6/1997. Nay là thửa số 420, tờ bản đồ số 31, diện tích 1718,3 m2, theo giấy CNQSDĐ số CH00847 do UBND huyện Chợ Gạo cấp ngày 05/5/2011 cho ông Trần Văn Phúc.

Tại phiên tòa, ông Phúc cũng thừa nhận việc ông Đức trồng dừa và hiện tại đang thu hoạch dừa trên phần đất tranh chấp. Ông Phúc không ngăn cản và cũng không tranh chấp trong quá trình ông Đức canh tác.

Như vậy, tuy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được viết giấy tay, không được công chứng, chứng thực là chưa đúng về hình thức theo quy định tại Điều 689 của Bộ luật Dân sự năm 2005, nhưng điểm b.3 tiểu mục 2.3 mục 2 Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, quy định: “… nếu sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã trồng cây lâu năm, đã làm nhà kiên cố... và bên chuyển nhượng không phản đối và cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo các quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thì Tòa án công nhận hợp đồng…”.

Do đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Đức và ông Phúc vẫn được công nhận. Tuy nhiên, Tòa án lại áp dụng Điều 500, 502 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhận định hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ về hình thức là không hợp lý và chưa thực hiện đúng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và quy định tại điểm b.3 tiểu mục 2.3 mục 2 Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Quyết định kháng nghị phúc thẩm của VKSND huyện Chợ Gạo.

Quyết định kháng nghị phúc thẩm của VKSND huyện Chợ Gạo.

Bên cạnh đó, Tòa án xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Trần Văn Đức và ông Trần Văn Phúc vi phạm quy định về hình thức nhưng Tòa án không ra quyết định buộc các bên phải hoàn thiện về hình thức của hợp đồng là chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Hơn nữa, theo lời trình bày của các nhân chứng gồm ông Nguyễn Văn Bảy, ông Nguyễn Văn Hảo và bà Phan Thị Hồng cùng xác nhận, ông Đức đã trả đủ tiền cho ông Phúc và ông Phúc đã giao đất cho ông Đức canh tác trồng dừa từ năm 2007 cho đến nay. Bên cạnh đó, tại Biên bản hòa giải ngày 2/8/2019, ông Phúc trình bày đồng ý trả lại cho ông Đức 100.000.000 đồng và phải cho ông Phúc bán đất. Điều đó cho thấy, ông Phúc đã nhận tiền và giao đất cho ông Đức canh tác. Tuy nhiên, Tòa án nhận định ông Đức chưa giao tiền và ông Phúc chưa giao đất nên không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là không phù hợp với thực tế, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự.

Vụ án có sự tham gia của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn Trần Văn Phúc là ông Phạm Minh Đảo – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, bản án không thể hiện có sự tham gia của ông Phạm Minh Đảo.

Hồ sơ thể hiện, ngày 15/8/2019, ông Trần Văn Đức có viết đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Chợ Gạo tiến hành định giá phần đất tranh chấp và cây trồng trên đất. Chi phí định giá do ông Đức tự nguyện nộp tạm ứng. Tuy nhiên, bản án của Tòa án không đề cập đến chi phí định giá với số tiền bao nhiêu và do đương sự nào phải chịu, là chưa thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Theo Viện Kiểm sát, những vi phạm của Tòa án nêu trên làm cho việc giải quyết vụ án không đúng theo quy định của pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Nam Phong - Tuyết Hằng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/khang-nghi-phuc-tham-ban-an-dan-su-so-tham-vi-pham-trong-viec-ap-dung-phap-luat-85154.html