Khánh Hòa: Buộc gỡ bỏ công trình du lịch trái phép, gây ảnh hưởng khu vực hồ Am Chúa
Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vừa tiến hành xử phạt hành chính các đối tượng thực hiện xây dựng công trình du lịch trái phép xung quanh khu vực hồ Am Chúa. Đồng thời, yêu cầu khôi phục lại hiện trạng khu đất như ban đầu.
Ngang nhiên xây dựng khu du lịch “chui”
Hồ thủy lợi Am Chúa (thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) là hồ nước nằm cách trung tâm thành phố biển Nha Trang khoảng 14km về hướng Tây Nam. Hồ nước này có trữ lượng nước lên đến 45 triệu m3, diện tích mặt nước khoảng 60 ha và đóng vai trò lớn trong việc phục vụ hoạt động sản xuất, tưới tiêu trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều người dân địa phương phản ảnh về việc hàng loạt đối tượng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khu vực này, cụ thể là chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp và xây dựng công trình trái phép.
Điển hình nhất là trường hợp của ông Trần Văn Phương, khu đất gần khu vực hồ Am Chúa do cá nhân này sở hữu đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 18.000m2 đất rừng sản xuất, tuy nhiên ông nhưng đã tự ý chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp để thực hiện đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái mô hình farmstay với tên gọi là “Dép Tổ Ong”.
Tại vị trí thửa đất này, ông Phương đã cho xây dựng 1 nhà cấp 4, 1 hồ bơi, 3 lều tạm, 2 hồ nuôi cá… để phục vụ mục đích kinh doanh du lịch.
Xử lý các công trình xâm hại hồ Am Chúa
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa phối hợp UBND xã Diên Điền rà soát, khôi phục lại các mốc phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Am Chúa trên thực địa để làm cơ sở xác định phạm vi cụ thể giữa đất lòng hồ và đất sản xuất của người dân.
Sở cũng đề nghị UBND huyện Diên Khánh chỉ đạo các địa phương tổ chức vận động người dân tự giác tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc... trái phép, kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Am Chúa.
Trao đổi thông tin về các hoạt động du khách sẽ được trải nghiệm tại khu du lịch này thông qua trang Facebook mang tên “Dép Tổ Ong – Farmstay”, trang này cho biết, du khách sẽ được tận hưởng dịch vụ như: câu cá thư giãn tại farm, chèo xuồng kayak trên hồ, tắm hồ bơi suối khoáng và hồ lười - Trekking, lội suối bắt cua suối, camping ngủ lều kết hợp bungalow - BBQ và đốt lửa trại về đêm. Đồng thời tại đây cũng có trang bị sẵn nhiều chòi mát và võng cho từng gia đình.
Theo giới thiệu, tổng khu vực có khoảng 6 nhà chòi lưu trú, mỗi chòi có sức chứa 5 người. Các gói dịch vụ sẽ tùy thuộc vào thời gian nghỉ dưỡng và số lượng khách tham gia, giao động từ 100 - 400 nghìn/người. Khách muốn đặt dịch vụ thì phần lớn sẽ phải gọi đặt trước và liên hệ trực tiếp với anh Phương (chủ farmstay).
Khi được phóng viên hỏi về tình hình hoạt động, người quản lý trang Facebook của khu du lịch “chui” này cho biết, vì lý do sửa chữa, tôn tạo nguồn nước và hoàn thiện thêm một số hạng mục nên farm không kịp đưa vào hoạt động trong tháng 09 và hứa hẹn sẽ có thông báo cụ thể đến khách hàng khi hoạt động trở lại.
Ngoài trường hợp của ông Phương, theo tìm hiểu tại khi vực hồ Am Chúa còn 4 trường hợp vi phạm nữa là ông Nguyễn Phúc Cang; ông Lê Đức Anh; ông Trương Phú Lâm và bà Nguyễn Thị Thanh Phương.
Cụ thể về trường hợp của bà Nguyễn Thị Thanh Phương, người này đang sử dụng 28.662,5m2 đất rừng sản xuất khu vực hồ Am Chúa và đã tự chuyển đổi diện tích đất trên sang đất phi nông nghiệp, cho xây dựng thêm 2 nhà tiền chế, trang bị hệ thống ròng rọc bằng sắt.
Với trường hợp ông Nguyễn Phúc Cang (ngụ phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM) đang sử dụng khu đất rừng sản xuất có diện tích khoảng 5,5 ha tại khu vực hồ Am Chúa. Trong quá trình sử dụng đất, ông Cang đã tự chuyển đổi toàn bộ khu đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp. Ông còn thuê các phương tiện quy mô lớn để thực hiện thi công trong thời gian dài từ năm 2021 đến nay với các hạng mục như: 1 nhà tiền chế, dựng kè đá núi tảng lớn, hồ nuôi cá…
Hiện đang sử dụng 10.543m2 đất rừng sản xuất tại khu vực hồ Am Chúa, trong quá trình sử dụng đất từ 6/2022, ông Lê Đức Anh cũng đã thực hiện tập kết đá, đào rãnh thoát nước không xin phép trong phạm vi bảo vệ vùng phụ cận hạ lưu hồ.
Tương tự, ông Trương Phú Lâm đang sử dụng 4.176m2 đất rừng sản xuất. Trong quá trình sử dụng, ông Lâm tiến hành đặt thùng container và xây dựng hồ chứa nước, làm nhà ở, đón khách.
Giải quyết triệt để vi phạm
Trả lời Phóng viên tạp chí Kinh tế - Môi trường, ông Phan Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Diên Điền cho biết, công trình do các hộ dân xây dựng trái phép nói trên nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ thủy lợi Am Chúa.
Hồ chứa nước này do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa quản lý, vận hành cung cấp nguồn nước sản xuất nông nghiệp cho hơn 390ha ở hai xã Diên Điền và Diên Sơn, huyện Diên Khánh.
Theo như quy định của pháp luật thì không được phép xây dựng các công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, điều này nhằm mục đích bảo đảm an toàn hồ thủy lợi Am Chúa.
Về trường hợp xây dựng farmstay “Dép tổ ong”, ông Thuần cho biết, không nắm rõ được khu vực du lịch này hoạt động từ khi nào.
Tuy nhiên, ông Thuần xác nhận farmstay đã có giấy phép kinh doanh do huyện cấp, tuy nhiên vị trí trong hồ sơ đăng ký là thuộc thôn Trung 3, chứ không phải khu vực hồ Am Chúa. Đồng thời, cá nhân này cũng vi phạm về quyền sử dụng đất đối với khu vực sở hữu.
Ngay sau khi xác định được sự việc, UBND xã Diên Điền đã tiến hành lập biên bản, ra 2 quyết định xử phạt hành chính đối với ông Trần Văn Phương (8 triệu đồng).
Thực hiện yêu cầu của UBND xã về việc khắc phục các công trình vi phạm, nay ông Phương đã tháo gỡ xong các chòi tạm nằm trong phạm vi lòng hồ Am Chúa. Đối với 03 hồ nước ông Phương xin tồn tại để phục vụ trữ nước tưới cây trái vào mùa khô. Đối với việc kinh doanh, ông Phương đã ngừng kinh doanh dịch vụ ăn uống và lưu trú.
Ông Nguyễn Phúc Cang cũng đã thực hiện tháo gỡ 1 nhà tiền chế. Đối với nhà tiền chế nằm trong phạm vi lòng hồ Am Chúa ông Cang đã tháo dỡ phần mái che bằng Tôn. Đối với 2 kè đá, hồ cá và một số cây cảnh, cây lâu năm ông Cang xin tồn tại để phục vụ trữ nước tưới cây trái vào mùa khô và giữ đất khỏi sạt lở.
Còn trường hợp khác cũng đã chấp nhận hình phạt hành chính và dần khôi phục khu vực lại hiện trạng ban đầu theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Theo một chuyên gia Thủy lợi thuộc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định: Để bảo đảm an toàn hồ đập, hệ thống kênh mương, tăng cường năng lực tiêu thoát nước trong mùa mưa bão, các địa phương cần khẩn trương xử lý các vi phạm pháp luật về thủy lợi. Trước mắt là tập trung giải tỏa những vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu thoát nước của các tuyến kênh, các trục tiêu nước chính; đồng thời ngăn chặn vụ việc vi phạm mới phát sinh trên địa bàn.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần rà soát lại thực tiễn, xem xét những vướng mắc trong quản lý, xử lý vi phạm, xác định đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó tìm hướng giải quyết. Đặc biệt, các cấp chính quyền và đơn vị quản lý thủy lợi phải có sự phối hợp chặt chẽ trong phát hiện cũng như xử lý vi phạm; cần có cơ chế huy động nhân dân địa phương cùng vào cuộc cung cấp thông tin, tố giác vi phạm, bảo đảm mọi vi phạm sẽ bị xử lý kịp thời ngay từ khi phát sinh.
Và vấn đề quan trọng nữa là cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở cũng như người dân, để việc bảo vệ các công trình thủy lợi trở thành việc làm thường xuyên, lâu dài của cả cộng đồng. Chỉ khi các cơ quan chức năng và người dân cùng vào cuộc chủ động và có trách nhiệm, thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới có thể giải quyết triệt để tình trạng xâm hại các công trình thủy lợi.